“Đại gia” phụ tùng ôtô Mỹ phá sản

Mai Phương
Lear Corp. vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án ở nước này do không trả được một “núi” nợ lên tới hơn 4,5 tỷ USD
Lear là hãng sản xuất ghế ngồi trong ôtô lớn thứ hai trên thế giới.
Lear là hãng sản xuất ghế ngồi trong ôtô lớn thứ hai trên thế giới.
Hãng sản xuất phụ tùng xe hơi hàng đầu của Mỹ Lear Corp. vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án ở nước này do không trả nổi “núi” nợ lên tới hơn 4,5 tỷ USD.

Đơn phá sản được Lear đệ lên toà án vào cuối ngày 6/7 sau một cuộc đàm phán kéo dài với các chủ nợ. Được sự chấp nhận của các chủ nợ, Lear dự kiến sẽ chuyển đổi số nợ 3,6 tỷ USD thành nợ mới, cổ phiếu chuyển đổi và chứng quyền của công ty sau quá trình tái cơ cấu.

Theo đó, các trái chủ (người nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp) của Lear sẽ nhận được 46% cổ phiếu phổ thông của công ty sau khi hoàn tất quá trình phá sản và lượng chứng quyền để mua thêm cổ phần 15%.

Số liệu đưa ra trong đơn phá sản của Lear cho thấy, tính tới ngày 30/5 vừa qua, hãng này có tổng tài sản 1,27 tỷ USD và tổng số nghĩa vụ nợ trị giá 4,54 tỷ USD.

Nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự đổ vỡ của Lear là hoạt động cắt giảm sản lượng mạnh mẽ tại các hãng xe hàng đầu của Mỹ gồm General Motors (GM), Chrysler và Ford, vốn là những khách hàng “ruột” của Lear. Vụ phá sản của GM và Chrysler thực sự là những đòn giáng mạnh vào Lear. Trong quá trình phá sản, Chrysler đóng cửa gần như toàn bộ hoạt động sản xuất.

Tháng 3 vừa qua, Lear đã lên tiếng cảnh báo về khả năng hãng phải nộp đơn xin phá sản. Cuối năm 2008, Lear đã mượn nốt 1,2 tỷ USD trong hạn ngạch tín dụng của hãng và kể từ đó, không xoay đâu được tiền nữa.

Ngày 1/7 vừa qua, Lear cho biết hãng đã lỗ ròng 1,05 tỷ USD trong vòng 3 quý trở lại đây. Theo số liệu đưa ra trong đơn xin bảo hộ phá sản, Lear dự kiến doanh số của hãng trong năm nay sẽ đạt mức 9,07 tỷ USD, giảm 33% so với năm ngoái. Lear là hãng sản xuất ghế ngồi trong ôtô lớn thứ hai trên thế giới.

Những thách thức mà ngành công nghiệp ôtô Mỹ đang đối mặt không chỉ đẩy những gương mặt lớn như GM, Chrysler hay Lear vào cảnh phá sản, mà còn đưa hàng loạt hãng phụ trợ quy mô nhỏ tới số phận tương tự. Theo Hiệp hội Các nhà cung cấp thiết bị gốc của Mỹ, tổ chức nghề nghiệp của ngành công nghiệp phụ trợ ôtô Mỹ, từ đầu năm tới nay, đã có hơn 20 hãng sản xuất phụ tùng ôtô ở nước này nộp đơn xin phá sản.

(Theo Reuters, Bloomberg)

Tin mới

Các nhà sản xuất ô tô đang thiết lập chiến lược cho lượng khí thải carbon bằng 0 như thế nào?

Các nhà sản xuất ô tô đang thiết lập chiến lược cho lượng khí thải carbon bằng 0 như thế nào?

Trong lĩnh vực ô tô, hầu hết các OEM đều đặt mục tiêu đạt mức 0 ròng vào năm 2050, nhưng báo cáo và tiêu chuẩn về lượng khí thải vẫn còn yếu. Áp lực pháp lý sắp tới đối với lượng khí thải sẽ yêu cầu các công ty cải thiện việc báo cáo lượng khí thải và quản lý các chiến lược không phát thải thực tế hơn.