ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 xuống còn 3,8%

Vũ Phong
Kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng chậm hơn do sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19...

Theo Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2021 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa công bố, kinh tế Việt Nam được dự báo đạt mức tăng trưởng 3,8% trong năm nay và 6,5% vào năm 2022. Cả hai mức tăng trưởng này đều thấp hơn so với dự báo hồi tháng 4 là 6,7% (2021) và 7% (2022).

Nguyên nhân khiến ADB hạ dự báo là do sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19, làm gián đoạn nguồn lao động, giảm sản lượng công nghiệp và gây đứt gãy chuỗi giá trị nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB cho biết: “Chỉ số nhà quản trị mua hàng xuống dưới mức 50 từ tháng 6 đến tháng 8, báo hiệu sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất. Do vậy, tăng trưởng công nghiệp dự báo sẽ giảm xuống 5,0% vào năm 2021 so với mức trước đại dịch là 8,9% vào năm 2019”.

Đồng thời, nhu cầu ngày càng tăng đối với các giao dịch trực tuyến và chăm sóc sức khỏe sẽ duy trì sự tăng trưởng của các dịch vụ tài chính và y tế. Tuy nhiên, việc đóng cửa các khu du lịch và hạn chế đi lại sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến du lịch, làm giảm tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ từ mức 7,3% của năm 2019 xuống mức dự báo là 3,3% trong năm nay.

ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 xuống còn 3,8% - Ảnh 1

Ngoài ra, tính đến ngày 15/9, 33% dân số đã được tiêm phòng liều đầu tiên của vaccine Covid-19, nhưng chỉ dưới 6% dân số đã được tiêm đủ 2 liều. Mặc dù việc triển khai nhanh chóng liều vaccine đầu tiên sẽ giúp giảm lây nhiễm và tử vong, nhưng chuyên gia kinh tế trưởng ADB cho rằng, tỷ lệ được tiêm đủ 2 liều còn thấp có thể hạn chế người lao động quay lại sản xuất trong năm 2021, vì chỉ những người được tiêm chủng đầy đủ mới có thể đi làm an toàn.

ADB cảnh báo, các thủ tục hành chính rườm rà, đặc biệt là trong việc cấp giấy đi đường, đã làm gián đoạn sự dịch chuyển của lao động và chuỗi cung ứng thực phẩm, làm trầm trọng thêm tác động của đại dịch đối với nền kinh tế.

“Tính đến ngày 31/8/2021, có khoảng 32% của chương trình hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 1 tỷ USD đã được giải ngân. Mặc dù chính sách tài khóa có thể hỗ trợ tăng trưởng, nhưng lại khó có thể kích cầu trong nước do chi tiêu của Chính phủ bị hạn chế khi ngân sách ngày càng trở nên khó khăn và dự kiến mức bội chi là 5% GDP năm 2021, cao hơn một chút so với chỉ tiêu”, đại diện ADB cho biết.

Nhìn chung, triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn của Việt Nam được ADB nhận định có nhiều thách thức. Rủi ro chính là đại dịch kéo dài, đặc biệt nếu tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc không tăng đáng kể. Tăng trưởng cũng phụ thuộc vào việc Chính phủ kịp thời cung cấp các mặt hàng thiết yếu, như thực phẩm và tiền mặt, cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 xuống còn 3,8% - Ảnh 2

Tuy nhiên, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trở lại nếu đại dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối năm 2021 và đến quý 2-2022 có 70% dân số cả nước được tiêm chủng.

ADB vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn. Tăng trưởng có thể được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới do các hiệp định thương mại mang lại và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Liên quan đến câu chuyện đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho rằng, cần có thời gian để FDI đạt được hiệu quả. Song, ông Andrew Jeffries cũng thừa nhận, làn sóng dịch bệnh lần thứ tư là một trong yếu tố ảnh hưởng tới FDI.

“Quan trọng là đã có những động thái thay đổi trong sản xuất như khu công nghiệp ở miền Bắc đã quay lại hoạt động dù ở miền Nam thì chưa. Tôi cũng nhận thấy có sự lo ngại trong cộng đồng của doanh nghiệp nhưng không quá lo ngại nếu chúng ta có những biện pháp kiểm soát đại dịch tốt hơn”, ông Andrew Jeffries nói.

Cũng theo ông Andrew Jeffries, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn FDI hơn so với những quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á những năm qua.

“Việt Nam là quốc gia tăng trưởng nhanh với tầng lớp trung lưu cũng phát triển nhanh là điểm đến hấp dẫn, quan trọng của doanh nghiệp FDI. Việt Nam cần có những cách tiếp cận ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thu hút FDI”, ông Andrew Jeffries nhấn mạnh.

Tin mới

Vì sao Xiaomi quyết tâm nhảy vào thị trường xe điện?

Vì sao Xiaomi quyết tâm nhảy vào thị trường xe điện?

Xiaomi, một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, đã nhảy vào thị trường xe điện, tung ra mẫu xe có giá chỉ bằng một nửa so với xe điện do Tesla của Mỹ và Porsche của Đức cung cấp, mặc dù mang lại hiệu suất tốt hơn các thương hiệu uy tín đó.
#Auto Hashtag: Bí ẩn đằng sau quyết định sa thải hàng loạt nhân sự của ông chủ Tesla

#Auto Hashtag: Bí ẩn đằng sau quyết định sa thải hàng loạt nhân sự của ông chủ Tesla

Một sự kiện gây xôn xao làng xe thế giới những ngày gần đây: Tỷ phú Elon Musk, ông chủ Tesla vừa quyết định sa thải 500 nhân sự ở mảng kinh doanh trạm sạc Supercharger. Lý do nào đi đến quyết định bất ngờ này? Elon Musk đang suy tính điều gì? Và việc kinh doanh dịch vụ trạm sạc có còn là “miếng bánh ngọt” dành cho các hãng ô tô trên thế giới cũng như tại Việt Nam hay không? Hãy cùng chúng tôi phân tích chủ đề này trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay!