Hà Nội: Phân làn đường Nguyễn Trãi sau hơn 1 tháng giờ ra sao?

Lê Vũ Tuấn Nam
Theo ghi nhận của PV Auto News, sau hơn 1 tháng thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) bằng dải phân cách cứng, tình hình giao thông vẫn chưa có nhiều cải thiện, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm.

Giao thông vẫn “lộn xộn”

Ghi nhận của phóng viên ngày 21/9 tại tuyến đường Nguyễn Trãi (Hà Nội), thời điểm 8h00 sáng, tình hình giao thông tương đối khả quan so với thời điểm cách đây hơn 1 tháng. Không có tình trạng ùn tắc cục bộ, nhưng tại các vị trí bắt đầu dải phân cách, các lối rẽ, quay đầu, các phương tiện đều phải di chuyển chậm.

Tuyến đường này gồm 5 làn đường mỗi chiều, trong đó 3 làn bên ngoài dành cho ôtô, 2 làn trong dành cho xe buýt, xe gắn máy, xe đạp. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng xe máy đi sang làn ôtô và ngược lại vẫn khá phổ biến.

Thậm chí, không ít trường hợp đi ngược chiều để tiết kiệm thời gian. Ví dụ tại khu vực phố Cự Lộc, giao cắt với đường Nguyễn Trãi. Nhiều người đi xe máy, xe đạp ngược chiều, bất chấp nguy hiểm để đi tắt sang bên kia đường, thay vì phải đi vòng đến lối rẽ quay đầu.

Một số người vẫn cố tình đi ngược chiều. Ảnh: Tuấn Nam
Một số người vẫn cố tình đi ngược chiều. Ảnh: Tuấn Nam.

Một số chủ phương tiện xe máy đang di chuyển bên làn đường dành cho ôtô, đến vị trí đặt dải phân cách cứng thì bị giật mình, loạng choạng đánh lái. Chị Năm (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Tôi thường xuyên bán hàng ngay gần khu vực dải phân cách cứng và đã trực tiếp chứng kiến vài vụ va quệt tại đây. Thời điểm xảy ra tai nạn chủ yếu vào ban đêm (23h). Một số người có thể buồn ngủ hoặc không quan sát kỹ nên đã lao thẳng vào dải phân cách. Đã có người đã phải nhờ xe cứu thương đưa đi cấp cứu”.

Việc triển khai phân làn tại đường Nguyễn Trãi được nhiều người dân ủng hộ, song chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh vấn đề ý thức của người tham gia giao thông thì dải phân cách cứng hiện đang đặt tại vị trí chưa thực sự hợp lý.

Thực tế, tuyến đường Nguyễn Trãi có rất nhiều điểm giao cắt nên khó tránh khỏi việc xe máy đi vào làn ôtô để chuẩn bị quay đầu. Một số phương tiện ôtô cũng phải đi vào làn của xe máy, xe buýt để vào nhà, vào ngõ. Mặt khác, dải phân cách đặt ngay gần lối quay đầu, khiến nhiều phương tiện xe máy gần như phải băng ngang sang đường để nhập làn, dễ va chạm với các xe cùng chiều đang lao tới.

Cần có thời gian để kiểm nghiệm hiệu quả

Mới đây, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã có báo cáo UBND Thành phố về kết quả thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn Ngã tư Sở-Khuất Duy Tiến). Theo đó, tình hình giao thông trên tuyến đường đã có cải thiện, đặc biệt tại thời gian cao điểm, giảm ùn ứ giao thông trên tuyến và các phương tiện lưu thông đã trật tự hơn.

Anh Sơn (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Việc phân làn giao thông là rất cần thiết và chúng tôi rất ủng hộ. Ngay từ đầu, đường Nguyễn Trãi đã được thiết kế làn đường riêng cho từng loại phương tiện. Đường rất rộng, nhưng do nhiều người phớt lờ các biển báo nên mới dẫn đến tình trạng xe cộ đan xen lẫn lộn. Song để đạt hiệu quả thì vẫn phải có sự tham gia tích cực, thường xuyên của lực lượng chức năng, thậm chí phải xử phạt nghiêm mới tạo sự răn đe và dần đưa vào nề nếp. Ngoài ra, các cơ quan cũng cần xem xét, điều chỉnh lại vị trí các dải phân cách để giao thông hợp lý, thuận tiện hơn”.

Sở GTVT Hà Nội đề xuất kéo dài thời gian thí điểm đến hết 2022. Ảnh: Tuấn Nam
Sở GTVT Hà Nội đề xuất kéo dài thời gian thí điểm đến hết 2022. Ảnh: Tuấn Nam.

Trong thời gian thí điểm, theo dõi, tiếp nhận phản hồi của người dân, Sở GTVT đã phối hợp với Công an Thành phố Hà Nội, UBND quận Thanh Xuân rà soát và điều chỉnh tổ chức giao thông cho phù hợp hơn với thực tế; trong đó thu ngắn các vị trí dải phân cách, bổ sung các biển báo hiệu lệnh kết hợp chỉ dẫn.

Để có cơ sở đánh giá chính xác hơn nữa phương án thí điểm này, Sở GTVT đề xuất Thành phố kéo dài thời gian thí điểm thêm 3 tháng (từ ngày 6/9 đến ngày 31/12/2022) và điều chỉnh phương án cho phù hợp với tình hình giao thông thực tế trên tuyến đường Nguyễn Trãi.

Theo thống kê sơ bộ, Hà Nội có 1,2 triệu xe máy, mỗi năm tăng thêm 6,7%; ôtô 600.000 chiếc, mỗi năm tăng 11%. Trong khi đó, diện tích cho giao thông chỉ tăng 3%/năm. Với tỷ lệ này, bất kể một phương án điều tiết giao thông nào cũng đều gặp thách thức rất lớn.

Đường Nguyễn Trãi sau hơn 1 tháng thực hiện phân làn bằng dải phân cách cứng. Ảnh: Tuấn Nam.  
Đường Nguyễn Trãi sau hơn 1 tháng thực hiện phân làn bằng dải phân cách cứng. Ảnh: Tuấn Nam.  

Những năm trước đây, Hà Nội cũng đã từng thí điểm phân làn giao thông bằng dải phân cách cứng tại rất nhiều tuyến phố như Kim Mã, Giải Phóng, Kim Liên, Xã Đàn, Trần Khát Trân, Đại Cồ Việt, nhưng đa số đều thất bại và sau đó phải tháo dỡ dải phân cách đi.

Lần này, đúc kết kinh nghiệm từ quá khứ, cùng với việc điều chỉnh phương án phù hợp với thực tế, Sở GTVT đặt mục tiêu phát huy tối đa năng lực hạ tầng giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông và nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông tại đường Nguyễn Trãi. Nếu thành công, đây sẽ là mô hình điểm để áp dụng cho các tuyến đường khác trong thời gian tới.

Mặc dù thực hiện phân làn giao thông là cần thiết, song đây vẫn chỉ là giải pháp tạm thời. Giải pháp căn cơ vẫn phải là tập trung nguồn lực đầu tư mở rộng hạ tầng giao thông, ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân, di dời dần cơ quan, đơn vị, trường học ra khỏi trung tâm đô thị.

Tin mới

Các nhà sản xuất ô tô đang thiết lập chiến lược cho lượng khí thải carbon bằng 0 như thế nào?

Các nhà sản xuất ô tô đang thiết lập chiến lược cho lượng khí thải carbon bằng 0 như thế nào?

Trong lĩnh vực ô tô, hầu hết các OEM đều đặt mục tiêu đạt mức 0 ròng vào năm 2050, nhưng báo cáo và tiêu chuẩn về lượng khí thải vẫn còn yếu. Áp lực pháp lý sắp tới đối với lượng khí thải sẽ yêu cầu các công ty cải thiện việc báo cáo lượng khí thải và quản lý các chiến lược không phát thải thực tế hơn.