Chuyện cười ra nước mắt tại Toyota Giải Phóng

Đức Thọ Hiền Mai
Một sự việc hy hữu đã xảy ra tại Toyota Giải Phóng và thị trường ôtô Việt Nam trong những ngày áp Tết
Các khách hàng và phóng viên có mặt tại  Toyota Giải Phóng chiều 1/2/2008.
Các khách hàng và phóng viên có mặt tại Toyota Giải Phóng chiều 1/2/2008.
Hơn 10 người đứng đơn tố cáo, Công ty Liên doanh Toyota Giải Phóng rũ bỏ trách nhiệm, “nhân vật chính” xin đi ở tù…

Một sự việc hy hữu đã xảy ra tại thị trường ôtô Việt Nam trong những ngày áp Tết.

Sự việc vỡ lở

Ngày 31/1, gần 20 người trong đó có nhiều doanh nhân đã kéo đến Công ty Liên doanh Toyota Giải Phóng (TGP) đòi công ty này giao xe sau khi người trực tiếp làm hợp đồng bán hàng và thu tiền đặt cọc của họ bỗng dưng “mất tích”.

Dưới đây là một số nội dung cơ bản của sự việc được phóng viên VnEconomy ghi lại tại trụ sở TGP, số 807 đường Giải Phóng – Hà Nội.

Theo lời kể của những người có mặt tại TGP, rất nhiều người (hiện đang có mặt tại TGP) sau khi được anh Đỗ Trọng Hải là trợ lý Phòng kinh doanh TGP hứa có xe giao cho khách hàng trong tháng 2/2008 và kịp để sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý đã tiến hành đặt cọc để mua xe. Tính toán sơ bộ cho thấy tổng số tiền những khách hàng này đặt cọc trực tiếp cho anh Hải lên đến hơn 4 tỷ đồng, trong đó có người đặt cọc tổng số tiền lên đến 1 tỷ đồng, những người khác đa số ở mức trên dưới 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi đáo hạn cam kết các khách hàng đến nhận xe nhưng không được công ty giao xe với lý do chưa nhận được tiền đặt cọc và hợp đồng từ phía nhân viên bán hàng – tức anh Đỗ Trọng Hải. Các khách hàng này đã liên hệ điện thoại đến anh Hải nhưng không liên lạc được.

Được biết sự việc đã thực sự vỡ lở vào thời điểm trước đó, ngày 30/1, sau khi ông Nguyễn Trung Kiên, Phó giám đốc Kinh doanh TGP tiếp hai khách hàng là anh Tiến và anh Hiền vào lúc 9h sáng. Khi kiểm tra giấy tờ, ông phát hiện không thấy giấy biên nhận tiền đặt cọc. "Nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, tôi đã mời ban giám đốc đến làm việc, đồng thời gửi ngay công văn đến các cơ quan công an", ông Kiên nói.

TGP rũ bỏ trách nhiệm – Khách hàng khởi kiện

Mặc dù hàng chục khách hàng rất bức xúc và liên tục túc trực tại trụ sở TGP song đến tận chiều ngày 1/2/2008 lãnh đạo công ty này mới chịu gặp mặt.

Tuy nhiên, cuộc làm việc giữa đại diện công ty với khách hàng đã không đem lại kết quả gì, không nhưng thế còn gây thêm bức xúc cho khách hàng khi thẳng thắn rũ bỏ trách nhiệm. Thậm chí đại diện pháp lý của công ty còn “trách” khách hàng “tại sao lại đến đây mua xe” và nêu quan điểm “cũng không biết anh Hải có phải là nhân viên công ty hay không” trong khi vị tổng giám đốc công ty thừa nhận “cho đến sáng ngày ½ anh Hải vẫn là nhân viên của TGP.

Tại văn bản trả lời khách hàng, ban lãnh đạo TGP cũng đã nêu rõ quan điểm “…sẵn sàng giao xe cho khách hàng đã thanh toán đủ 100% giá trị hợp đồng theo quy định tại hợp đồng. Tuy nhiên, trường hợp này chúng tôi chưa nhận được tiền thanh toán theo hợp đồng nên chưa thể giao xe như khách hàng đề nghị. Số tiền mà khách hàng đã bàn giao trực tiếp cho anh Hải và bị anh Hải chiếm đoạt, công ty chúng tôi không thể chịu trách nhiệm.”

Kết thúc cuộc làm việc không đạt kết quả như mong muốn với đại diện TGP, 13 khách hàng đã đứng đơn tố cáo công ty TGP lên cơ quan công an. Nhiều người trong số khách hàng cũng khẳng định sẽ theo kiện đến cùng cho dù có phải chịu mất trắng số tiền đã đặt cọc.

Anh Tạ Quang Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tú Mai (Phúc Yên – Vĩnh Phúc) khẳng định "chúng tôi sẽ khởi kiện Toyota Giải Phóng tới cùng, kể cả phải sang cả công ty mẹ của Toyota tại Nhật Bản". Anh Tuấn là người đặt mua chiếc xe Vios và đã đặt cọc cho anh Đỗ Trọng Hải tổng cộng 317,5 triệu đồng.

“Nhân vật chính” xin… ở tù

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngay sau khi Phó giám đốc Kinh doanh TGP Nguyễn Trung Kiên nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo và gửi văn bản đến cơ quan công an, công an quận Hoàng Mai – Hà Nội đã tiến hành điều tra và bắt giữ đối tượng Đỗ Trọng Hải.

