Đấu giá tài sản “ảo”, chiếm đoạt tiền đặt cọc hơn 98 tỷ đồng

Đỗ Mến
TAND TP Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo của bị cáo Trương Thị Loan (SN 1978, cựu Giám đốc Công ty Đấu giá Hợp danh Sao Vàng) trong vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hơn 98 tỷ đồng...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trước đó, tháng 4/2023, tòa sơ thẩm xử phạt bị cáo mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Còn bị cáo Mai Thanh Hà (SN 1978, lao động tự do) bị tuyên phạt 16 tháng 20 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Theo cáo trạng, từ tháng 2/2020, bị cáo Loan cùng 2 người khác thành lập Công ty Đấu giá Hợp danh Sao Vàng. Mọi hoạt động của công ty đều do bị cáo điều hành với tư cách giám đốc.

Lợi dụng bản thân làm việc tại công ty và do cần tiền chi tiêu và trả lãi các khoản vay ngoài xã hội trước đó, Loan đã đưa ra thông tin gian dối về việc công ty có nhiều tài sản cần bán đấu giá để thu hút người tham gia nộp tiền đặt cọc. Theo đó, cứ sau 7 ngày nộp tiền cọc thì sẽ được trả lại 100% tiền gốc và sau 1-3 ngày thì được hưởng một khoản phí bằng 5-7% số tiền đặt cọc.

Khoảng tháng 11/2020, Loan trao đổi với bị cáo Mai Thanh Hà về việc đặt cọc đấu giá được hưởng phí hoa hồng như trên. Tin tưởng Loan, bị cáo Mai Thanh Hà đã tham gia nộp tiền đặt cọc đấu giá và còn rủ thêm 2 người bạn, trong đó có bà Nguyễn Thị H. cùng tham gia. Sau đó, bà Nguyễn Thị H. lại rủ nhiều người khác cùng tham gia đặt cọc đấu giá.

Cáo buộc thể hiện, thông qua mạng xã hội Zalo, trước mỗi lần nộp tiền, Loan chuyển cho Mai Thanh Hà thông tin đặt cọc đấu giá gồm thông báo số tài khoản nhận tiền; thông báo số tiền cần chuyển (hay gọi là món); hướng dẫn cách ghi nội dung khi chuyển tiền. Đồng thời Loan sẽ nhắn tin báo số lượng hợp đồng cần nộp của từng món tiền trên.

Do số lượng giao dịch lớn, các bị hại phải sử dụng thêm tài khoản của người thân để nộp tiền vào tài khoản Công ty Đấu giá Sao Vàng.

Theo lời khai của các bị cáo, bị hại và người liên quan khi tham gia nộp tiền đặt cọc, họ không hiểu về đấu giá, không biết tài sản đặt cọc, từ khi tham gia nộp tiền đến nay chưa trúng đấu giá bất kỳ tài sản nào nhưng vẫn nộp tiền nhiều lần vì không mua được tài sản đấu giá thì được hoàn lại 100% tiền cọc và còn được hưởng phí.

Cơ quan điều tra cho rằng việc Mai Thanh Hà, Nguyễn Thị H. và các bị hại nộp tiền đặt cọc không phải đấu giá mà bản chất là hợp tác đầu tư để hưởng lợi. Việc Loan trả phí không đúng quy định về đấu giá nên xác định khoản phí đó bất hợp pháp cần đối trừ vào nợ gốc.

Sao kê tài khoản Công ty Đấu giá Sao Vàng thể hiện, từ ngày 26/11/2020 đến ngày 11/9/2021, tổng số tiền nhóm Mai Thanh Hà đã nộp là hơn 2.722 tỷ đồng. Nhóm này đã được trả lại hơn 2.609 tỷ đồng. Số tiền gốc chưa trả là hơn 112 tỷ đồng, trong đó số tiền gốc của Hà là hơn 65 tỷ đồng.

Khoản phí mà bị cáo Loan trả cho nhóm của Hà là hơn 166 tỷ đồng (riêng Hà là hơn 126 tỷ đồng).

Còn nhóm bà Nguyễn Thị H. đã nộp hơn 1.785 tỷ đồng (từ ngày 3/6/2021 đến ngày 1/9/2021). Nhóm này đã được trả lại hơn 1.650 tỷ đồng, số tiền gốc chưa trả là hơn 135 tỷ đồng, trong đó bà H. là hơn 46 tỷ đồng.

Khoản phí mà bị cáo Loan trả cho nhóm bà H. là hơn 83 tỷ đồng, bà H. được hưởng là hơn 69 tỷ đồng.

Qua điều tra, xác định khoản phí bị cáo Mai Thanh Hà đã được hưởng là 126 tỷ đồng, tiền gốc của bị cáo Hà là hơn 65 tỷ đồng. Sau khi đối trừ, bị cáo Mai Thanh Hà còn chiếm hưởng của bị cáo Loan hơn 60 tỷ đồng.

Tương tự, bà Nguyễn Thị H. còn chiếm hưởng của bị cáo Loan là hơn 37,7 tỷ đồng. Những người còn lại sau khi đối trừ tiền phí thì bị cáo Loan vẫn còn chiếm đoạt của họ tổng cộng là 94,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cũng với thủ đoạn đặt cọc đấu giá, bị cáo Loan đã lừa đảo chiếm đoạt của 3 cá nhân khác, không nằm trong nhóm trên, nâng tổng số tiền bị cáo chiếm đoạt lên hơn 98 tỷ đồng.

Trong đơn kháng cáo, bị cáo Loan xin giảm nhẹ hình phạt, đồng thời đề nghị tòa án xem xét thu giữ số tiền gần 98 tỷ đồng từ bị cáo Mai Thanh Hà và bà Nguyễn Thị H. để trả trực tiếp cho 8 bị hại và xác định thời gian thu giữ số tiền trên.

Bị cáo còn đề nghị được trả lại hơn 225 triệu đồng mà bản án sơ thẩm xác định Mai Thanh Hà hưởng lợi bất hợp pháp từ bị cáo và dùng số tiền này chuyển trả cho 8 bị hại.

Ngoài ra, người liên quan là bà Nguyễn Thị H. và bị cáo Mai Thanh Hà cũng kháng cáo đề nghị Tòa án xem xét tách phần dân sự để xét xử lại nhằm đảm bảo quyền lợi cho 2 người này. Một số bị hại và người liên quan khác cũng kháng cáo.

 

Ngoài ra, kết quả điều tra còn phát hiện bị cáo Mai Thanh Hà có hành vi cho Trương Thị Loan vay 1 tỷ đồng với lãi suất 3.000 đồng/1 triệu mỗi ngày. Bị cáo Hà thu lợi bất chính 225 triệu đồng.

Tin mới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc đang trang bị thêm các phụ kiện công nghệ cao như một hướng đi mới cho xe của họ nhằm thu hút khách hàng. Các nhà điều hành và chuyên gia ô tô cho biết khách hàng Trung Quốc muốn ô tô của họ phải ngày càng "thông minh hơn".
Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhìn bề ngoài, thị trường Tây Âu dành cho tất cả xe sedan và SUV vào năm 2024 đã chậm lại một chút nhưng có vẻ vẫn “khỏe mạnh”. GlobalData cho biết họ dự kiến doanh số bán hàng của châu Âu sẽ tăng 4,5% trong năm nay lên 11,98 triệu chiếc, chậm hơn nhiều so với mức tăng 13,9% của năm ngoái. Nhưng ngành ô tô ở châu Âu đang rơi vào tình trạng hỗn loạn khi tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện chậm lại bất ngờ đặt ra câu hỏi về lượng vốn khổng lồ đầu tư vào phát triển chúng.
#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

Một sản phẩm vay mượn có thể dễ dàng được hoàn thiện ở phần vỏ bên ngoài, nhưng rất khó để đạt được chất lượng và sự vận hành ổn định, bền bỉ ở bên trong. Trong nhiều năm, các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã tìm cách khắc phục những sai lầm trước đó để mang đến những sản phẩm mới nhất và có giá trị nhất cho thị trường thế giới. Thế nhưng, để có thể thay đổi được những định kiến cũ và tạo niềm tin cho người tiêu dùng thì xe Trung Quốc cần thời gian để hoàn thiện về chất lượng. Đó cũng là nội dung chủ đề sẽ được chúng tôi phân tích trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay.