Lại đề xuất “ưu đãi” cho công nghiệp ôtô nội địa

Nguyên Vũ
Doanh số toàn ngành ôtô được dự đoán sẽ đạt trên 210.000 xe trong năm 2015
Ngành công nghiệp ôtô bao gồm cả xe lắp ráp/sản xuất nội địa (CKD) và xe nhập khẩu (CBU) đã phục hồi và vượt mốc kỷ lục doanh số năm 2009 (160.000 xe) trong tháng 9/2015.
Ngành công nghiệp ôtô bao gồm cả xe lắp ráp/sản xuất nội địa (CKD) và xe nhập khẩu (CBU) đã phục hồi và vượt mốc kỷ lục doanh số năm 2009 (160.000 xe) trong tháng 9/2015.
Tương lai của ngành công nghiệp sản xuất ôtô Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào các chính sách thuế và lệ phí của Chính phủ, trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt đóng một vai trò rất quan trọng.

Quan điểm này được nhóm công tác công nghiệp ôtô xe máy (Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - VBF) đưa ra tại VBF 2015 diễn ra ngày 1/12.

Lại xin ưu đãi

Đề xuất được đưa ra tại báo cáo của nhóm là: cần có chính sách ưu đãi cần thiết cho sản xuất trong nước để bù đắp cho chi phí sản xuất cao trong giai đoạn “chuyển tiếp”, khi thị trường ôtô của Việt Nam vẫn chưa đủ lớn.

Cụ thể, nhóm đề xuất mức ưu đãi sản xuất tuân thủ theo quy định của WTO, ví dụ ưu đãi tương đương 10% giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho 10 năm kể từ 2018.

Hay, xóa bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho dòng xe chở người 16-24 chỗ và giữ nguyên mức thuế tiêu thụ đặc biệt hiện tại cho xe tải pick-up, vì đây là những dòng xe thương mại, hỗ trợ rất nhiều cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân Việt Nam, đặc biệt là những vùng ngoại ô và liên tỉnh, liên huyện.

Các doanh nghiệp trong nhóm này còn cho rằng cần bỏ thuế nhập khẩu cho những linh kiện và phụ tùng ôtô mà Việt Nam chưa sản xuất được và tiếp tục rà soát những loại thuế nhập khẩu của tất cả các linh kiện và phụ tùng ôtô khác.

Liên quan đến xe máy, nhóm tiếp tục kiến nghị không nên xếp dòng xe máy từ trên 125 đến dưới 175 phân khối vào nhóm hàng xa xỉ để liệt nhóm này vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Mà chỉ nên coi các dòng xe máy này là phương tiện giao thông thông thường như các dòng xe máy khác không thuộc đối tượng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trên cơ sở dòng xe máy này là dòng xe có công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, Nhà nước không nên giới hạn việc tiêu dùng đối với dòng xe này thông qua việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, mà nên chăng xem xét đưa ra định hướng tiêu dùng theo hướng chỉ hạn chế những xe máy có chất lượng thấp, nhóm công tác kiên trì thuyết phục.

Phản hồi kiến nghị này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng loại xe này chỉ dành cho bộ phận có thu nhập khá. Việc giữ mức thuế hiện hành cũng là nhằm  hạn chế phương tiệnh cá nhân và giảm ô nhiễm môi trường.

Thứ trưởng cũng cho biết, bà tương đối đồng quan điểm với kiến nghị bỏ thuế nhập khẩu cho những linh kiện và phụ tùng ôtô mà Việt Nam chưa sản xuất được, và sẽ đề xuất áp thuế thấp để khuyến khích sản xuất.

Chưa như mong đợi

Theo nhóm công tác, ngành công nghiệp ôtô bao gồm cả xe lắp ráp/sản xuất nội địa (CKD) và xe nhập khẩu (CBU) đã phục hồi và vượt mốc kỷ lục doanh số năm 2009 (160.000 xe) trong tháng 9/2015.

Với đà tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2015, doanh số toàn ngành ôtô được dự đoán sẽ đạt trên 210.000 xe trong năm 2015 (bao gồm cả xe lắp ráp/sản xuất trong nước và xe nhập khẩu).

Nhưng, ngay cả như vậy, nhóm cho rằng sự phát triển của toàn ngành công nghiệp ôtô với hơn 20 công ty và 40 thương hiệu ở Việt Nam vẫn chưa đạt mức mong đợi của các nhà đầu tư và Chính phủ, khi tham chiếu đến tổng công suất lắp ráp hiện tại là gần 500.000 chiếc/năm.

Với tỷ lệ xe ôtô sản xuất nội địa chiếm khoảng 74% trong cơ cấu doanh số toàn ngành hiện nay, công suất sử dụng thực tế nói chung chỉ đạt khoảng 30% tổng công suất thiết kế. Việc không tận dụng được công suất ngành có thể làm các nhà đầu tư lo ngại và thậm chí đặt dấu hỏi đối với khả năng đầu tư mới trong tương lai, báo cáo nêu.

Khuyến nghị của nhóm là ngoài việc bổ sung ngành ôtô và những ngành công nghiệp hỗ trợ cho ôtô vào danh sách các lĩnh vực khuyến khích đầu tư, Chính phủ Việt Nam nên cân nhắc thêm các giải pháp để đẩy nhanh sự tăng trưởng của toàn ngành và nâng cao năng lực cạnh tranh về chi phí lắp ráp/ sản xuất xe trong nước nhằm duy trì ngành công nghiệp ôtô bền vững tại Việt Nam.

Những yếu tố này sẽ giúp thu hút các nhà cung cấp và các nhà đầu tư tới Việt Nam nhằm hỗ trợ cho sự tăng trưởng và phát triển của ngành, báo cáo nêu rõ.

Tin mới

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.