Hai hãng dầu khí khổng lồ của châu Âu cân nhắc chuyển niêm yết sang Mỹ

Ngọc Trang
Dù có vị thế lớn trên hai sàn chứng khoán hàng đầu châu Âu, cả Shell và TotalEnergies gần đây bày tỏ sự thất vọng về giá cổ phiếu thấp hơn so với các đối thủ Mỹ và để ngỏ khả năng chuyển niêm yết cổ phiếu sang Mỹ...
Trụ sở chính của TotalEnergies tại khu thương mại La Defense, Paris - Ảnh: Getty Images
Trụ sở chính của TotalEnergies tại khu thương mại La Defense, Paris - Ảnh: Getty Images

Theo hãng tin CNN, hai công ty năng lượng lớn nhất tại châu Âu là Shell và TotalEnergies đang cân nhắc rút khỏi sàn giao dịch chứng khoán London và Paris để chuyển sang Phố Wall. Động thái này có thể là một đòn giáng mạnh với thị trường chứng khoán châu Âu.

Shell, có trụ sở tại Anh, là công ty lớn thứ 2 trong chỉ số FTSE 100 trên sàn chứng khoán London, chiếm tới 8,4% tổng vốn hóa. Trong khi đó, TotalEnergies của Pháp là công ty lớn thứ 4 trong chỉ số CAC 400 của sàn Paris, chiếm 6% tổng vốn hóa.

Dù có vị thế lớn trên hai sàn chứng khoán hàng đầu châu Âu, cả hai công ty năng lượng này gần đây bày tỏ sự thất vọng khi giá cổ phiếu thấp hơn so với các đối thủ Mỹ và để ngỏ khả năng chuyển niêm yết cổ phiếu sang Mỹ.

Hệ số giá/dòng tiền (P/CF) của cổ phiếu của TotalEnergies và Shell hiện lần lượt là 4,7 và 5,2. Trong khi đó, hệ số này của các ông lớn năng lượng Mỹ như Exxon Mobil và Chevron lần lượt là 8,4 và 7,6. P/CF là chỉ số đo lường giá trị của giá cổ phiếu so với dòng tiền hoạt động trên mỗi cổ phiếu. Hệ số càng thấp thì khả năng cổ phiếu đang bị định giá thấp càng cao.

Theo ông Alastair Syme, giám đốc nghiên cứu cổ phiếu năng lượng toàn cầu tại ngân hàng Citi, cổ phiếu Shell và TotalEnergies từ lâu luôn giao dịch với mức giá thấp hơn giá trị thực. Tuy nhiên, sự chênh lệch với các cổ phiếu năng lượng lớn ở Mỹ tăng lên đáng kể khoảng 2 năm trước, cho thấy sự phân kỳ lớn giữa thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ.

“Các công ty niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ được tiếp cận với nguồn vốn dồi dào hơn”, ông Syme nói với CNN. “Các nhà đầu tư sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhiều khi mua cổ phiếu của các công ty năng lượng châu Âu nếu các mã này nằm trong chỉ số S&P 500”.

Tháng trước, ông Patrick Pouyanne, CEO của TotalEnergies, nói rằng công ty của ông đang “nghiêm túc” nghiên cứu việc chuyển niêm yết cổ phiếu sang Mỹ. Ông cho biết sẽ thảo luận theo hướng thực tế với hội đồng quản trị công ty vào tháng 9 tới.

“Thực ra tôi đã thảo luận với hội đồng quản trị về việc niêm yết ở Mỹ”, ông Pouyanne nói với các nhà phân tích trong một cuộc họp qua điện thoại tháng trước. “Rõ ràng trong lĩnh vực năng lượng và dầu khí, các cổ đông Mỹ và châu Âu mua vào cổ phiếu theo cách không giống nhau”.

Trong khi đó, CEO của Shell, ông Wael Sawan nói vói hãng tin Bloomberg hồi tháng 3 rằng Shell đang “bị định giá thấp” so với Chevron và Exxon Mobil.

“Nếu sau nhiều nỗ lực kéo dài nhằm đẩy giá cổ phiếu mà sự chênh lệch này không được thu hẹp, chúng tôi sẽ phải xem xét tất cả các lựa chọn”, ông Sawan nói.

