Bị chỉ trích về công suất dư thừa, Trung Quốc đã làm gì?

Hoài Thu
Các đối tác thương mại của Trung Quốc, gồm cả những nước thân thiện như Brazil, đang phản đối tình trạng dư thừa hàng giá rẻ từ quốc gia châu Á, từ xe điện, tấm năng lượng mặt trời, sắt thép, sản phẩm hóa dầu cho tới máy móc...
Ảnh minh họa: Bloomberg
Ảnh minh họa: Bloomberg

Theo hãng tin Bloomberg, trên thế giới, đặc biệt ở các nước phương Tây, làn sóng chỉ trích tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc đang ngày càng trở nên dữ dội. Tuy nhiên, Bắc Kinh hiện chưa có dấu hiệu gì cho thấy sẵn sàng giải quyết tình trạng này, bởi lẽ, làm vậy có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế trong nước vốn đang èo uột.

KHÔNG CÓ HÀNH ĐỘNG NÀO ĐÁNG KỂ

Tháng 10 năm ngoái, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan giám sát chính sách thương mại của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), khởi động một cuộc điều tra về việc liệu xe chạy điện do Trung Quốc sản xuất có đang nhận được trợ cấp bất thường hay không và xem xét khả năng áp thêm thuế nhập khẩu với mặt hàng này.

Tuần này, các nhà lãnh đạo EU tiếp tục lên tiếng về tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc. Trước cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - người vừa có chuyến thăm Pháp tuần này, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen bày tỏ hy vọng Bắc Kinh sẽ sớm có hành động để giải quyết tình trạng này

Tuy nhiên, nhiều khả năng bà von der Leyen sẽ phải thất vọng. Ngày 8/5, cơ quan chức năng Trung Quốc công bố các đề xuất nhằm giảm bớt tốc độ tăng trưởng nóng của ngành công nghiệp pin điện nhưng đây không phải điều bắt buộc.

Tuần trước, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cơ quan hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu Trung Quốc, công bố một tài liệu gồm 4 phần trong đó bác bỏ cáo buộc rằng Trung Quốc đang dư thừa quá nhiều công suất đối với các sản phẩm năng lượng sạch. Tài liệu này khẳng định ngành công nghiệp này của Trung Quốc đang trở nên cạnh tranh nhờ sự đổi mới sáng tạo chứ không phải nhờ sự trợ cấp của Chính phủ.

Các ngành công nghiệp công nghệ cao như sản xuất xe điện, tấm năng lượng mặt trời đóng vai trò quan trọng với hành trình phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 của Trung Quốc. Do đó, theo các nhà phân tích, dù bị chỉ trích hay thúc giục thay đổi, Bắc Kinh sẽ không ngừng hỗ trợ các lĩnh vực này. Tuy nhiên, với các quốc gia khác, đây cũng là những lĩnh vực mang tính chiến lược và đây là lý do khiến rào cản thương mại với hàng Trung Quốc tăng lên.

Từ trái qua phải: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen trong cuộc gặp ở Pháp tuần này - Ảnh: Reuters
Từ trái qua phải: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen trong cuộc gặp ở Pháp tuần này - Ảnh: Reuters

Các đối tác thương mại của Trung Quốc, gồm cả những nước thân thiện như Brazil, cũng đang phản đối tình trạng dư thừa hàng giá rẻ từ quốc gia châu Á, từ xe điện, tấm năng lượng mặt trời, sắt thép, sản phẩm hóa dầu cho tới máy móc. Trong nhiều lĩnh vực ở Trung Quốc, tình trạng dư thừa xảy ra như một tác dụng phụ không mong muốn của cuộc khủng hoảng bất động sản.

“Trung Quốc chưa có một hành động nào cho thấy họ sẽ nhanh chóng giải quyết tình trạng dư thừa công suất”, ông Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng châu Á tại HSBC Holdings Plc., nhận xét. “Trong lĩnh vực năng lượng sạch, nguyên nhân sâu xa của sự dư thừa là việc đầu tư quá nhiều. Trong khi đó, ở các lĩnh vực truyền thống thì sự dư thừa bắt nguồn từ nhu cầu yếu, đặc biệt là do hoạt động xây dựng sụt giảm”.

Theo ông Neumann, điều quan trọng nhất mà Trung Quốc cần lúc này là “một cách tiếp cận đa chiều” nhằm cân bằng cung-cầu, bao gồm việc ổn định thị trường nhà ở và thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn. Tuy nhiên, đây là điều không dễ thực hiện.

CON ĐƯỜNG NÀO CHO TRUNG QUỐC?

Vấn đề dư thừa công suất là một trong những chủ đề chính được đưa ra thảo luận trong chuyến công du Trung Quốc gần đây của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Trong chuyến thăm, phía Mỹ nhiều lần chỉ trích việc Bắc Kinh bơm quá nhiều tiền vào các lĩnh vực trên, khiến thị trường thế giới ngập trong hàng giá rẻ Trung Quốc, đe dọa tới hoạt động của các doanh nghiệp bản địa.

Washington cho rằng Trung Quốc nên dựa vào nhu cầu nội địa và giảm phụ thuộc vào phần còn lại của thế giới. Chính bà Yellen cũng thừa nhận đây là một thách thức lớn.

“Đây là một vấn đề phức tạp, có liên quan tới toàn bộ chiến lược kinh tế vĩ mô và công nghiệp của Trung Quốc”, bà Yellen nói với truyền thông trong một cuộc họp báo ở Quảng Châu trong khuôn khổ chuyến thăm. “Việc này không thể được giải quyết trong một sớm một chiều”.

