Giá xăng dầu tăng mạnh đe doạ kinh tế Mỹ

An Huy
Một đám mây đen đang xuất hiện trong bức tranh kinh tế sáng sủa của Mỹ: giá dầu tăng mạnh...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường việc làm của Mỹ đang thắt chặt, người tiêu dùng nước này vẫn chi tiêu, và nền kinh tế lớn nhất thế giới giữ nhịp tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, hãng tin CNN cho rằng một đám mây đen đang xuất hiện trong bức tranh kinh tế sáng sủa đó: giá dầu tăng mạnh.

Do căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông gần đây, giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường Mỹ đang tiến gần tới mốc 90 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao sau tại London - giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu - đã vượt qua ngưỡng này. Giá dầu tăng đẩy giá xăng ở Mỹ lên cao nhất 5 tháng.

Rủi ro ở đây là nếu giá dầu tiếp tục tăng, tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng và tiến trình giảm lạm phát có thể bị đảo ngược. Khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải trì hoãn việc cắt giảm lãi suất - một “cơn ác mộng” đối với các nhà đầu tư ở Phố Wall.

“Đây là mối đe doạ nghiêm trọng nhất đối với nền kinh tế Mỹ ở thời điểm hiện nay. Không gì gây hại cho nền kinh tế Mỹ nhiều hơn nhanh hơn so với việc giá dầu tăng”, nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s nhận định với hãng tin CNN.

Không chỉ có vậy, hệ quả chính trị to lớn có thể xảy ra nếu giá xăng ở Mỹ vượt mức 4 USD/gallon vì giữ ở đó. Đầu năm nay, Moody’s đã công bố một mô hình cho thấy giá xăng là một biến số chủ đạo trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay, có khả năng mang lại lợi thế cho cựu Tổng thống Donald Trump.

“Nếu gái xăng vượt 4 USD/oz trong 2-3 tháng, ông Trump sẽ thắng”, ông Zandi nói.

Vị chuyên gia cho rằng nền kinh tế Mỹ có thể hấp thụ được mức giá từ 85-90 USD/thùng dầu, “nhưng nếu giá dầu vượt 90 USD/thùng và lên gần 100 USD/thùng, đó sẽ là một vấn đề. Người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng, nhất là những hộ gia đình thu nhập thấp. Niềm tin sẽ bị xói mòn. Mọi người sẽ nhìn vào bảng giá xăng như một phép thử đối với tình hình tài chính của họ”.

Từ đầu năm đến nay, giá dầu đã tăng hơn 20%, do căng thẳng leo thang ở Trung Đông và các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái của Ukraine vào hạ tầng dầu khí của Nga. Ngoài ra, việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức liên minh OPEC+, duy trì việc cắt giảm sản lượng dầu cũng khiến nguồn cung dầu toàn cầu bị thắt lại.

“Khả năng gián đoạn nguồn cung dầu đang tăng lên… Rất dễ để giá dầu Brent lên 95 USD/thùng. Nếu một sự kiện địa chính trị nữa xảy ra ở Trung Đông, giá dầu Brent hoàn toàn có thể đạt 100 USD/thùng”, Chủ tịch Andy Lipow của công ty Lipow Oil Associates nhận định với CNN.

Nhà kinh tế trưởng Joe Brusuelas của công ty RSM cho rằng “rủi ro bên ngoài lớn nhất đối với kinh tế Mỹ bây giờ là căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông” vì đây là nhân tố đẩy giá xăng dầu tăng. “Rủi ro này là thứ duy nhất trong ngắn hạn có thể dẫn tới chấm dứt chu kỳ kinh doanh hiện nay”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Brusuelas nói rằng giá dầu cần phải tăng cao hơn nhiều, đến mức từ 115-130 USD/thùng, mới có thể đẩy kinh tế Mỹ tới bờ vực suy thoái.

Theo dữ liệu từ trang web chuyên về giá xăng ở Mỹ AAA, giá bán lẻ xăng bình quân toàn quốc ở nước này đã tăng lên mức 3,61 USD/gallon vào thời điểm ngày 9/4, tăng 24 cent/gallon chỉ trong 1 tháng trở lại đây. Ngoài lý do giá dầu thô tăng, giá xăng ở Mỹ còn tăng do yếu tố mùa vụ: giá xăng ở nước này thường tăng vào mùa xuân, khi các nhà máy lọc dầu tăng công suất hoạt động để chuẩn bị nguồn cung xăng dầu cho những tháng mùa hè - mùa lái xe cao điểm.

Giá xăng càng tăng cao, triển vọng lạm phát càng xấu đi, và Fed sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cắt giảm lãi suất. Những ngày gần đây, thời điểm mà thị trường cho rằng Fed sẽ có đợt giảm lãi suất đầu tiên đã dịch chuyển từ tháng 6 sang tháng 7.

Ông Vincent Reinhart, một cựu chuyên gia kinh tế của Fed, hiện là nhà kinh tế trưởng tại công ty Dreyfus and Mellon, cho rằng nguy cơ lạm phát đang tăng lên do giá hàng hóa nóng lên, bao gồm hàng hóa cơ bản. “Diễn biến giá hàng hóa cơ bản có vai trò rất quan trọng, có thể đảo ngược những chuyển biến thuận lợi về lạm phát giá hàng hóa. Đặc biệt, giá dầu đang ảnh hưởng đến các hộ gia đình”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Reinhart vẫn cho rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6, một phần vì các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ muốn chuẩn bị sớm mùa bầu cử, vì chính sách của Fed sẽ bị các chính trị gia để ý nhiều hơn khi mùa bầu cử tới gần.

Có một tin tốt là một số chuyên gia kỳ cựu trên thị trường năng lượng vẫn giữ dự báo tương đối lạc quan của họ. Chẳng hạn, ông Lipow nhận định giá bán lẻ xăng bình quân toàn quốc ở Mỹ sẽ tăng lên ngưỡng 3,7 USD/gallon trong những tuần tới, nhưng sẽ không lên tới 4 USD/gallon.

Tin mới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc đang trang bị thêm các phụ kiện công nghệ cao như một hướng đi mới cho xe của họ nhằm thu hút khách hàng. Các nhà điều hành và chuyên gia ô tô cho biết khách hàng Trung Quốc muốn ô tô của họ phải ngày càng "thông minh hơn".
Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhìn bề ngoài, thị trường Tây Âu dành cho tất cả xe sedan và SUV vào năm 2024 đã chậm lại một chút nhưng có vẻ vẫn “khỏe mạnh”. GlobalData cho biết họ dự kiến doanh số bán hàng của châu Âu sẽ tăng 4,5% trong năm nay lên 11,98 triệu chiếc, chậm hơn nhiều so với mức tăng 13,9% của năm ngoái. Nhưng ngành ô tô ở châu Âu đang rơi vào tình trạng hỗn loạn khi tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện chậm lại bất ngờ đặt ra câu hỏi về lượng vốn khổng lồ đầu tư vào phát triển chúng.
#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

Một sản phẩm vay mượn có thể dễ dàng được hoàn thiện ở phần vỏ bên ngoài, nhưng rất khó để đạt được chất lượng và sự vận hành ổn định, bền bỉ ở bên trong. Trong nhiều năm, các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã tìm cách khắc phục những sai lầm trước đó để mang đến những sản phẩm mới nhất và có giá trị nhất cho thị trường thế giới. Thế nhưng, để có thể thay đổi được những định kiến cũ và tạo niềm tin cho người tiêu dùng thì xe Trung Quốc cần thời gian để hoàn thiện về chất lượng. Đó cũng là nội dung chủ đề sẽ được chúng tôi phân tích trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay.