"Chạy nước rút" giải ngân vốn đầu tư công trên 200.000 tỷ đồng

Trâm Anh
Báo cáo của Bộ Tài chính mới đây cho thấy, chỉ có 7 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 65%. Còn khoảng 203.913 tỷ đồng cần giải ngân trong giai đoạn nước rút...
Thúc giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn về đích.
Thúc giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn về đích.

Báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 9 tháng và ước thực hiện 10 tháng năm 2021 cho thấy, ước thanh toán từ đầu năm đến 31/10/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương mới đạt 55,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng). Tỷ lệ này thấp hơn so với mức 67,25% cùng kỳ năm 2020.

Như vậy, nguồn vốn đầu tư công năm 2021 ước thanh toán đến hết tháng 10/2021 là trên 257.387 tỷ đồng. Còn khoảng 203.913 tỷ đồng vẫn đang “cất két”, cần phải giải ngân trong giai đoạn nước rút.

 

Đáng quan ngại, theo báo cáo của Bộ Tài chính, nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Cụ thể, 32/50 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%. Trong số đó, có 20 bộ và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%.

Trong đó, chỉ có 7 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 65%.

Cụ thể, một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm Ngân hàng Phát triển Việt Nam đạt 100%, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đạt 92,04%, Thái Bình đạt 85,66%, Thanh Hóa đạt 82,85%, Thừa Thiên Huế đạt 78,84, Hà Tĩnh đạt 77,98%...

Báo cáo về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm, Bộ Tài chính cho biết, đối với dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án giải ngân là 12.116,149 tỷ đồng, đạt 53,01% kế hoạch đã giao. Trong đó, kế hoạch năm 2021 giải ngân là 886,522 tỷ đồng, đạt 19,02%.

Đối với dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, số vốn giải ngân đến thời điểm báo cáo là 10.091,495 tỷ đồng, đạt 65,8% kế hoạch năm 2021 được giao.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng cuối năm 2021, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành trung ương và địa phương thực hiện đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Các bộ, ngành, địa phương căn cứ theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ; công điện số 7036/CĐ-VPCP ngày 30/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid -19, đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tại thông báo số 262/TB-VPCP ngày 05/10/2021 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các Bộ, ngành trung ương và địa phương hoàn thành giao vốn chi tiết cho các dự án khởi công mới năm 2021 theo đúng quy định tại Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, Bộ Tài chính từng tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương đánh giá về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ.

Trên cơ sở kết quả của các hội nghị được tổ chức, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chỉnh phủ về tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn vốn vay nước ngoài và đưa ra các biện pháp kiến nghị để Chính phủ có chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương...

Tin mới

Nội bộ Tesla “xào xáo” và tương lai bất ổn của Elon Musk

Nội bộ Tesla “xào xáo” và tương lai bất ổn của Elon Musk

Hiệu suất tài chính của nhà sản xuất ô tô điện khổng lồ đã bị ảnh hưởng trong bối cảnh doanh số bán xe điện toàn cầu chậm lại. Trước tình hình đó, Tesla Inc. đang tìm cách thu hút lượng lớn các nhà đầu tư bán lẻ để được chấp thuận gói trả lương 56 tỷ USD cho giám đốc điều hành Elon Musk.
#Auto Hashtag: Xe điện mini có phải là lời giải cho giao thông đô thị tại Việt Nam?

#Auto Hashtag: Xe điện mini có phải là lời giải cho giao thông đô thị tại Việt Nam?

Việt Nam chuẩn bị cán mốc 100 triệu dân và đang bước vào giai đoạn ô tô hóa. Mặc dù vậy, Việt Nam đang phải giải quyết hai bài toán hóc búa, bao gồm vấn đề ùn tắc giao thông và giảm phát thải, hướng đến Net Zero vào năm 2050. Thế nhưng hiện nay, chúng ta đang có một loại phương tiện có thể góp phần đẩy nhanh tiến trình giải quyết hai bài toán này. Đó là xe điện mini. Vậy dòng xe này sẽ có những đóng góp cụ thể nào cho giao thông đô thị? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay!