Hyundai, Kia bị Mỹ điều tra lỗi túi khí, giá cổ phiếu lao dốc

Diệp Vũ
Cuộc điều tra của nhà chức trách Mỹ làm trầm trọng thêm những thách thức mà Hyundai đang phải đối mặt
Logo Hyundai tại một đại lý xe của hãng này ở Seoul, Hàn Quốc, tháng 4/2017 - Ảnh: Reuters.
Logo Hyundai tại một đại lý xe của hãng này ở Seoul, Hàn Quốc, tháng 4/2017 - Ảnh: Reuters.

Giá cổ phiếu hãng ô tô Hyundai của Hàn Quốc sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 19/3, sau khi nhà chức trách Mỹ mở một cuộc điều tra nhằm vào việc túi khí trong nhiều chiếc xe sedan Sonata do hãng này sản xuất không thể bung mở. Các nhà đầu tư lo ngại một đợt triệu hồi xe quy mô lớn có gây tổn thất không nhỏ cho Huyndai.

Hãng tin Reuters cho biết cuộc điều tra được tiến hành sau khi xảy ra một số vụ tai nạn khiến 4 người thiệt mạng và 6 người khác bị thương liên quan đến xe Sonata. Các nhà điều tra sẽ xem xét những chiếc Sonata sản xuất năm 2011 và cả những chiếc xe Forte đời 2012-2013 do Kia Motors, một nhánh của Hyundai, sản xuất. Tổng cộng, số xe liên quan trong vụ điều tra này là 425.000 xe.

Đây là cuộc điều tra thứ hai của Cơ quan An toàn giao thông đường bộ Quốc gia Mỹ (NHTSA) nhằm vào Hyundai và Kia trong vòng chưa đầy 1 năm. Cuộc điều tra làm trầm trọng thêm những thách thức mà Hyundai đang phải đối mặt, sau khi hãng này công bố báo cáo kết quả kinh doanh tệ nhất 7 năm vào tháng 1 năm nay.

Tháng trước, Hyundai công bố triệu hồi hơn 150.000 xe Sonata tại Mỹ sau khi túi khí trên nhiều chiếc xe thuộc dòng này không bung mở khi có tai nạn, được xác định nguyên nhân là do quá áp ở bộ phận điều khiển túi khí. Tuy nhiên, hãng cho biết chưa khắc phục được hoàn toàn lỗi này.

"Tôi lo ngại rằng vụ triệu hồi xe này sẽ được mở rộng ra các thị trường khác", nhà phân tích Ko Tae-bong thuộc Hi Investment & Securities phát biểu.

Sonata và Forte là hai dòng xe bán chạy của Hyundai và Kia tại các thị trường chủ chốt của hai hãng trong những năm gần đây.

Nhà phân tích Ko ước tính cuộc triệu hồi xe tại thị trường Mỹ có thể tiêu tốn của Hyundai và Kia số tiền 575 triệu USD nếu toàn bộ 425.000 xe phải thay túi khí và hai hãng này phải chịu trách nhiệm.

Giá cổ phiếu Hyundai sụt 4%, cổ phiếu Kia giảm 3,4% trong phiên giao dịch đầu tuần. Cổ phiếu nhà cung cấp linh kiện Hyundai Mobis giảm 2%.

Theo NHTSA, hiện tượng quá áp được xem là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc triệu hồi 1,4 triệu xe của hãng Fiat Chrysler tại Mỹ vào năm 2016 do túi khí không bung mở khi xe bị đâm va mạnh từ phía trước.

Ngoài cuộc điều tra của NHTSA, khó khăn mà Hyundai phải đối mặt hiện nay còn có lợi nhuận suy giảm do hãng chậm chân trong xu hướng xe SUV và ảnh hưởng bất lợi từ mâu thuẫn ngoại giao Trung Quốc-Hàn Quốc.

Trong tháng 1-2 năm nay, doanh số của Hyundai tại Mỹ giảm 12%, so với mức giảm 1% của toàn thị trường ô tô tại Mỹ nói chung.

Tháng 5 năm ngoái, NHTSA mở một cuộc điều tra nhằm vào vụ triệu hồi 1,7 triệu xe Hyundai và Kia do lỗi động cơ. Vụ điều tra diễn ra sau khi có cáo buộc cho rằng Hyundai đã bưng bít việc động cơ xe có lỗi và chậm trễ trong việc tiến hành triệu hồi xe.

Tin mới

Xe hybrid "âm thầm” chinh phục khách hàng Việt

Xe hybrid "âm thầm” chinh phục khách hàng Việt

Xe “thuần” điện có thể là chân lý của tiến trình điện khí hóa, nhưng sẽ phải mất nhiều năm nữa để dòng xe này thực sự phổ biến tại Việt Nam. Trong khi đó, xe Hybrid lại đang từng bước vững chắc tiếp cận và chinh phục người dùng bằng khả năng tiết kiệm nhiên liệu và giảm phát thải ngay lập tức của mình.
Bán hàng trực tuyến: Xu hướng mới của các hãng xe tại Việt Nam

Bán hàng trực tuyến: Xu hướng mới của các hãng xe tại Việt Nam

Sự trỗi dậy của thị trường ô tô trực tuyến không chỉ thay đổi cách chúng ta mua và bán ô tô, nó đang định nghĩa lại cơ cấu của một ngành công nghiệp lâu đời. Từ sự tiện lợi của việc mua sắm tại nhà cho đến sự ra đời của dịch vụ đăng ký ô tô, thế giới kỹ thuật số đang thúc đẩy một cuộc cách mạng trên các con đường kinh doanh trong ngành ô tô.
Châu Âu sẽ tiêu thụ ít hơn gần 9 triệu xe điện vào năm 2030

Châu Âu sẽ tiêu thụ ít hơn gần 9 triệu xe điện vào năm 2030

Theo ngân hàng đầu tư UBS, người châu Âu sẽ mua ít hơn gần 9 triệu xe điện trong khoảng thời gian từ 2024 đến 2030 so với dự kiến, do giá cao, phạm vi hoạt động không đủ và việc sạc pin cồng kềnh đã cản trở người mua tiềm năng.