Đến lượt các “đại gia” xe hơi Nhật gặp hạn

Kiều Oanh
Hãng xe hơi lớn nhất Nhật Bản Toyota vừa cho biết, doanh số toàn cầu của tập đoàn này trong tháng 11 đã sụt giảm 21,8%
Trong tháng 11 vừa qua, Toyota chỉ bán được 618.000 xe trên toàn thế giới, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 11 vừa qua, Toyota chỉ bán được 618.000 xe trên toàn thế giới, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hãng xe hơi lớn nhất Nhật Bản Toyota vừa cho biết, doanh số toàn cầu của tập đoàn này trong tháng 11 đã sụt giảm 21,8%, mạnh nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.

Một hãng xe hơn lớn nữa của Nhật là Nissan cũng cho biết, doanh số toàn cầu của hãng đã giảm 19,8% trong tháng 11. Sản lượng toàn cầu của Nissan trong tháng sụt tới 33,7% do doanh số ảm đạm tại thị trường Mỹ.

Sản lượng nội địa của ngành công nghiệp xe hơi Nhật Bản đã sụt giảm mạnh nhất trong vòng 41 năm qua.

Những số liệu đáng lo ngại về ngành xe hơi này được công bố chỉ ít ngày sau khi Toyota cho biết, năm tài khoá này sẽ là năm mà hãng chịu thua lỗ trong vòng 70 năm trở lại đây.

Hiện Toyota đang theo sát nút đối thủ General Motors (GM) của Mỹ về doanh số toàn cầu và có nhiều khả năng sẽ vượt GM để trở thành hãng xe lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trong tháng 11 vừa qua, Toyota chỉ bán được 618.000 xe trên toàn thế giới, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi hãng bắt đầu theo dõi số liệu này từ năm 2000 tới nay.

Trong thời gian từ tháng 1-11/2008, Toyota bán được tổng số 8,356 triệu xe. Hiện GM chưa công bố số liệu tương tự.

Là hãng xe lớn thứ 3 của Nhật, Nissan cho biết, sản lượng toàn cầu của hãng trong tháng 11 đã giảm 33,7%, mạnh nhất từ khi số liệu này được theo dõi từ năm 1985 tới nay, xuống còn 222.212 xe. Doanh số toàn cầu của Nissan trong tháng giảm 19,8%, còn 237.653 xe.

Phát ngôn viên Yoku Matsuda của Nissan cho biết: “Nhu cầu suy yếu tại Mỹ và châu Âu đã gây áp lực lớn đối với hoạt động sản xuất của chúng tôi”.

Về phần mình, hãng xe hơi lớn thứ hai của Nhật là Honda cho biết, sản lượng toàn cầu của hãng trong tháng 11 giảm 9,9%, mạnh nhất trong 5 năm qua, còn 326.176 xe. Honda không công bố số liệu về doanh số toàn cầu của mình.

Trong một báo cáo do Hiệp hội Các nhà sản xuất xe hơi Nhật công bố ngày 25/12, sản lượng xe hơi sản xuất trong nước của Nhật Bản trong tháng 11 đã giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh nhất từ năm 1967 tới nay, còn 854.171 xe. Xuất khẩu xe hơi của Nhật trong tháng này giảm 18%, còn 491.990 xe. Trong đó, riêng xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm 30%, còn 137.176 xe.

Trong số các hãng xe Nhật, Toyota và Nissan là hai hãng có tốc độ sụt giảm sản lượng trong nước mạnh nhất trong tháng này. Sản lượng trong nước của Toyota giảm 27%, còn 288.138 xe, trong khi xuất khẩu của hãng này sang thị trường Bắc Mỹ giảm 30%. Sản lượng nội địa của hãng Nissan cũng giảm tới 36%, còn 79.649 xe. Xuất khẩu của Nissan sang Mỹ trong tháng giảm tới 50%.

Sản lượng tại Nhật của hãng Honda trong tháng 11 này giảm 3,9%, còn 114.565 xe, trong khi xuất khẩu xe của hãng sang Mỹ giảm tới 31%.

Mặc dù vậy, các hãng xe Nhật xem ra vẫn còn may mắn hơn so với các hãng xe Mỹ. Cũng trong tháng 11/2008, doanh số bán của Ford giảm 31% so với cùng kỳ năm trước, GM giảm 41% và Chrysler giảm 47%.

Các hãng xe hơi Nhật Bản luôn nổi tiếng với những mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu. Nhờ đó, các hãng này đã tránh được một số thách thức lớn mà các hãng xe Mỹ gặp phải thời gian qua như giá nhiên liệu cao. Tuy nhiên, nhu cầu sụt giảm ở Mỹ trong bối cảnh suy thoái cũng khiến doanh số và lợi nhuận của các tập đoàn này sụt giảm.

Đầu tuần này, Toyota cho biết, trong năm tài khoá kết thúc vào tháng 3/2009 này, có thể hãng sẽ thua lỗ 150 tỷ Yên, tương đương 1,66 tỷ USD, đánh dấu năm thua lỗ đầu tiên từ năm 1938 tới nay. Toyota được thành lập năm 1937.

Sau khi thông tin nói trên được công bố, ở Nhật đã xuất hiện tin đồn cho rằng, Chủ tịch Toyota là ông Katsuaki Watanabe có thể từ chức vào năm tới. Người được cho là nhiều khả năng sẽ kế nhiệm ông Watanabe là Phó chủ tịch điều hành Akio Toyoda - cháu nội của người sáng lập tập đoàn Toyota.

(Theo AP, Bloomberg)

Tin mới

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Tham gia Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok (BIMS) 2024 tại Thái Lan là bước đi quan trọng của VinFast trong chiến lược mở rộng thị trường tại Đông Nam Á. Một số chuyên gia nhận định đây là thị trường ô tô đầy tiềm năng trong tương lai, cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không ít.
Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.