Đồng ý ưu đãi nhà máy sản xuất động cơ của Trường Hải

Trí Dũng
Thủ tướng vừa đồng ý để nhà máy sản xuất động cơ của Trường Hải hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ khí trọng điểm
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ do Trường Hải đầu tư đặt tại khu kinh tế mở Chu Lai.
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ do Trường Hải đầu tư đặt tại khu kinh tế mở Chu Lai.
Thủ tướng vừa đồng ý để nhà máy sản xuất động cơ của Trường Hải hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ khí trọng điểm.

Các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với nhà máy động cơ của Trường Hải đã được quy định tại Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16/1/2009 của Thủ tướng về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2015.

Trong đó, về chính sách tín dụng, dự án này được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam tối đa 85% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động); nhu cầu vay vốn nước ngoài (nếu có) sẽ được Chính phủ xem xét bảo lãnh. Trường hợp đặc biệt, Ban Chỉ đạo Nhà nước về chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm nghiên cứu, đề xuất cơ chế và chính sách tín dụng đầu tư cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về chính sách kích cầu, dự án nhà máy động cơ của Trường Hải được phép áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc giao thầu theo quy định của pháp luật hiện hành. Các khách hàng mua sản phẩm của nhà máy cũng sẽ được được vay vốn tín dụng Nhà nước từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định.

Bên cạnh đó, theo nội dung Quyết định 10, các sản phẩm của nhà máy này cũng sẽ được hỗ trợ từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển khoa học - công nghệ Quốc gia đối với các chi phí chuyển giao công nghệ, mua bản quyền thiết kế, mua phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực. Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư phòng thí nghiệm sản phẩm của nhà máy.

Về chính sách thuế và phí, Quyết định 10 cũng nêu rõ thuế suất thuế nhập khẩu sản phẩm có trong danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm trong nước đã đầu tư sản xuất được áp dụng mức thuế suất trần, với thời hạn cho đến khi kết thúc lộ trình miễn, giảm thuế kết thúc mà Việt Nam đã ký cam kết thực hiện với quốc tế. Các loại vật tư, thiết bị nhập khẩu để sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và để đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu bằng không hoặc mức thuế suất sàn trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Trước đó, tháng 11/2011, Bộ Tài chính cũng đã có ý kiến chính thức về các đề xuất ưu đãi đặc biệt đối với dự án nhà máy sản xuất động cơ của tập đoàn Hyundai Motor, đặt tại khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Theo đó, Bộ Tài chính không đồng ý miễn thuế nhập khẩu linh kiện cho nhà máy này.

Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ do Trường Hải đầu tư đặt tại khu kinh tế mở Chu Lai dự kiến được xây dựng trên diện tích 10 ha với tổng mức đầu tư gần 4.406 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm đưa vào hoạt động nhà máy động cơ diesel D4, có công suất 20.000 động cơ/năm, động cơ đạt tiêu chuẩn Euro 2 - 3, tỷ lệ nội địa hóa công nghệ 42% trong giai đoạn 1 (2012 - 2018) và sẽ sản xuất động cơ đạt tiêu chuẩn Euro 4,5 với tỷ lệ nội địa hóa công nghệ 56% trong giai đoạn 2 (từ năm 2018 trở đi); cung cấp sản phẩm động cơ diesel trên 100 mã lực và động cơ cho các loại máy canh tác, thu hoạch, chế biến sản phẩm nông nghiệp, ngư nghiệp phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tin mới

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Từng là biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô thế giới, những năm gần đây, vị thế của dòng xe sedan đang bị thử thách bởi sự tăng trưởng mạnh của dòng xe SUV, MPV. Tại Việt Nam, doanh số sedan liên tục sụt giảm, khiến cuộc cạnh tranh trong từng phân khúc ngày càng trở nên khốc liệt hơn.