Hai tỷ phú Nga kêu gọi hoà bình cho Ukraine

An Huy
Giới tỷ phú Nga đang đối mặt với nguy cơ mất mát tài sản cực lớn khi phương Tây tung những đòn trừng phạt cứng rắn để đáp trả việc nước này tấn công Ukraine...
Tỷ phú Nga Mikhail Fridman - Ảnh: Reuters.
Tỷ phú Nga Mikhail Fridman - Ảnh: Reuters.

Hai tỷ phú Nga là Mikhail Fridman và Oleg Deripaska kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột vũ trang Nga-Ukraine do Nga tấn công quân sự quốc gia láng giềng. Ông Fridman gọi cuộc xung đột này là một thảm hoạ đối với người dân hai nước.

Theo tin từ Reuters, ông Fridman, người sinh ra ở miền Tây Ukraine và là nhà đồng sáng lập Alfa-Group, viết trong một là thư gửi nhân viên rằng xung đột quân sự đang leo thang giữa Nga và Ukraine làm rạn nứt nghiêm trọng mối quan hệ giữa hai dân tộc vốn đã là anh em của nhau trong suốt nhiều thế kỷ.

“Tôi sinh ra ở miền Tây của Ukraine và sống ở đó cho tới năm 17 tuổi. Cha mẹ tôi là công dân Ukraine và đang sống ở Lviv, thành phố thân thương của tôi”, ông Fridman viết trong lá thư.

“Nhưng tôi cũng đã có nhiều năm là một công dân Nga, gây dựng nên sự nghiệp kinh doanh của mình ở Nga. Tôi gắn bó sâu sắc với cả người Nga và người Ukraine, và tôi nhận thấy rằng cuộc xung đột này là một thảm hoạ đối với cả hai dân tộc”.

Tỷ phú Deripaska thì đăng một bài viết trên mạng Telegram để kêu gọi đàm phá hoà bình bắt đầu “nhanh nhất có thể”.

Tỷ phú Nga Oleg Deripaska - Ảnh: Retuers.
Tỷ phú Nga Oleg Deripaska - Ảnh: Retuers.

“Hoà bình rất quan trọng”, ông Deripaska – nhà sáng lập hãng nhôm khổng lồ Rusal của Nga – viết. Hiện nay, vị tỷ phú này vẫn nắm cổ phần trong Rusal thông qua cổ phần của ông tại En+ Group, công ty mẹ của Rusal.

Vào hôm 21/2, khi Nga còn chưa tấn công Ukraine, ông Deripaska nói sẽ không có chiến tranh xảy ra.

Chính phủ Mỹ đã áp lệnh trừng phạt lên ông Deripaska và một số nhân vật có ảnh hưởng lớn khác của Nga vì cho rằng những người này có mối quan hệ mật thiết với Tổng thống Vladimir Putin. Đó là các biện pháp trừng phạt liên quan đến việc Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 – cáo buộc mà Nga phủ nhận.

Giới tỷ phú Nga đang đối mặt với nguy cơ mất mát tài sản lớn khi phương Tây tung những đòn trừng phạt cứng rắn để đáp trả việc nước này tấn công Ukraine.

Trong một diễn biến mới, quan chức Ukraine sẽ gặp quan chức Nga tại biên giới Belarus để đàm phán. Quyết định đàm phán được đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông Putin đặt lực lượng hạt nhân của Nga vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu trong lúc các cuộc giao tranh vẫn diễn ra ở Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy bày tỏ nghi ngờ về việc đàm phán có thể mang lại kết quả nhưng nói rằng ông sẽ thử nếu đàm phán mang lại cơ hội bất kỳ nào cho hoà bình.

“Cuộc khủng hoảng này sẽ gây tổn thất sinh mạng và thiệt hại cho hai quốc gia đã là anh em của nhau trong suốt hàng trăm năm”, tỷ phủ Fridman viết trong lá thư gửi nhân viên. “Có lẽ một giải pháp cho khủng hoảng vẫn còn xa, tôi chỉ có thể cùng nhiều người khác nói lên một mong muốn cháy bỏng là không còn đổ máu. Tôi tin chắc rằng các đối tác của tôi có cùng quan điểm như vậy”.

Một đối tác dài hạn của ông Fridman là ông Pyotr Aven đã tham dự một cuộc gặp do điện Kremlin tổ chức giữa Tổng thống Putin với 36 doanh nhân lớn của Nga vào tuần trước – điện Kremlin cho biết.

Một tỷ phú khác ở Moscow đề nghị không tiết lộ danh tính nói với Reuters rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine sẽ là một thảm hoạ. “Đó sẽ là một thảm hoạ trên tất cả mọi phương diện, đối với nền kinh tế, đối với quan hệ của Nga với phần còn lại của thế giới, đối với tình hình chính trị”, vị này phát biểu.

Cũng theo lời tỷ phú này, tất cả các tỷ phú gặp ông Putin tại điện Kremlin vào hôm thứ Năm đều giữ im lặng. “Các doanh nhân đều hiểu rất rõ về hậu quả của việc này. Nhưng ai lại đi hỏi ý kiến doanh nghiệp về việc này cơ chứ”, vị tỷ phú nói.

Tin mới

Các liên doanh ô tô nước ngoài của Trung Quốc mất đi ánh hào quang vì xe điện

Các liên doanh ô tô nước ngoài của Trung Quốc mất đi ánh hào quang vì xe điện

Trong nhiều năm, các nhà sản xuất ô tô nhà nước Trung Quốc có thể tin tưởng vào việc liên doanh với các thương hiệu lớn của nước ngoài như một nguồn lợi nhuận kỳ diệu. Nhưng báo cáo thu nhập mới nhất cho thấy những ngày đó có thể sắp kết thúc, khi những công ty đơn lẻ mới hơn như BYD đã thúc đẩy làn sóng điện khí hóa tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, trong khi các thương hiệu ô tô nước ngoài đang bị tụt lại phía sau.