Chứng khoán Mỹ giằng co, giá dầu giảm nhẹ

Bình Minh
“Thị trường vẫn đang ‘phập phồng’ về những gì Fed sẽ làm sắp tới, sau khi đã ‘tiêu hoá’ xong những phát biểu của ông Powell trong tuần vừa rồi”...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba (7/5) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, khi các nhà giao dịch chờ có thêm dấu hiệu về việc liệu bao giờ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất. Giá dầu giảm nhẹ dù có tin Mỹ mua dầu dự trữ, trong khi thoả thuận ngừng bắn cho dải Gaza còn chưa có gì chắc chắn.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 31,99 điểm, tương đương tăng 0,08%, đạt 38.884,26 điểm. Đây là phiên tăng thứ 5 liên tiếp của Dow Jones, đánh dấu chuỗi phiên tăng dài nhất của chỉ số này kể từ tháng 12 năm ngoái.

Chỉ số S&P 500 tăng 0,13%, đạt 5.187,7 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq giảm 0,1%, còn 16.332,56 điểm.

Thị trường đã khởi sắc trong những phiên gần đây, khi báo cáo việc làm ảm đạm công bố vào tuần trước giúp xoa dịu mối lo nền kinh tế tăng trưởng quá nóng. Ngoài ra, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng bác bỏ khả năng tăng lãi suất thêm lần nữa. Tuy nhiên, mối bất an về lãi suất của nhà đầu tư chưa thực sự được xoá bỏ, bởi họ còn chưa chắc chắn Fed đến lúc nào sẽ bắt đầu hạ lãi suất và sẽ có bao nhiêu đợt giảm trong năm nay.

“Thị trường vẫn đang ‘phập phồng’ về những gì Fed sẽ làm sắp tới, sau khi đã ‘tiêu hoá’ xong những phát biểu của ông Powell trong tuần vừa rồi”, chiến lược gia trưởng Quincy Krosby của công ty LPL Financial nhận định. Bà Krosby nói thêm rằng bà đang mong chờ những phiên giao dịch có khối lượng lớn khi thị trường tăng điểm, bởi đó có thể là dấu hiệu cho thấy niềm tin của nhà đầu tư sau đợt chật vật gần đây của thị trường.

“Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, và tốc độ tăng giảm của lợi suất, có ý nghĩa rất quan trọng đối với thị trường. Nếu cảm thấy lợi suất giảm nhanh, thị trường sẽ có cảm nhận rằng có lẽ nền kinh tế đang giảm tốc nhanh hơn”, bà Krosby nói.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm kết thúc phiên ngày thứ Ba ở mức khoảng 4,45%, giảm nhẹ so với phiên trước. Hồi cuối tháng 4, lợi suất của kỳ hạn này tăng vượt mức 4,5%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao tháng 6 tại New York giảm 0,1 USD/thùng, tương đương giảm 0,13%, còn 78,38 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 0,17 USD/thùng, tương đương giảm 0,2%, còn 83,16 USD/thùng.

Giá dầu được hỗ trợ khi Bộ Năng lượng Mỹ công bố kế hoạch mua 3,3 triệu thùng dầu cho dự trữ dầu lửa chiến lược (SPR) của nước này. Ngoài ra, một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (EIA) cho biết thị trường dầu lửa toàn cầu đã trở nên thắt chặt hơn trong năm nay, với lượng dầu tồn trữ giảm bình quân 300.000 thùng/ngày từ đầu năm do OPEC+ duy trì việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu.

Tình hình Trung Đông vẫn còn nhiều bấp bênh. Nếu căng thẳng địa chính trị ở khu vực này lại tăng nhiệt, giá dầu có thể tăng mạnh. Tuy nhiên, nếu các bên đạt được một thoả thuận ngừng bắn cho dải Gaza, phần bù rủi ro đối với giá dầu sẽ tiếp tục giảm sút.

Phát biểu ngày thứ Ba, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng đề xuất thoả thuận ngừng bắn đang “còn cách ra xa các yêu cầu quan trọng của Israel” - tờ Times of Israel đưa tin.

Do căng thẳng ở Trung Đông giảm bớt, giá dầu WTI và Brent đều đã giảm khoảng 7% so với mức đỉnh hồi tháng 4, nhưng vẫn đang cao hơn tương ứng 9% và 8% so với thời điểm đầu năm.

Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, CEO Mike Wirth của hãng dầu lửa Mỹ Chevron nói rằng giá dầu đang tương đối ổn định, nhưng khả năng nghiêng về tăng giá bởi căng thẳng có thể bùng phát trở lại ở eo biển Hormuz - đoạn đường biển huyết mạch của hoạt động vận tải dầu lửa toàn cầu.

“Nhiều thứ sẽ phụ thuộc vào các sự kiện ở eo Hormuz”, ông Wirth nói.

Còn theo báo cáo của EIA, OPEC+ hiện có công suất khai thác dự trữ khoảng 4 triệu thùng dầu/ngày có thể triển khai để bù đắp bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào trong ngắn hạn.

OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.

Tin mới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc đang trang bị thêm các phụ kiện công nghệ cao như một hướng đi mới cho xe của họ nhằm thu hút khách hàng. Các nhà điều hành và chuyên gia ô tô cho biết khách hàng Trung Quốc muốn ô tô của họ phải ngày càng "thông minh hơn".
Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhìn bề ngoài, thị trường Tây Âu dành cho tất cả xe sedan và SUV vào năm 2024 đã chậm lại một chút nhưng có vẻ vẫn “khỏe mạnh”. GlobalData cho biết họ dự kiến doanh số bán hàng của châu Âu sẽ tăng 4,5% trong năm nay lên 11,98 triệu chiếc, chậm hơn nhiều so với mức tăng 13,9% của năm ngoái. Nhưng ngành ô tô ở châu Âu đang rơi vào tình trạng hỗn loạn khi tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện chậm lại bất ngờ đặt ra câu hỏi về lượng vốn khổng lồ đầu tư vào phát triển chúng.
#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

Một sản phẩm vay mượn có thể dễ dàng được hoàn thiện ở phần vỏ bên ngoài, nhưng rất khó để đạt được chất lượng và sự vận hành ổn định, bền bỉ ở bên trong. Trong nhiều năm, các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã tìm cách khắc phục những sai lầm trước đó để mang đến những sản phẩm mới nhất và có giá trị nhất cho thị trường thế giới. Thế nhưng, để có thể thay đổi được những định kiến cũ và tạo niềm tin cho người tiêu dùng thì xe Trung Quốc cần thời gian để hoàn thiện về chất lượng. Đó cũng là nội dung chủ đề sẽ được chúng tôi phân tích trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay.