ASEAN tiến tới xoá bỏ rào cản phi thuế

Hồng Thoan
Quá trình tự do hoá thương mại trong khối các nước ASEAN đã đạt được những bước tiến quan trọng
Rào cản thuế quan sẽ không còn đáng kể do tác động của hội nhập kinh tế.
Rào cản thuế quan sẽ không còn đáng kể do tác động của hội nhập kinh tế.
Trong giai đoạn hiện nay, các nước ASEAN đang xem xét việc dỡ bỏ các rào cản phi thuế quan (NTBs) nhằm sớm thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.

Quá trình tự do hoá thương mại trong khối các nước ASEAN đã đạt được những bước tiến quan trọng thông qua việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan trong nội khối. Ông Bùi Huy Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên của Bộ Thương mại cho biết: việc giảm thuế quan theo Chương trình Thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung cho Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (CEPT/AFTA) về cơ bản đã hoàn thành. Việc thực hiện cắt bỏ rào cản phi thuế quan sẽ là bước tiếp theo trong nỗ lực tự do hoá thương mại nội khối.

Tạo thuận lợi cho luân chuyển hàng hóa

Theo cam kết của các nước ASEAN, Cộng đồng ASEAN sẽ phát triển dựa trên 3 trụ cột gồm kinh tế, chính trị và văn hoá xã hội. Trong đó, cộng đồng kinh tế sẽ phát triển theo xu hướng tạo thuận lợi nhất cho dòng luân chuyển hàng hoá, dịch vụ, đầu tư trong khu vực ASEAN và mở rộng ra thị trường quốc tế.

Vì vậy, hàng loạt các khu vực mậu dịch tự do (FTA) giữa ASEAN với các nước đối thoại như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, New Zealand đã được thiết lập, đồng thời cũng đang tiếp tục đàm phán với nhiều nước khác.

Song song với việc thiết lập những khu vực mậu dịch tự do đa phương, từng nước thành viên ASEAN còn nỗ lực đàm phán để tiến tới thành lập những khu vực mậu dịch tự do song phương với các nước đối tác nhiều tiềm năng. Hiện Việt Nam cũng đang trong quá trình đàm phán với một số đối tác (Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chilê...) để đạt được mục tiêu trên.

Theo Điều 5.A.2 của Hiệp định CEPT/AFTA, các nước ASEAN cam kết “sẽ loại bỏ dần các hàng rào phi thuế khác trong vòng 5 năm kể từ khi được hưởng các ưu đãi áp dụng cho các sản phẩm của mình”. Nhằm mục đích bảo hộ cho ngành sản xuất trong nước hoặc nhằm một mục đích nào đó, các nước thường áp dụng những rào cản phi thuế quan như quota hạn chế định lượng, giấy phép, phí, quy định về kiểm dịch động thực vật, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về lao động, môi trường, chống bán phá giá... để hạn chế dòng luân chuyển của thương mại.

Chính vì vậy, Hiệp định CEPT/AFTA ra đời nhằm mục đích cắt giảm thuế quan trong các nước ASEAN, dần tiến tới xoá bỏ thuế quan cho phù hợp với bối cảnh toàn cầu hoá. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu tự do hoá thương mại ngày càng cao, ASEAN quyết tâm đẩy nhanh xoá bỏ thuế quan, đồng thời tạo thuận lợi tối đa về thương mại và thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ bên ngoài vào ASEAN để trở thành một khu vực sản xuất của toàn cầu.

Theo đó, thuế suất CEPT/AFTA được áp dụng đối với các mặt hàng thuộc danh mục xoá bỏ thuế quan (IL), danh mục loại trừ tạm thời (TEL), danh mục nhạy cảm (SL/HSL), danh mục loại trừ hoàn toàn (GEL).

Bên cạnh đó, theo cam kết của ASEAN 6, các nước ASEAN phải cắt giảm thuế quan xuống còn 0 - 5% trong năm 2003, đến nay đã thực hiện xong, việc thực hiện xoá bỏ thuế quan 60% danh mục mặt hàng IL cũng đã được thực hiện. Trong năm 2007, 80% danh mục mặt hàng IL và PIS (những mặt hàng thuộc 11 lĩnh vực ưu tiên hội nhập trong năm 2007) của các nước ASEAN sẽ phải giảm thuế nhưng đến thời điểm hiện nay mới chỉ có Malaysia và Singapore đã thực hiện. Theo lộ trình, đến năm 2010 thì 100% mặt hàng IL sẽ giảm thuế xuống 0%.

Các NTBs sẽ là rào cản chính

Do Việt Nam gia nhập sau nên lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam đến năm 2013 sẽ cắt giảm thuế xuống 0-5% tất cả các danh mục mặt hàng. Đồng thời, theo Hiệp định e-ASEAN, Việt Nam sẽ phải xoá bỏ thuế quan cho hơn 300 mặt hàng thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin trong giai đoạn từ 2008-2010. Hàng rào thuế quan sẽ được xoá bỏ hoàn toàn vào năm 2015, ngoại trừ một số mặt hàng thuộc danh mục nhạy cảm như hàng nông sản, ô tô, sẽ xoá bỏ trong năm 2018 (hiện đang tiếp tục đàm phán về lộ trình thực hiện cụ thể).

Bà Nguyễn Thị Hồng Thuỷ, Phó trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách thương mại đa biên khẳng định rằng rào cản thuế quan sẽ không còn đáng kể do tác động của hội nhập kinh tế, các NTBs sẽ là những rào cản chính đối với thương mại. Để thúc đẩy xuất khẩu và thương mại, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước nên hợp tác chặt chẽ và tăng cường đối thoại về NTBs. Như vậy sẽ thiết lập được kênh thông tin hai chiều, góp phần giảm thiểu những khó khăn trong việc xuất khẩu của doanh nghiệp.

Một ví dụ điển hình về NTBs mà doanh nghiệp Việt Nam đã gặp là ngày 12/10/2005, Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã có công văn gửi tới Bộ Thương mại khiếu nại về việc Bộ Thương mại Myanmar cấm nhập các loại bóng đèn huỳnh quang, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Bộ Thương mại đã gửi khiếu nại trên tới Cơ quan đầu mối AFTA quốc gia Myanmar. Sau khi làm rõ mệnh lệnh trên không có cơ sở pháp lý, phía Myanmar đã rút lệnh cấm và bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp.

Hay một dẫn chứng khác, ngày 12/10/2005, Công ty Kính nổi Việt Nam khiếu nại lên Bộ Thương mại về việc Hải quan Philippines yêu cầu có xác nhận của Lãnh sự thuộc Đại sứ quán Philippines trên giấy chứng nhận C/O mẫu D đối với sản phẩm kính nổi xuất khẩu sang Philippines. Bộ Thương mại cũng đã gửi khiếu nại trên tới Cơ quan đầu mối AFTA quốc gia Philippines đề nghị làm rõ vụ việc. Vì vậy, hồi tháng 5, tại cuộc họp của Uỷ ban điều phối AFTA, Philippines đã tuyên bố bãi bỏ quyết định này.

Thống kê của Ban thư ký ASEAN cho thấy: những NTBs thường gặp nhất trong ASEAN trên cơ sở số dòng thuế gồm: phụ phí hải quan với 2.683 dòng thuế áp dụng; tiêu chuẩn kỹ thuật 568 dòng thuế áp dụng; tiêu chuẩn về sản phẩm 407 dòng thuế áp dụng; các loại phí bổ sung khác 126 dòng thuế áp dụng. Hiện nay, các nước thành viên ASEAN đang tiến hành phân loại các biện pháp phi thuế quan (NTMs) - được xếp vào hộp xanh - với các rào cản phi thuế quan NTBs - được xếp vào hộp đỏ, cần phải loại bỏ.

Song song với việc làm đó, các nước cũng phải đưa ra các chương trình làm việc về loại bỏ NTBs để trình lên Hội nghị Hội đồng AFTA và Hội nghị các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (diễn ra vào tháng 8/2007) phê duyệt để đi vào thực hiện. Về lịch trình thực hiện, “Chương trình công tác loại bỏ NTBs của các nước thành viên ASEAN” do Hội đồng AFTA-20 thông qua đã được phân chia theo 3 gói: gói thứ nhất từ 1/1/2008 đối với ASEAN 5, từ 1/1/2010 đối với Philippines, từ 1/1/2013 đối với những thành viên mới kết nạp. Gói thứ 2 và gói thứ 3 được thực hiện từ 1 năm sau những mốc thời hạn lần lượt tương ứng của gói thứ nhất và gói thứ 2.

Việt Nam đã xây dựng Danh mục các NTMs và phân loại đưa vào các hộp xanh (không xoá bỏ), hộp hổ phách (có thể xem xét loại bỏ) và hộp đỏ (có khả năng loại bỏ) với tổng số 293 NTMs và không có NTBs. Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang tiến hành rà soát lại Danh mục trên, đồng thời tiến hành rà soát chéo Danh mục của các nước thành viên khác để phát hiện những phân loại sai sót, nhầm lẫn và xoá bỏ các NTBs nếu có theo các chương trình làm việc quy định tại các văn bản liên quan.

Tin mới

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Từng là biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô thế giới, những năm gần đây, vị thế của dòng xe sedan đang bị thử thách bởi sự tăng trưởng mạnh của dòng xe SUV, MPV. Tại Việt Nam, doanh số sedan liên tục sụt giảm, khiến cuộc cạnh tranh trong từng phân khúc ngày càng trở nên khốc liệt hơn.
Tín chỉ carbon: “Miếng bánh” ít người biết của Tesla

Tín chỉ carbon: “Miếng bánh” ít người biết của Tesla

Tín chỉ carbon không tác động trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng chúng là tài sản rất quan trọng mà các công ty ô tô cần cân nhắc và chúng sẽ định hình tương lai của ngành. Trong khi nhiều hãng xe khác đang loay hoay tìm hướng đi trong cuộc đua điện khí hoá thì Tesla của Elon Musk đã tạo ra khoản tiền đáng kể 1,79 tỷ USD từ việc bán tín dụng carbon năm 2023, nâng tổng thu nhập từ các khoản tín dụng từ tín chỉ carbon kể từ năm 2009 lên gần 9 tỷ USD.