Đến chiều ngày 1/2, sau một cuộc trao đổi điện thoại, anh Nguyễn Khánh Tùng trú tại số 202 C3 Quỳnh Mai (cũng là một khách hàng đứng tên khởi kiện) thông báo anh Đỗ Trọng Hải đã được cơ quan công an Hoàng Mai ngừng điều tra. Tuy nhiên, cũng theo thông báo của anh Tùng, anh Đỗ Trọng Hải đã ngay lập tức xin… ở tù với lý do đã tiêu hết số tiền đặt cọc của khách hàng. Anh Tùng cho biết người thông báo thông tin kể trên là một thành viên trong gia đình đang công tác tại Công an Thành phố Hà Nội.

Anh Tùng cho biết thêm, theo thông tin từ cơ quan công an quận Hoàng Mai, số tiền anh Đỗ Trọng Hải giữ của khách hàng và đã “tiêu hết” là 3,8 tỷ đồng.

Khôn hay dại?

Cho đến thời điểm hiện tại sự việc hy hữu kể trên vẫn chưa đi đến hồi kết và còn chờ các cơ quan chức năng vào cuộc. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả khi nhận được những diễn biến mới nhất. Ở đây, trên quan điểm của phóng viên, bài viết này xin đề cập đến một khía cạnh khác của câu chuyện được xuất phát từ những “khác biệt” đã và đang tạo nên “sức nóng” của thị trường ôtô Việt Nam thời gian vừa qua và cho đến nay.

Trong nhiều bài viết trước đây, tác giả cũng đã đề cập và phân tích hiện tượng cháy hàng trên thị trường ôtô Việt Nam kéo theo hàng loạt những hệ lụy, những chuyện cười ra nước mắt.

Kết thúc năm 2007, lượng xe các hãng ôtô trong nước còn “nợ” khách hàng vẫn trên 10.000 chiếc trong đó Toyota là khoảng 5.000 chiếc. Hầu hết các mẫu xe hiện đang được các hãng cung cấp ra thị trường đều đã cạn và thời hạn giao xe cho khách hàng tính từ thời điểm ký hợp đồng đều khoảng 2-3 tháng, thậm chí nhiều mẫu xe “sốt” như Toyota Camry, Toyota Innova hay Chevrolet Captiva… còn có thời gian chờ đến hơn nửa năm.

Vì sao người viết nhắc lại hiện tượng này? Trao đổi với một số chuyên gia về sự việc hy hữu kể trên, đa số ý kiến đều tán đồng với tác giả khi cho rằng đây cũng chính là một lý do quan trọng khiến các khách hàng sẵn sàng đặt cọc cho anh Đỗ Trọng Hải hàng trăm triệu đồng để mua xe mà không để ý đến hệ quả sau đó, đến chuyện làm sai nguyên tắc tài chính.

Thực tế chính những lời kể của một số khách hàng cũng đã thể hiện điều đó. Đa số các khách hàng đều sẵn sàng đặt cọc (trực tiếp cho anh Hải mà không nộp cho bộ phận tài chính) sau khi được anh này hứa giao xe sớm (thậm chí trong một tuần). Trong tình trạng cháy hàng và người mua thì cần xe sớm, việc một nhân viên của công ty hứa giao xe ngay tại trụ sở công ty đã giống như một ngọn đèn rọi sáng lòng tin của họ thì “chẳng dại gì không chộp lấy cơ hội” – lời của một khách hàng.

Đây cũng là lý do để đại diện TGP trả lời khách hàng thẳng thắn không chịu trách nhiệm vì quy định của hợp đồng là “việc thanh toán phải được thực hiện bằng séc hoặc chuyển khoản”, “trong quá trình thực hiện hợp đồng, việc thu bằng tiền mặt nếu có phải được nộp trực tiếp tại thủ quỹ của công ty hoặc phải có giấy giới thiệu bản gốc do giám đốc bán hàng ký trong đó ghi rõ số tiền phải thanh toán”.

Chuyện nhiều người phải thừa nhận mình “dại” ở đây là anh Hải có khả năng đến đâu để có thể giao xe cho họ sớm đến như vậy trong khi những nhân viên khác, những đại lý khác không thể. Đáng chú ý là những chiếc xe được anh Hải nhận hợp đồng đều được bán đúng giá công bố của hãng còn nếu làm việc với một nhân viên nào khác thì để có thể nhận xe sớm như vậy, nhiều khả năng họ sẽ phải lót tay cả nghìn USD (như tác giả từng đề cập trong một bài viết trước đây).

Một sự lạ là trong khi anh Hải là nhân viên TGP (có thẻ và mã số nhân viên) lại có thể nhận hợp đồng bán cả xe… Honda Civic. Cụ thể là trường hợp anh Vương Đức Long ở Bắc Linh Đàm (Hà Nội) mua chiếc Honda Civic 1.8L đời 2008. Anh này đã đặt đủ số tiền là 480 triệu cho anh Hải. Khi anh thắc mắc vì sao hãng Toyota lại có thể mua được xe của Honda, anh Hải bảo “cứ chồng tiền còn muốn mua hãng nào cũng được.” Khi giao tiền (ngày 22/1), anh Long cũng có cả giấy biên nhận.

Cũng vì chi tiết này nên nhiều ý kiến đã cho rằng sự việc tại TGP chỉ là một giọt nước làm tràn ly và có thể anh Hải chỉ là một mắt xích trong đường dây đầu cơ buôn bán ôtô. Có mặt tại TGP cùng với phóng viên, một cán bộ hoạt động trong ngành tài chính có nói nửa vui nửa gợi mở rằng “sau sự việc này không ít khách hàng và cả nhân viên của nhiều hãng xe khác cũng phải giật mình”.

Tin mới

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Tham gia Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok (BIMS) 2024 tại Thái Lan là bước đi quan trọng của VinFast trong chiến lược mở rộng thị trường tại Đông Nam Á. Một số chuyên gia nhận định đây là thị trường ô tô đầy tiềm năng trong tương lai, cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không ít.
Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.