Trong bối cảnh suy giảm tăng trưởng kinh tế và khủng hoảng bất động sản, các hộ gia đình và chính quyền địa phương Trung Quốc đang thắt lưng buộc bụng. Nhu cầu nội địa yếu, tỉ lệ công suất hiệu dụng (capacity utilization rate) công nghiệp của Trung Quốc tháng trước giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch Covid ập đến vào đầu năm 2020. Các nhà máy của nước này đang quay sang phụ thuộc vào thị trường quốc tế, theo đó lượng hàng hóa xuất khẩu tăng vọt trong khi giá cả giảm mạnh.

Trên toàn cầu, lĩnh vực tấm năng lượng mặt trời đang chứng kiến tình trạng dư thừa lớn. Việc đầu tư quy mô lớn thời gian qua dẫn tới một cuộc chiến giá trong lĩnh vực này và lợi nhuận doanh nghiệp lao dốc.

Với ngành ô tô, tình trạng còn phức tạp hơn. Công suất hiệu dụng giảm mạnh trong quý đầu năm 2024, nhưng các công ty xuất khẩu xe điện lớn, như BYD và Tesla, vẫn đang hoạt động với công suất cao hơn so với mức chung của toàn ngành – theo ước tính của JSC Automotive. Điều này khiến số lượng nhà máy nhàn rỗi được chuyển sang sản xuất xe xăng tăng lên, đi ngược với chiến lược dịch chuyển nhanh sang xe điện của Trung Quốc.

Washington cho rằng Trung Quốc nên dựa vào nhu cầu nội địa và giảm phụ thuộc vào phần còn lại của thế giới - Ảnh: Getty Images
Washington cho rằng Trung Quốc nên dựa vào nhu cầu nội địa và giảm phụ thuộc vào phần còn lại của thế giới - Ảnh: Getty Images

Một cách để giải tỏa căng thẳng cho lĩnh vực xe điện là doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sang sản xuất tại các quốc gia khác. Căng thẳng giữa Nhật Bản với Mỹ vào những năm 1980 cũng được giải tỏa sau khi các nhà sản xuất ô tô Nhật đầu tư xây nhà máy ở Mỹ. Trên thực tế, doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang bắt đầu đi theo hướng này với việc đầu tư mở rộng sản xuất tại châu Âu, Nam Mỹ và châu Á với sự hỗ trợ của nhà nước. Công ty xe điện lớn nhất nước này, BYD có kế hoạch xây một nhà máy ở Hungary.

Tuy nhiên, đây là chiến lược dài hạn. BYD cho biết phải mất 3 năm mới có thể bắt đầu đi vào sản xuất ở Hungary. Bên cạnh đó, công ty này có thể không mở rộng sang Mỹ, nơi có cái nhìn thiếu thiện cảm với đầu tư từ Trung Quốc.

Ở các lĩnh vực truyền thống hơn như ngành nhôm thép, Trung Quốc đã mất gần một thập kỷ để giải quyết tình trạng dư thừa công suất. Một trong những biện pháp đang được hiện là bắt buộc đóng cửa những cơ sở sản xuất thua lỗ.

Bà Yellen và các quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho rằng Bắc Kinh nên có cách tiếp cận tập trung vào lợi nhuận với các ngành công nghiệp trong nước.

“Tỷ lệ doanh nghiệp đang lỗ tại Trung Quốc đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ”, ông Jay Shambaugh, một quan chức Bộ Tài chính Mỹ, nhận xét.

Tuy nhiên, việc đóng cửa nhà máy, sa thải lao động trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm là hành động có tính rủi ro cao. Bên cạnh đó, những chính sách mà Bắc Kinh thực hiện trong những năm thập niên 2010 thực tế không mang lại hiệu quả đáng kể trong việc giảm tình trạng dư thừa. Khi vấn đề này nảy sinh trở lại, xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng vọt lên mức cao nhất 8 năm khiến nước này tiếp tục vấp phải sự chỉ trích trên toàn cầu.

Theo nhà phân tích Camille Boullenois của Rhodium Group, nguyên nhân cốt lõi của tình trạng dư thừa ở Trung Quốc là đầu tư mạnh do nhà nước dẫn dắt vào lĩnh vực sản xuất không gắn liền với tăng trưởng tiêu dùng nội địa.

Tin mới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc đang trang bị thêm các phụ kiện công nghệ cao như một hướng đi mới cho xe của họ nhằm thu hút khách hàng. Các nhà điều hành và chuyên gia ô tô cho biết khách hàng Trung Quốc muốn ô tô của họ phải ngày càng "thông minh hơn".
Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhìn bề ngoài, thị trường Tây Âu dành cho tất cả xe sedan và SUV vào năm 2024 đã chậm lại một chút nhưng có vẻ vẫn “khỏe mạnh”. GlobalData cho biết họ dự kiến doanh số bán hàng của châu Âu sẽ tăng 4,5% trong năm nay lên 11,98 triệu chiếc, chậm hơn nhiều so với mức tăng 13,9% của năm ngoái. Nhưng ngành ô tô ở châu Âu đang rơi vào tình trạng hỗn loạn khi tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện chậm lại bất ngờ đặt ra câu hỏi về lượng vốn khổng lồ đầu tư vào phát triển chúng.
#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

Một sản phẩm vay mượn có thể dễ dàng được hoàn thiện ở phần vỏ bên ngoài, nhưng rất khó để đạt được chất lượng và sự vận hành ổn định, bền bỉ ở bên trong. Trong nhiều năm, các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã tìm cách khắc phục những sai lầm trước đó để mang đến những sản phẩm mới nhất và có giá trị nhất cho thị trường thế giới. Thế nhưng, để có thể thay đổi được những định kiến cũ và tạo niềm tin cho người tiêu dùng thì xe Trung Quốc cần thời gian để hoàn thiện về chất lượng. Đó cũng là nội dung chủ đề sẽ được chúng tôi phân tích trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay.