Dành 50% ngân sách phục hồi hậu Covid, phát triển hạ tầng giao thông không thể chần chừ

Ánh Tuyết
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho hay, 50% ngân sách Đề án phục hồi toàn bộ nền kinh tế hậu Covid sẽ ưu tiên cho phát triển hạ tầng giao thông. Riêng với dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, phải xây “đường găng” khởi công cả 12 dự án thành phần trong năm 2022...
Hội nghị Tổng kết nhiệm vụ năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 Bộ Giao thông vận tải.
Hội nghị Tổng kết nhiệm vụ năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 Bộ Giao thông vận tải.

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 và cũng là năm đầu tiên triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025. Trong năm 2021, cả nước đều khó khăn vô cùng lớn do đại dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như đời sống nhân dân.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết nhiệm vụ năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 do Bộ Giao thông vận tải tổ chức ngày 25/12, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ rõ, với vai trò của ngành giao thông vận tải, một ngành chủ chốt trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm lưu thông hàng hóa, phương tiện cũng như con người, đã có đóng góp rất to lớn vào kết quả chung của cả nước năm 2021.

LÀM VIỆC KHÔNG KỂ ĐÊM HÔM, GIẢI NGÂN 40.000 TỶ KHÔNG DỄ

Phó Thủ tướng phân tích, thứ nhất, Bộ Giao thông vận tải là một trong những Bộ ngành hoàn thành xuất sắc nhất 5 quy hoạch chuyên ngành đồng thời. Từ đó, thu hút được đầu tư, tạo ra dư địa phát triển và có chiến lược phát triển dài hơi. Đây là cơ sở để thực hiện Nghị quyết Đại hội 13, một nhiệm kì đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông.

Trong nhiều tháng liên tục, Bộ trưởng, Thứ trưởng và các Vụ làm việc không kể đêm hôm, rất bài bản và xin ý kiến rộng rãi các địa phương. Thời điểm này, 5 quy hoạch coi như hoàn thành, Quy hoạch cảng hàng không cơ bản xong và trình lên Chính phủ.

Thứ hai, 6 tháng cuối năm, Bộ Giao thông vận tải triển khai hiệu quả hai việc lớn. Đầu tiên, xây dựng Đề án phát triển đường cao tốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cao tốc đi đến đâu, kinh tế - xã hội phát triển đến đó. Nguồn lực đầu tư cao tốc rất lớn, cho nên chúng ta phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Theo Đề án, đến năm 2025, chúng ta phải xây 3.000 km đường cao tốc. Đến năm 2030, có 5.000 km; đến 2050 có khoảng 10.000 km.

 
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.

"50% ngân sách của Đề án phục hồi toàn bộ nền kinh tế hậu Covid sẽ ưu tiên cho phát triển hạ tầng giao thông. Toàn bộ tuyến cao tốc phía Đông giai đoạn 2 với 729 km được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội 100% sử dụng vốn đầu tư công".

Tiếp đó, trên cơ sở Đề án về đường cao tốc, Bộ hoàn thiện Đề án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2. Nếu không tập trung cao xây dựng quy hoạch, Đề án cao tốc tới năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 thì khó đưa đề xuất với Chính phủ để đưa vào cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2 vào Đề án phục hồi toàn bộ nền kinh tế hậu Covid.

Phó Thủ tướng chỉ rõ, kết thúc năm 2020, cả nước có 1.163 km đường cao tốc, cả năm 2021, hoàn thành 65 km đường cao tốc. Như vậy, tính hết năm 2021 mới có khoảng 1.200 km đường cao tốc, còn lại 1.800 km đường cao tốc phải hoàn thành từ nay tới năm 2025 trong vỏn vẹn 4 năm.

“Gần 20 năm mới hoàn thành 1.200 km nhưng chỉ có 4 năm hoàn thành 1.800 km đường cao tốc. Đây là một thách thức rất lớn nhưng Bộ Giao thông vận tải nhận diện và triển khai. Chúng ta có nguồn lực, có dự án. Tháng 1 tới đây trong kỳ họp Quốc hội bất thường sẽ thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 thì mới hiện thực hoá được 3.000 km đường cao tốc”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ ba, công tác chỉ huy thi công các công trình giao thông của ngành giao thông vận tải năm 2021 tập trung cao độ và đạt kết quả tốt.

Bám sát tiến độ thi công, Phó Thủ tướng đánh giá Bộ Giao thông vận tải nằm trong top những Bộ, ngành giải ngân cao nhất với tổng nguồn vốn trên 40.000 tỷ không phải là điều dễ dàng.

Bộ thường xuyên kiểm tra đôn đốc khắc phục khó khăn, chủ động những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Chính phủ, báo cáo với Thủ tướng, Phó Thủ tướng rất bài bản.

Riêng tuyến cao tốc phía Đông 654 km thiếu hơn 50% vật tư, tương đương khoảng 65 triệu khối vật tư, vật liệu xây dựng đất, đá… Chính phủ chỉ trong 3 tháng ban hành 02 Nghị quyết, gồm Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án.

Dự án cao tốc với khối lượng “khủng” về vật tư, vật liệu xây dựng, nếu không có tâm huyết, không giải quyết kịp thời thì nhà thầu không thể thi công dù có tiền, máy móc thiết bị…

Thứ tư, điều hành để bảo đảm được lưu thông hàng hóa, con người, phương tiện trong giai đoạn chống dịch.

Tháng 6, tháng 7, nhiều địa phương phong tỏa diện rộng do thời điểm này chưa có vaccine, tỷ lệ tử vong rất lớn, phải quyết tâm giữ dịch bệnh lây lan mức độ chậm nhất. Bộ Giao thông vận tải kịp thời tạo ra các luồng xanh, tuyến cao tốc, quốc lộ, liên tỉnh, cho phép lưu thông hàng hoá.

Một số khu vực cảng biển, một số các trung tâm lớn bị ách tắc nhưng Bộ họp giao ban hàng ngày, xuống thực tiễn để điều hành, giải quyết ách tắc, giúp doanh nghiệp, người dân tiếp tục duy trì hàng hóa.

Thứ năm, an toàn giao thông được quan tâm được quan tâm. Số vụ tai nạn giao thông giảm không chỉ vì dịch bệnh, người dân hạn chế đi lại mà còn do hạ tầng giao thông được nâng cấp, bảo dưỡng, duy tu các tuyến đường.

Đồng thời, Bộ đưa thêm nhiều công trình hạ tầng giao thông như cao tốc, đường bộ, đường sắt đô thị và nhiều công trình hạng mục khác vào sử dụng. Ngoài ra, công tác kiểm định, kiểm tra quá tải, quá khổ, kiểm tra, đào tạo liên tục khiến số vụ tai nạn giảm tới 23,3%, số người bị thương giảm 15%, số người chết giảm tới 28%.

Thứ sáu, đột phá về thể chế. Thể chế chính là nguồn lực đầu tư nếu tháo gỡ về thể chế sẽ khơi thông nguồn lực phát triển cho xã hội.

VỐN BỐ TRÍ ĐỦ, PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG GIAO THÔNG KHÔNG THỂ CHẦN CHỪ

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, trong lĩnh vực đầu tư, quản lý phương tiện, rà soát các quy định văn bản pháp luật vẫn còn tồn tại, dân vẫn còn kêu than. Một số phân cấp, phân quyền ở các địa phương cũng chưa hết. Trong quy hoạch làm tốt nhưng chất lượng, một việc, hai việc Chính phủ cũng phải nhắc nhở.

Chỉ đạo định hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ Giao thông phải gắn nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong năm 2022, không thể chần chừ.

Phó Thủ tướng nhắc nhở, với dự án đường cao tốc phía Đông, Quốc hội thông qua tháng 10/2017 nhưng đến năm 2021 mới khởi công xong 11 dự án thành phần và hầu hết khởi công vào năm 2020. Như vậy, mất đến 4 năm làm thủ tục đầu tư. Nếu tiếp tục làm theo cách làm này chỉ khởi công được, chứ đừng nói xây thêm 1.800 km đường cao tốc.

 
“Phải xây dựng được “đường găng” để bảo đảm cuối năm 2022, cả 12 dự án thành phần 729 km được bố trí vốn, khởi công mới. Đây là một thách thức rất lớn. Nếu không đổi mới, không tính toán, không làm việc đêm ngày, không thay đổi được thì không thể hoàn thành được, mặc dù nguồn vốn đã bố trí đủ”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Bên cạnh hạ tầng đường bộ, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chú trọng các dự án đầu tư trọng điểm lĩnh vực hàng không như sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Nội Bài, khởi công mới theo quy hoạch các cảng hàng không Điện Biên, Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết, Côn Đảo…

Về cảng biển, tới đây phải xây cảng Trần Đề thành cảng quốc tế theo quy hoạch, kêu gọi nhà đầu tư có tiềm lực, khi đó, vùng đồng bằng Sông Cửu Long sẽ thay đổi rất lớn. Hải phòng đã có cảng quốc tế Lạch Huyện, quy hoạch chuyển cảng Đồ Sơn chuyển sang dân dụng, đầu tư tiếp để tạo cảng quốc tế thứ hai.

Đường sắt cũng rất quan trọng. Hạ tầng đường sắt vẫn cực kì lạc hậu, thiếu đồng bộ. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải xây dựng một chuyên đề riêng phát triển đường sắt, chủ động khảo sát đánh giá bổ sung thêm một số tuyến đường sắt; đề án về xây dựng đường sắt cao tốc hay tốc độ cao phải thông qua hướng tuyến, đề án, thủ tục đầu tư.

Phó Thủ tướng nêu thực tế, nhiều năm qua, tiền duy tu, bảo dưỡng để đến tháng 6, 7 mới chuyển, nhiều trục trặc. Tình trạng này cần chấm dứt. Toàn ngành hơn 20.000 lao động, cần phải bảo đảm an toàn ổn định đời sống của người công nhân, an toàn tính mạng cho hành khách.  

Khi phục hồi lại các tuyến bay, Phó Thủ tướng nhắc nhở ngành hàng không cần một chương trình vừa rà soát, động viên, đào tạo nhân viên, rà soát thiết bị, con người bảo đảm đủ điều kiện.

 
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.

Trân trọng và tiếp thu toàn bộ ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thừa nhận, trong năm 2021, toàn ngành giao thông vận tải đứng trước một áp lực rất lớn, vừa phải đảm bảo giao thông trong điều kiện phòng, chống Covid, vừa phải triển khai hoàn thành các dự án trọng điểm quốc gia để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn sắp tới.

Tuy nhiên, Bộ xác định giao thông là mạch máu của nền kinh tế, giao thông phát triển đến đâu, phát triển kinh tế đến đó. Giai đoạn này, ngành giao thông vận tải nhận được nguồn lực rất lớn với mong muốn đột phá về hạ tầng. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ có lỗi rất lớn với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tin mới

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Tham gia Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok (BIMS) 2024 tại Thái Lan là bước đi quan trọng của VinFast trong chiến lược mở rộng thị trường tại Đông Nam Á. Một số chuyên gia nhận định đây là thị trường ô tô đầy tiềm năng trong tương lai, cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không ít.
Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.