Elon Musk: Chơi ngông để chinh phục đỉnh cao

Kiều Oanh
Với những ý tưởng kinh doanh đi trước thời đại và khả năng gây biến động thị trường hiếm ai bì kịp, Musk không ngừng gây chú ý và khiến báo chí tốn giấy mực hơn bất kỳ một tỷ phú nào khác...
Elon Musk - Ảnh: Reuters.
Elon Musk - Ảnh: Reuters.

Trong “câu lạc bộ” những người giàu nhất thế giới hiện nay, Elon Musk – Tổng giám đốc (CEO) Hãng xe điện Mỹ Tesla - là người có tốc độ kiếm tiền vào hàng vô địch. Tính cách lập dị và sự táo bạo trong kinh doanh cũng là những đặc trưng không thể trộn lẫn của vị tỷ phú này.

Với những ý tưởng kinh doanh đi trước thời đại và khả năng gây biến động thị trường hiếm ai bì kịp, Musk không ngừng gây chú ý và khiến báo chí tốn giấy mực hơn bất kỳ một tỷ phú nào khác. Hành trình trở thành người giàu nhất nhì thế giới của Musk đầy rẫy thị phi: ông từng bị gọi là kẻ dối trá, là “thánh nổ”, là kẻ làm giàu “phông bạt”. Nhưng sau tất cả, với tinh thần dám nghĩ dám làm và quyết tâm không thể lay chuyển, Musk đã dần chứng minh vị thế tiên phong, mở ra những lĩnh vực kinh doanh của tương lai.

“ĐẶC SẢN” TWEET CỦA ELON MUSK

Nói đến Musk, không thể nói đến những dòng tweet đã trở thành “đặc sản”. Mạng xã hội Twitter là một nơi thể hiện rõ sự ngông và liều của Musk. Đã nhiều lần “vạ miệng”, thậm chí bị nhà đầu tư đâm đơn kiện vì bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, nhưng Musk không vì thế mà giảm tweet.

Năm 2018, Musk bị Uỷ ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) phạt 20 triệu USD và mất ghế Chủ tịch Tesla do một dòng tweet nói có kế hoạch đưa Tesla trở thành một công ty tư nhân. Sau khi Musk đăng dòng tweet này, giá cổ phiếu Tesla tăng vọt 11%, nhưng rồi Musk thú nhận thực ra chưa có kế hoạch cụ thể nào.

Tưởng án phạt đó sẽ là một bài học nhớ đời cho Musk, nhưng những dòng tweet gây sóng gió vẫn tiếp tục xuất hiện trên tài khoản Twitter của ông. Hôm 5/1, chỉ với một dòng nhận xét giá cổ phiếu Tesla đang "quá cao", Musk đã thổi bay 13 tỷ USD giá trị thị trường của hãng xe điện.

Hôm 1/6, dòng tweet nhắc đến từ “baby shark” của Musk đưa giá cổ phiếu của Samsung Publishing - cổ đông của nhà sản xuất bài hát thiếu nhi “Baby Shark” - tăng 10%.

Giá tiền ảo Bitcoin vọt lên đỉnh cao mọi thời đại gần 65.000 USD vào tháng 4 sau khi Musk tuyên bố Tesla sẽ chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán. Rồi khi Musk nói Tesla không chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán nữa, giá tiền ảo này lao dốc mất hơn một nửa từ đỉnh.

Không chỉ phản ánh sự bốc đồng của Musk, những dòng tweet cũng cho thấy sức mạnh thao túng thị trường của vị doanh nhân 50 tuổi. Nếu Musk chỉ là một kẻ “hữu danh vô thực”, liệu ông có được sức mạnh đó? Rõ ràng, thị trường chỉ có thể bị chi phối bởi một nhân vật có tầm ảnh hưởng rất lớn, mà ảnh hưởng đó có nền tảng chính là tầm nhìn của Musk và những gì ông đã làm được.

Tesla – từ một hãng xe điện thua lỗ triền miên và bị hoài nghi – đã chuyển sang có lãi và trở thành hãng sản xuất ô tô có giá trị vốn hoá thị trường lớn nhất thế giới. Vốn hoá của Tesla hiện ở mức khoảng 655 tỷ USD, so với mức vốn hoá 244 tỷ USD của Toyota và khoảng 164 tỷ USD của Volkswagen – hai hãng xe có doanh số lớn nhất nhì thế giới hiện nay.

Doanh số của Tesla mới chỉ bằng một phần nhỏ so với số xe mà Toyota hay Volkswagen bán được hàng năm, nhưng mức vốn hoá khổng lồ của Tesla cho thấy sự đặt cược của giới đầu tư vào tương lai của ô tô điện – lĩnh vực mà Tesla đi tiên phong và được coi là tiêu chuẩn của ngành.

Đối với Musk, tham vọng tạo ra một cuộc cách mạng xe điện trên mặt đất là chưa đủ. Vào năm 2002, hai năm trước khi rót vốn lần đầu tiên vào Tesla – hãng xe điện được thành lập vào năm 2003 bởi Martin Eberhard và Marc Tarpenning – Musk đã thành lập công ty khai phá vũ trụ SpaceX.

Hai trong những mục tiêu của SpaceX là đưa du khách vào vũ trụ và phủ sóng Internet từ vệ tinh xuống những khu vực xa xôi hẻo lánh nhất của Trái Đất. Trong vòng gọi vốn gần đây nhất diễn ra vào tháng 2, SpaceX được định giá ở mức 74 tỷ USD.

“TỶ PHÚ KHÔNG NHÀ”

Đầu năm nay, khối tài sản ròng cá nhân của Musk lên tới 209 tỷ USD, tăng gấp 7 lần chỉ sau một năm. Hiện tại, ông đang sở hữu 186 tỷ USD và là người giàu thứ hai thế giới, theo xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index. Nhưng gần đây, Musk tuyên bố đã quyết định bán căn nhà cuối cùng mà ông sở hữu và đi ở nhà thuê. Với động thái này, Musk trở thành “tỷ phú không nhà” đúng như lời hứa mà ông đưa ra trong một dòng tweet vào tháng 5/2019: “Tôi sẽ bán hầu hết tài sản vật lý của mình. Sẽ không sở hữu nhà!”.

Dù không sở hữu nhà, Musk tuyên bố sẵn sàng đầu tư tới 30 tỷ USD để phát triển mạng phát sóng Internet từ vệ tinh có tên Starlink.

Cuộc cạnh tranh giữa Musk với người giàu nhất thế giới hiện nay, tỷ phú Jeff Bezos, không chỉ là cuộc đua về giá trị tài sản ròng trên bảng xếp hạng tỷ phú, mà còn là cuộc đua trong không gian.

Công ty du lịch vũ trụ Blue Origin của Bezos đang dẫn trước SpaceX, khi đích thân Bezos sẽ là một trong những vị hành khách đầu tiên bay trong trong chuyến thám hiểm không gian của Blue Orgin trong tháng 7 này. Bezos cũng có hệ thống vệ tinh Kuiper để phủ sóng Internet xuống mặt đất. Vào đầu năm nay, hai vị tỷ phú từng tranh cãi gay gắt về sự xung đột quỹ đạo của Starlink và Kuiper.

Rõ ràng, ở tầm của Musk và Bezos, đẳng cấp không còn thể hiện ở nhà hay xe, mà thể hiện ở ảnh hưởng trong vũ trụ. Có thể nói rằng Musk đại diện cho một thế hệ tỷ phú mới của thế giới, những người giàu lên với tốc độ cực kỳ nhanh chóng nhưng không phải trong những lĩnh vực kinh doanh truyền thống như bất động sản, đầu tư cổ phiếu, hay sản xuất.

Thay vào đó, những tỷ phú này làm giàu bằng cách đi đầu khai phá những lĩnh vực của tương lai, điển hình là Musk – người đặt cược vào ô tô điện, và Bezos – người khởi xướng trào lưu thương mại điện tử toàn cầu.

Có sức mạnh lớn trong hai lĩnh vực mang màu sắc tương lai là ô tô điện và tiền ảo (dù Tesla mới chỉ rót 1,5 tỷ USD để mua Bitcoin và Musk chưa có dự án nào liên quan tới công nghệ tiền kỹ thuật số),  không có gì khó hiểu khi Musk sở hữu một sức hút lớn đối với giới trẻ - lực lượng được cho là chiếm đa số trong 57,6 triệu người theo dõi ông trên Twitter.

LÀM VIỆC ĐIÊN CUỒNG ĐỂ THÀNH CÔNG

Tính mạo hiểm của Musk có lẽ bắt nguồn tuổi thơ dữ dội. Sinh năm 1971 và lớn lên ở Nam Phi trong một gia đình gốc Canada, Musk chứng kiến cảnh cha mẹ ly hôn và phải tự lập từ nhỏ. Ông từng là một đứa trẻ nhút nhát, sống hướng nội và thường bị bắt nạt ở trường, có lần phải nhập viện vì bị đám bạn xô ngã ở cầu thang.

Khi sang Canada học đại học, Musk phải làm việc ở nông trại và nhà máy chế biến gỗ để kiếm tiền ăn học. Sau đó, ông sang Mỹ học tiếp và tốt nghiệp Đại học Pennsylvania vào năm 1997 với tấm bằng cử nhân kinh tế và cử nhân vật lý.

Trong thời kỳ bong bóng dotcom, Musk đã có một loạt dự án thành công, bao gồm Công ty phần mềm web Zip2 và Công ty dịch vụ tài chính trực tuyến X.com Sau đó, X.com sáp nhập với một công ty đối thủ và trở thành mạng thanh toán PayPal và Musk là cổ đông lớn nhất. Năm 2002, eBay mua lại PayPal và Musk rời đi với 180 triệu USD trong tay.

Sau khi rời PayPal, Musk bắt đầu chuyển trọng tâm vào SpaceX. Tiếp đó, ông rót vốn vào Tesla, khi công ty này vừa mới ra đời được một năm và trở thành CEO kiêm Chủ tịch Công ty. Dấn thân vào những lĩnh vực chưa được khai phá, Musk đã không ít lần đứng bên bờ vực phá sản. Tuy nhiên, vào năm 2012, Musk lần đầu có mặt trong danh sách tỷ phú của tạp chí Forbes với khối tài sản 2 tỷ USD.

Khi chia sẻ về bí quyết thành công, Musk cho biết ông làm việc điên cuồng và ngủ rất ít. "Thông thường tôi họp hành tới tận 1-2 giờ sáng. Tôi ngủ khoảng 6 giờ mỗi đêm. Tôi từng cố ngủ ít hơn nhưng hiệu quả làm việc lại giảm xuống. Thực ra, bản thân tôi không muốn ngủ quá 6 tiếng mỗi ngày".

Tin mới

Các nhà sản xuất ô tô đang thiết lập chiến lược cho lượng khí thải carbon bằng 0 như thế nào?

Các nhà sản xuất ô tô đang thiết lập chiến lược cho lượng khí thải carbon bằng 0 như thế nào?

Trong lĩnh vực ô tô, hầu hết các OEM đều đặt mục tiêu đạt mức 0 ròng vào năm 2050, nhưng báo cáo và tiêu chuẩn về lượng khí thải vẫn còn yếu. Áp lực pháp lý sắp tới đối với lượng khí thải sẽ yêu cầu các công ty cải thiện việc báo cáo lượng khí thải và quản lý các chiến lược không phát thải thực tế hơn.