Ban Chỉ đạo điều hành giá lo lạm phát năm tới

Trâm Anh
Cục Quản lý giá nhận định lạm phát năm nay chỉ 1,9% nhưng năm 2022 sẽ rất căng thẳng do hàng loạt yếu tố bất thường...
Dự báo trong năm 2022, công tác quản lý, điều hành giá sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn.
Dự báo trong năm 2022, công tác quản lý, điều hành giá sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn.

Tại cuộc họp tổng kết công tác điều hành giá năm 2021 và định hướng năm 2022 của "Nhóm giúp việc" Ban Chỉ đạo điều hành giá vừa qua, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Trưởng Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá nhận định: năm 2021, công tác điều hành giá gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

"Tuy nhiên, công tác quản lý, điều hành giá đạt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% và được kiểm soát ở mức thấp, dự kiến khoảng 1,9%", ông Tuấn nói.  

Theo nhận định của "Nhóm giúp việc", nhờ chính sách tài khóa chủ động, kịp thời, chính sách tiền tệ linh hoạt, đồng bộ và công tác điều hành một số mặt hàng thiết yếu nhịp nhàng nên khả năng lạm phát năm 2021 được kiểm soát ở mức thấp. 

Chỉ rõ những yếu tố gây khó khăn, thách thức đến công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2021, các thành viên của nhóm cho rằng, năm qua, hoạt động điều hành giá chịu áp lực rất lớn từ đại dịch Covid - 19, khiến giá cả các mặt hàng thế giới tăng cao, những đứt gãy trong chuỗi cung ứng vẫn chưa thể giải quyết, vấn đề địa chính trị giữa các quốc gia, việc thiếu hụt nguồn nguyên nhiên vật liệu, chất bán dẫn nửa cuối năm…

 

"Công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2022 tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bình ổn mặt bằng giá để ổn định sản xuất, sinh hoạt của người dân và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng khó khăn".

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Trưởng Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Vì vậy, theo nhóm này, dự báo trong năm 2022, công tác quản lý, điều hành giá sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn năm 2021 do giá nhiên liệu dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, giá vật liệu xây dựng chịu áp lực từ tác động giá thế giới và nhu cầu đầu tư khi kinh tế phục hồi. 

Ngoài ra, giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc tăng theo quy luật vào dịp lễ, Tết; giá phân bón, thức ăn chăn nuôi có thể tăng do tác động chi phí đầu vào tăng.

Cùng với đó, chi phí vận tải, logistics tăng do chuỗi cung ứng đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục, rủi ro về thiên tai, thời tiết bất lợi… là những yếu tố bất lợi ảnh hưởng tới lạm phát năm 2022.

Đại diện đến từ các Bộ, ngành cũng cho rằng có rất nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá năm 2022, trong đó, gói kích thích kinh tế hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng nhưng cũng tạo áp lực lên lạm phát.  

Nhiều kịch bản điều hành giá năm 2022 được Nhóm giúp việc xây dựng, thảo luận gồm cả cả kịch bản lạm phát thấp và kịch bản lạm phát cao trong điều kiện nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng tới công tác quản lý, điều hành giá.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Nhóm giúp việc sẽ tính toán kỹ lưỡng để báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá phương án điều hành giá trong năm 2022.

Tin mới

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Từng là biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô thế giới, những năm gần đây, vị thế của dòng xe sedan đang bị thử thách bởi sự tăng trưởng mạnh của dòng xe SUV, MPV. Tại Việt Nam, doanh số sedan liên tục sụt giảm, khiến cuộc cạnh tranh trong từng phân khúc ngày càng trở nên khốc liệt hơn.