EuroCham hiến kế cho công nghiệp ôtô Việt Nam

Đức Thọ
Tại cuốn “Sách trắng 2011”, EuroCham đã đưa ra một số lời khuyên nhằm giúp phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam
Theo nhận định của EuroCham, đang có khoảng 200.000 người Việt Nam sống đang sinh sống phụ thuộc vào ngành công nghiệp ôtô - Ảnh: Đức Thọ.
Theo nhận định của EuroCham, đang có khoảng 200.000 người Việt Nam sống đang sinh sống phụ thuộc vào ngành công nghiệp ôtô - Ảnh: Đức Thọ.
Tại cuốn “Sách trắng 2011” vừa được công bố mới đây, Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) đã đưa ra một số lời khuyên nhằm giúp phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.

Tiếp tục hỗ trợ công nghiệp ôtô

EuroCham cho rằng, nếu Chính phủ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ hơn nữa thì ngành công nghiệp ôtô Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển, chịu được sự cạnh tranh từ nước ngoài tại thị trường trong nước. Thậm chí, cơ hội để trở thành một trung tâm công nghiệp ôtô lớn của khu vực ASEAN đồng thời là cơ sở để xuất khẩu vẫn còn khá “sáng”.

Trên thực tế, dung lượng của thị trường ôtô Việt Nam đang tăng khá nhanh và thị phần của các doanh nghiệp lắp ráp ôtô trong nước cũng rất lớn. Theo thống kê của năm 2009, chỉ tính riêng tổng sản lượng bán hàng của 17 thành viên Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã tiến đến con số 120.000.

Tuy nhiên, thị phần của các loại ôtô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) cũng đang ngày càng tăng lên và hiện chiếm khoảng 30%, cùng chiều với lộ trình cắt giảm thuế quan theo các cam kết quốc tế của Việt Nam. Hiện tượng này phản ảnh một phần thực tế về bức tranh mà trong đó, sức ép từ khu vực ASEAN lên công nghiệp ôtô trong nước ngày càng nặng.

Do vậy, EuroCham cho rằng, cùng với chính sách chung là tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp lắp ráp thì Việt Nam cũng cần tạo cơ chế thuận lợi để các nhà nhập khẩu - phân phối chính thức và các nhà sản xuất - lắp ráp trong nước phối hợp cùng nhau để góp phần xây dựng một lộ trình rõ ràng cho chính sách công nghiệp ôtô, bao gồm các giai đoạn cụ thể đến năm 2018, thời điểm thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc bằng 0%.

Bên cạnh mục tiêu phát triển công nghiệp ôtô nói chung, EuroCham cũng đề cao các vấn đề môi trường có liên quan đến sản phẩm ôtô. Theo đó, nỗ lực nâng cao các tiêu chuẩn về tiêu hao nhiên liệu, chất lượng nhiên liệu, độ phát thải và nhận thức về môi trường nói chung đặc biệt cần được tăng cường.

“Cuối cùng, một điều kiện tiên quyết là cải thiện cơ sở hạ tầng. Đối với ngành công nghiệp ôtô, vấn đề này bao gồm việc xây dựng và nâng cấp các đường quốc lộ và đường phố. Điều này cũng có nghĩa là xây dựng bãi đỗ xe trong các thành phố và cả việc tổ chức giao thông tối ưu.”, EuroCham đưa ra lời khuyên.

Không đánh thuế nhập khẩu linh kiện

Đối với chính sách thuế liên quan đến ngành ôtô, EuroCham cũng đưa ra một số kiến nghị quan trọng.

Trong đó, cơ quan này cho rằng, Chính phủ Việt Nam nên xem xét việc hộ trợ ngành công nghiệp ôtô trong nước bằng cách không đánh thuế nhập khẩu đối với các linh kiện, phụ tùng, tức cắt giảm về mức 0%. Theo EuroCham, “điều này sẽ tạo lòng tin cho các nhà lắp ráp trong nước để mở rộng cơ sở sản xuất và giúp họ có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu đang gia tăng trong nước. Vấn đề này và những quy định thêm cũng nên tập trung vào việc đẩy mạnh khả năng xuất khẩu cho các nhà cung cấp và các nhà chế tạo ôtô”.

Cùng với đó, để ngành công nghiệp ôtô phát triển và đứng vững ít nhất là đến mốc 2018 thì điều quan trọng là tạo lập được một chuỗi cung cấp linh kiện ôtô trong nước, tức phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ôtô. Để khuyến khích ngành này, EuroCham cho rằng Việt Nam nên  xem xét việc đưa ra những ưu đãi  thuế rõ ràng.

Không khác nhiều so với những phản hồi từ VAMA hay các nhà nhập khẩu ôtô trước đây mỗi khi chính sách thuế được điều chỉnh, EuroCham cũng đánh giá việc xác định một lộ trình thuế quan rõ ràng và tránh tăng hay giảm thuế liên tục là điều đặc biệt quan trọng.

“Những thay đổi thường xuyên và thay đổi lớn về thuế (cụ thể là thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ) đã làm gián đoạn đáng kể các dây chuyền sản xuất, chuỗi cung cấp và các hoạt động bán lẻ của những bên tham gia vào ngành ôtô do xuất hiện những mức cầu cao điểm và thấp điểm giả tạo trên thị trường.”, EuroCham phân tích.

Ngoài ra, EuroCham cũng kiến nghị Việt Nam nên cấm nhập khẩu xe đã qua sử dụng. Bởi theo cơ quan này, việc cho phép nhập khẩu xe đã qua sử dụng hoàn toàn có thể giúp một số đối tượng lợi dụng để “biến hóa” giữa xe mới và xe cũ để trốn thuế. Bên cạnh đó, việc cấm nhập xe cũ chắc chắn sẽ góp phần giúp tăng sản xuất trong nước và nhập khẩu xe mới kèm theo các dịch vụ phù hợp và đảm bảo cho khách hàng Việt Nam.

“Không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của ngành ôtô ở Việt Nam. Trước hết, đây là ngành sử dụng lao động đáng kể. Hơn 60.000 người làm việc trong các nhà máy thành viên VAMA. Điều này có nghĩa, tính cả những người phụ thuộc trong hộ gia đình, có hơn 200.000 người sinh sống phụ thuộc vào ngành công nghiệp ôtô (đó là chưa kể ngành công nghiệp phụ trợ).

Thứ hai, các khoản đóng thuế của các thành viên VAMA năm 2007 lên tới gần 1,5 tỷ USD. Ngoài ra, các khoản thuế từ việc nhập khẩu các mặt hàng ôtô nguyên chiếc chính thức cũng đóng góp đáng kể cho ngân sách”. (Trích từ "Sách trắng 2011" do EuroCham xuất bản).

Tin mới

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang gửi nhiều xe điện đến châu Âu hơn mức họ có thể bán, dẫn đến hàng nghìn chiếc trong số đó phải “tạm trú” ở các bến cảng. Tình trạng này khiến các nhà khai thác cảng không hài lòng vì tình trạng dư thừa ô tô của Trung Quốc đang cản trở các hoạt động khác của cảng. Một số người nói rằng chúng không còn là cảng nữa mà là bãi đậu xe cho xe điện Trung Quốc mới đến.
Những xu hướng của pin xe điện trong tương lai

Những xu hướng của pin xe điện trong tương lai

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang trải qua quá trình chuyển đổi cơ bản từ động cơ đốt trong sang hệ truyền động điện khí hóa. Quá trình này hiện đang trải qua một số khó khăn ngày càng tăng, nhưng sự phát triển của công nghệ pin xe điện (EV) thế hệ tiếp theo vẫn tiếp tục tiến triển không suy giảm.
Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thị trường ô tô Việt Nam được xác định đã “tạo đáy” trong ngắn hạn. Một số chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm phù hợp cân nhắc áp dụng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và gia tăng sản lượng. Trong đó, giảm lệ phí trước bạ luôn là chính sách được nhà sản xuất, đại lý phân phối và người tiêu dùng mong đợi.