Công ty vũ trụ của Elon Musk chấp nhận Dogecoin làm phương tiện thanh toán

Trang Linh
Công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk dự kiến sẽ thực hiện "Nhiệm vụ DOGE-1 lên Mặt trăng" vào quý 1/2022 và chấp nhận tiền ảo Dogecoin làm phương tiện thanh toán...
Tỷ phú Elon Musk - Ảnh: Getty Images
Tỷ phú Elon Musk - Ảnh: Getty Images

Công ty Geometric Energy Corporation ngày 9/5 thông báo công ty này đã thanh toán cho SpaceX hoàn toàn bằng Dogecoin để thực hiện nhiệm vụ lên Mặt trăng bằng tên lửa Falcon 9 của SpaceX. Thông tin này sau đó cũng được SpaceX xác nhận dù giá trị của nhiệm vụ này chưa được tiết lộ. 

Theo CNBC, tên lửa Falcon 9 sẽ chở theo một vệ tinh hình lập phương nặng 40km, có nhiệm vụ “thu thông tin không gian mặt trăng qua các cảm biến và camera trên tàu với hệ thống liên lạc và tính toán tích hợp”. 

Tom Ochinero, Phó Chủ tịch phụ trách bán hàng thương mại của SpaceX cho biết nhiệm vụ DOGE-1 “sẽ chứng minh tính ứng dụng của tiền ảo bên ngoài Trái đất và đặt nền móng cho hoạt động thương mại liên hành tinh". 

“Chúng tôi rất hào hứng với nhiệm vụ DOGE-1 lên mặt trăng", ông Ochinero cho biết.

Chia sẻ lên Twitter ngay sau đó, Elon Musk, CEO của SpaceX, cũng thông báo về nhiệm vụ này. Trong đó, ông cho biết đây là nhiệm vụ được thanh toán bằng tiền ảo Dogecoin và cũng là nhiệm vụ vũ trụ đầu tiên được thanh toán bằng tiền ảo.

Bài đăng trên Twitter của Elon Musk vào rạng sáng ngày 10/5 - Ảnh chụp màn hình
Bài đăng trên Twitter của Elon Musk vào rạng sáng ngày 10/5 - Ảnh chụp màn hình

Trước đó, trong một đăng tải trên Twitter vào ngày 1/4, Musk cũng nói về nhiệm vụ này. "Chúng tôi sẽ đưa đồng Dogecoin theo đúng nghĩa đen lên Mặt trăng", Musk viết. 

Thông tin về nhiệm vụ DOGE-1 được đưa ra sau khi Musk, người thường xuyên "lăng xê" đồng Dogecoin trên Twitter, lần đầu tiên giữ vai trò chủ trì trong chương trình "Saturday Night Live” của đài NBC. Musk được kỳ vọng sẽ nhắc tới Dogecoin trong chương trình và đẩy giá tiền ảo này tăng cao. Tuy nhiên, mọi thứ lại diễn biến ngược lại khi đồng Dogecoin bất ngờ lao dốc tới 30% trong suốt thời gian ông xuất hiện trong chương trình.

Về phần SpaceX, thông báo này được đưa ra cùng ngày công ty này thiết lập kỷ lục mới trên loạt tên lửa Falcon 9 của mình. Sau khi phóng một loạt vệ tinh Starlink lên quỹ đạo, SpaceX đã hạ cánh tên lửa Falcon 9 lần thứ 10 - tiêu chuẩn mà Musk từng gọi là "chìa khóa" trong việc tái sử dụng tên lửa của công ty.

“Tên lửa Falcon 9 được thiết kế để bay trên 10 lần mà không cần sửa sang giữa mỗi chuyến bay", Musk nói với phóng viên vào tháng 5/2018. "Chúng tôi tin rằng Falcon 9 có khả năng thực hiện ít nhất 100 chuyến bay trước khi ngừng bay. Có thể còn nhiều hơn".

Dogecoin ra đời vào năm 2013 như một lời châm biếm đối với cơn sốt điên cuồng của tiền ảo và được lấy ý tưởng thiết kế từ trào lưu "Doge" nổi tiếng trên Internet. Dogecoin ban đầu không được tạo ra là một phương tiện thanh toán mà chỉ đơn giản là một trò đùa. Tuy nhiên, tiền ảo này đến nay vẫn được mua và bán trên các sàn giao dịch tiền ảo. 

Dogecoin thường tăng giá khi được các cá nhân nổi tiếng quảng bá trên mạng xã hội. Đầu năm 2021, Dogecoin chỉ có 0,004 USD, kể cả khi đồng Bitcoin - tiền ảo lớn nhất thị trường - tăng vọt lên gần 30.000 USD. Theo dữ liệu từ Coinmarketcap, Dogecoin giao dịch ở mức giá 0,55 cent, giảm gần 15% so với 24h trước.

Ngoài SpaceX, hãng xe điện Tesla của Elon Musk cũng đã chấp nhận cho khách hàng mua xe bằng tiền ảo. Nhưng với Tesla, tiền ảo được dùng là Bitcoin. Đầu năm nay, Tesla cũng cho biết đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào tiền ảo.

Tin mới

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Từng là biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô thế giới, những năm gần đây, vị thế của dòng xe sedan đang bị thử thách bởi sự tăng trưởng mạnh của dòng xe SUV, MPV. Tại Việt Nam, doanh số sedan liên tục sụt giảm, khiến cuộc cạnh tranh trong từng phân khúc ngày càng trở nên khốc liệt hơn.
Tín chỉ carbon: “Miếng bánh” ít người biết của Tesla

Tín chỉ carbon: “Miếng bánh” ít người biết của Tesla

Tín chỉ carbon không tác động trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng chúng là tài sản rất quan trọng mà các công ty ô tô cần cân nhắc và chúng sẽ định hình tương lai của ngành. Trong khi nhiều hãng xe khác đang loay hoay tìm hướng đi trong cuộc đua điện khí hoá thì Tesla của Elon Musk đã tạo ra khoản tiền đáng kể 1,79 tỷ USD từ việc bán tín dụng carbon năm 2023, nâng tổng thu nhập từ các khoản tín dụng từ tín chỉ carbon kể từ năm 2009 lên gần 9 tỷ USD.