Tuần trước, trong một cuộc họp với các nhà phân tích, ông Sawan nói rằng việc chuyển niêm yết sang Mỹ “không phải là vấn đề đang được thỏa luận ở thời điểm này”. Hiện Shell đang tập trung vào việc mua nhằm tăng giá trị cổ phiếu. Hôm 2/5, công ty này thông báo kế hoạch mua lại cổ phiếu trị giá 3,5 tỷ USD trong vòng 3 tháng tới.

Tuy nhiên, chỉ những dấu hiệu nhỏ nhất về việc Shell có thể cân nhắc rời sàn London cũng đã gây ra sự xáo trộn trên sàn giao dịch này.

Những năm gần đây, nhiều công ty đã hủy niêm yết tại sàn London để chuyển sang các sàn giao dịch khác ở châu Âu hoặc Mỹ. Trong số này có công ty sản xuất chip Arm của Anh với thương vụ IPO quy mô lớn năm 2023 trên sàn Nasdaq.

“Việc Shell và TotalEnergies hủy niêm yết có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng toàn diện đối với sàn chứng khoán London và Paris, đặc biệt là với sàn London”, ông Chris Beauchamp, nhà phân tích thị trường trưởng tại nền tảng giao dịch IG, nhận định. “Việc này sẽ càng củng cố cho quan điểm rằng chỉ cần một thị trường chứng khoán cho cả thế giới, đó là ở Mỹ”.

Theo ông Syme của Citi, nếu Shell rời đi, BP, công ty lớn thứ 6 trong chỉ số FTSE 100, có thể sẽ nối gót.

“Nếu Shell chuyển sang niêm yết ở Mỹ và giá cổ phiếu tăng mạnh, BP chắc chắn sẽ phải cân nhắc một quyết định tương tự”, ông nhận định.

Đầu tuần này, BP báo cáo lợi nhuận thấp hơn dự báo là 2,7 tỷ USD trong quý đầu 2024, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước, một phần do giá dầu và khí đốt giảm.

Tuy nhiên, CEO Murray Auchincloss của BP khẳng định, ở thời điểm này, công ty hiện chỉ chú trọng vào hiệu quả kinh doanh, chứ không phải chuyển niêm yết khỏi London.

“Việc chuyển niêm yết khỏi London không nằm trong kế hoạch của chúng tôi. Chúng tôi hiện chỉ tập trung vào kết quả kinh doanh mỗi quý”, ông Auchincloss nói với Reuters.

Tin mới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc đang trang bị thêm các phụ kiện công nghệ cao như một hướng đi mới cho xe của họ nhằm thu hút khách hàng. Các nhà điều hành và chuyên gia ô tô cho biết khách hàng Trung Quốc muốn ô tô của họ phải ngày càng "thông minh hơn".
Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhìn bề ngoài, thị trường Tây Âu dành cho tất cả xe sedan và SUV vào năm 2024 đã chậm lại một chút nhưng có vẻ vẫn “khỏe mạnh”. GlobalData cho biết họ dự kiến doanh số bán hàng của châu Âu sẽ tăng 4,5% trong năm nay lên 11,98 triệu chiếc, chậm hơn nhiều so với mức tăng 13,9% của năm ngoái. Nhưng ngành ô tô ở châu Âu đang rơi vào tình trạng hỗn loạn khi tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện chậm lại bất ngờ đặt ra câu hỏi về lượng vốn khổng lồ đầu tư vào phát triển chúng.
#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

Một sản phẩm vay mượn có thể dễ dàng được hoàn thiện ở phần vỏ bên ngoài, nhưng rất khó để đạt được chất lượng và sự vận hành ổn định, bền bỉ ở bên trong. Trong nhiều năm, các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã tìm cách khắc phục những sai lầm trước đó để mang đến những sản phẩm mới nhất và có giá trị nhất cho thị trường thế giới. Thế nhưng, để có thể thay đổi được những định kiến cũ và tạo niềm tin cho người tiêu dùng thì xe Trung Quốc cần thời gian để hoàn thiện về chất lượng. Đó cũng là nội dung chủ đề sẽ được chúng tôi phân tích trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay.