Gỡ vướng cung ứng cát đắp nền cho dự án Vành đai 3 TP.HCM

Thanh Thủy
Dự án Vành đai 3 qua TP.HCM cần khoảng 9,3 triệu m3 cát đắp nền, song các nhà thầu thi công đang gặp khó khăn trong tìm kiếm các nguồn cát. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc giải quyết khó khăn, vướng mắc về nguồn cát đắp nền cho dự án…
Vành đai 3 qua TP.HCM cần khoảng 9,3 triệu m3 cát đắp nền - Ảnh minh họa.
Vành đai 3 qua TP.HCM cần khoảng 9,3 triệu m3 cát đắp nền - Ảnh minh họa.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc làm việc tại TP.HCM với một số bộ ngành, địa phương nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc về vật liệu xây dựng đối với dự án Vành đai 3 TP.HCM.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án đường Vành đai 3 TP.HCM khoảng 9,3 triệu m3. Trong đó, riêng năm 2024 là 6,5 triệu m3 (riêng TP.HCM là 4,7 triệu m3).

Tuy nhiên, các nhà thầu thi công dự án này đang gặp khó khăn trong tìm kiếm các nguồn cát đắp nền đường, do các tỉnh ưu tiên cung cấp cát cho các dự án của địa phương và đường cao tốc Bắc - Nam.

TP.HCM kiến nghị các địa phương điều chuyển, chia sẻ một phần khối lượng cát đắp nền tại các mỏ đang khai thác phục vụ các dự án đường cao tốc khác sang cho dự án đường Vành đai 3; rút ngắn thủ tục gia hạn/cấp lại giấy phép khai thác một số mỏ cát.

Theo tiến độ dự án được UBND TP.HCM đưa ra đường Vành đai 3 cần khối lượng cát đắp nền trong năm nay cụ thể: tháng 4 là 450.000 m3; tháng 5 là 330.000 m3; tháng 6 - 8 là 2,3 triệu m3; tháng 9-12 là 3,4 triệu m3.

Tại cuộc họp, các địa phương cũng đưa ra khả năng cung ứng cát san lấp cho dự án Vành đai 3 TP.HCM. Dự kiến trong năm 2024, tỉnh Bến Tre sẽ cho phép khai thác 6 mỏ với khoảng 14,9 triệu m3 và có thể cung cấp nhiều hơn cho TP.HCM so với cam kết là 850.000 m3.

Tỉnh mong muốn các bộ, ngành hỗ trợ để địa phương gia hạn, cấp lại, cấp mới giấy phép khai thác cát nhanh chóng.

Trong khi đó, tỉnh Tiền Giang có thể đáp ứng cho dự án đường Vành đai 3 khoảng 6,3 triệu m3, riêng năm 2024 là 3,8 triệu m3.

Cùng với đó, tỉnh An Giang và Đồng Tháp cũng dự kiến điều chuyển khoảng 400.000 m3 cát khai thác phục vụ các dự án đường cao tốc Bắc - Nam cho dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương khẩn trương rà soát khả năng cung ứng cát theo tiến độ các dự án đường cao tốc Bắc - Nam, Vành đai 3 TP.HCM để kịp thời có các giải pháp như nâng công suất, bổ sung các mỏ mới đáp ứng được nhu cầu thực tế; chủ động xử lý vướng mắc trong quá trình khai thác.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương có văn bản ủy quyền các địa phương để làm thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, cấp phép khai thác các mỏ cát. Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng rà soát, tính đơn giá, quy trình cụ thể về công bố kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp; hướng dẫn các địa phương về quy trình thủ tục cấp phép, định mức, đơn giá khai thác cát biển; nhập khẩu vật liệu xây dựng; nạo vét luồng giao thông đường thủy…

Đồng thời, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu lập tổ công tác liên ngành phối hợp với các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng… để vận dụng các cơ chế gia hạn, cấp lại giấy phép, nâng công suất khai thác mỏ cát phục vụ dự án đường Vành đai 3 theo cơ chế đã được Quốc hội, Chính phủ cho phép, trên cơ sở cân đối với nhu cầu các dự án đường cao tốc Bắc - Nam, bám sát theo tiến độ.

 

Dự án Vành đai 3 đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, được đầu tư giai đoạn 1 với chiều dài hơn 76 km, tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng.

Trong đó, Vành đai 3 ở TP.HCM dài hơn 47 km, qua thành phố Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỷ đồng.

Dự án có 8 dự án thành phần, mỗi địa phương làm hai dự án gồm xây lắp và mặt bằng. Hiện nay các địa phương đang bứt tốc thi công để đáp ứng mục tiêu sẽ thông xe phần cao tốc vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.

Tin mới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc đang trang bị thêm các phụ kiện công nghệ cao như một hướng đi mới cho xe của họ nhằm thu hút khách hàng. Các nhà điều hành và chuyên gia ô tô cho biết khách hàng Trung Quốc muốn ô tô của họ phải ngày càng "thông minh hơn".
Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhìn bề ngoài, thị trường Tây Âu dành cho tất cả xe sedan và SUV vào năm 2024 đã chậm lại một chút nhưng có vẻ vẫn “khỏe mạnh”. GlobalData cho biết họ dự kiến doanh số bán hàng của châu Âu sẽ tăng 4,5% trong năm nay lên 11,98 triệu chiếc, chậm hơn nhiều so với mức tăng 13,9% của năm ngoái. Nhưng ngành ô tô ở châu Âu đang rơi vào tình trạng hỗn loạn khi tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện chậm lại bất ngờ đặt ra câu hỏi về lượng vốn khổng lồ đầu tư vào phát triển chúng.
#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

Một sản phẩm vay mượn có thể dễ dàng được hoàn thiện ở phần vỏ bên ngoài, nhưng rất khó để đạt được chất lượng và sự vận hành ổn định, bền bỉ ở bên trong. Trong nhiều năm, các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã tìm cách khắc phục những sai lầm trước đó để mang đến những sản phẩm mới nhất và có giá trị nhất cho thị trường thế giới. Thế nhưng, để có thể thay đổi được những định kiến cũ và tạo niềm tin cho người tiêu dùng thì xe Trung Quốc cần thời gian để hoàn thiện về chất lượng. Đó cũng là nội dung chủ đề sẽ được chúng tôi phân tích trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay.