Làm ăn ở Triều Tiên qua chuyện một thương hiệu quần jeans

Kiều Oanh
Câu chuyện của Noko Jeans - một công ty thời trang phương Tây ở Triều Tiên - có lẽ sẽ mang lại nhiều điều thú vị cho độc giả
3 thanh niên Thụy Điển sáng lập nên Noko Jeans - Ảnh: AP.
3 thanh niên Thụy Điển sáng lập nên Noko Jeans - Ảnh: AP.
Trong một động thái gây bất ngờ, vào ngày 29/2 vừa qua, CHDCND Triều Tiên chấp nhận dừng chương trình hạt nhân để đổi lấy một lượng lương thực lớn từ Mỹ. Diễn biến này dẫn tới những tia hy vọng mới về sự giải trừ quân bị trên bán đảo Triều Tiên, cũng như hé mở hơn nữa cánh cửa vào thị trường bị xem là “đóng” nhất thế giới này.

Trên thực tế, đến nay đã có nhiều doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu… tới làm ăn ở Triều Tiên, chấp nhận những rủi ro cao và hy vọng tìm kiếm những cơ hội không phải nơi đâu trên thế giới cũng có.

Theo thống kê của Liên hiệp quốc, tổng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Triều Tiên tính đến năm 2010 là 1,475 tỷ USD, so với mức 1,437 tỷ USD tính đến năm 2009. Viện nghiên cứu Samsung Economic Research ở Seoul cho rằng, còn có 6,5 tỷ USD vốn ngoại nữa chờ đổ vào Triều Tiên từ các kế hoạch xây dựng cảng biển, đường bộ và nhà máy điện ở nước này của các công ty Trung Quốc.

Theo hãng tin Bloomberg, trong số những công ty ngoại quốc đã đặt chân lên đất Triều Tiên thời điểm này có công ty viễn thông Orascom Telecom của Ai Cập, hai công ty sòng bạc và du lịch niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, hãng xi măng Lafarge của Pháp, công ty công nghệ Nosotek, công ty sản xuất quần jeans mang tên Noko Jeans đến từ Thụy Điển, cùng rất nhiều công ty khai mỏ của Trung Quốc.

Câu chuyện của Noko Jeans - một công ty thời trang phương Tây ở Triều Tiên - có lẽ sẽ mang lại nhiều điều thú vị cho độc giả. 5 năm trước, một thanh niên Thụy Điển có tên Tor Rauden Kallstigen đã đặt chân tới Triều Tiên, với đống hành lý đựng những cuộn chỉ may và rất nhiều tiền mặt. Đó là hành trang để người thanh niên này cùng hai người bạn đồng hương khác lập nên Noko Jeans, nhãn hiệu quần áo phương Tây đầu tiên có nhãn “Sản xuất tại Triều Tiên”.

Mới đây, trên trang web của Noko Jeans, các nhà sáng lập của công ty đã kể lại câu chuyện họ đã khởi nghiệp kinh doanh ở Triều Tiên, và đã thất bại như thế nào - mang tựa đề “Maneuvers in the dark” (tạm dịch: “Tìm đường trong bóng tối”). VnEconomy xin giới thiệu câu chuyện này.

“Noko Jeans khởi đầu chừng 5 năm trước, vào mùa hè năm 2007, khi chúng tôi vô tình lạc vào một vài trang web bán chính thức quảng cáo các sản phẩm của Triều Tiên. Ở thời điểm đó, người trẻ nhất trong chúng tôi mới chỉ 21 tuổi, người “già” nhất cũng mới chỉ 23. Bạn có thể nói, chúng tôi là những đứa trẻ. Đúng là chúng tôi lúc đó trẻ con thật.

Khi đó, chúng tôi xem Triều Tiên giống như một thế giới trong tưởng tượng, vì mới chỉ biết tới đất nước này qua những hình ảnh mà giới truyền thông vẫn thường cung cấp như các cuộc diễu binh quân sự, những màn đồng diễn và nhà lãnh đạo của đất nước này. Đó quả là một đất nước huyền bí, khó đoán định và thực sự có một không hai trên thế giới.

Và quan trọng hơn cả, chúng tôi biết rằng, đây là đất nước đóng kín nhất trên thế giới. Vì chỉ biết đến người Triều Tiên qua TV, thật khó để chúng tôi có thể hình dung một cuộc gặp gỡ với họ sẽ như thế nào. Vì tò mò, chúng tôi muốn tự mình khám phá. Chúng tôi coi gặp gỡ với một ai đó có cái nhìn hoàn toàn khác biệt về thế giới là một việc làm tích cực và thú vị. Chúng tôi đã không hiểu được tính chất nghiêm trọng trong vấn đề Triều Tiên và đã hành động hoàn toàn theo cảm tính.

Và chúng tôi gửi bức e-mail đầu tiên tới Triều Tiên, hay chính xác hơn là tới những người tuyên bố đại diện cho Chính phủ Triều Tiên. Sau đó, cuộc hành trình đầy khó khăn và phức tạp của chúng tôi bắt đầu. Không thể kể hết hành trình này trong một trang blog, một đoạn phim hay vài bức ảnh.

Phải mất khoảng một năm chúng tôi cuối cùng mới gặp được đúng người cần gặp và đặt chân được tới Triều Tiên.

Trước đó, chúng tôi mới chỉ gặp gỡ với một số đại diện ngoại giao của Triều Tiên ở Thụy Điển. Họ là đại sứ, chính trị gia và các cố vấn kinh tế. Chúng tôi cũng đã gặp một số quan chức thuộc các tổ chức thương mại của Thụy Điển, những người phì cười và gạt chúng tôi sang bên trước khi chúng tôi kết thúc câu nói đầu tiên. Họ bảo rằng, việc thành lập Noko Jeans là điều không thể, và chúng tôi đi về nhà.

Nhưng một năm sau bức e-mail đầu tiên được gửi đi, chúng tôi thực sự được phép vào Triều Tiên bằng đường ngoại giao. Đây là một “đặc ân” mà rất ít người có được ngoài những tour du lịch bị giám sát ngặt nghèo đặt thông qua các công ty lữ hành.

Do tình hình an ninh ở Triều Tiên, và do chúng tôi tôn trọng sự bảo mật của bè bạn ở nước này, chúng tôi có thể sẽ không bao giờ được tiết lộ cởi mở những gì đã xảy ra trong hành trình này. Nhưng có thể nói rằng, chuyến đi đã thay đổi hoàn toàn quan điểm của chúng tôi về Triều Tiên. Việc tiếp xúc với những con người thật ở đây, có thể nói, đã biến chúng tôi thành những con người khác với chính mình trước khi đặt chân tới nơi này. Dự án Noko Jeans vì thế cũng bất ngờ mang một mục đích sâu sắc hơn những gì chúng tôi hình dung trước đó.

Mùa hè năm 2009, chúng tôi đã sản xuất 1.100 chiếc quần jean đầu tiên gắn nhãn Noko Jeans - tức “quần jeans sản xuất tại Triều Tiên”. Chúng tôi chỉ sản xuất loại quần jeans màu đen, vì người Triều Tiên thường xem màu quần jean xanh đồng nghĩa với nước Mỹ. Đó là một điều gì đó có đôi chút cấm kỵ.

Một ngày lạnh giá giữa tháng 12/2009, chúng tôi bước đi bên ngoài cửa hiệu bách hóa PUB ở thủ đô Stockholm, nơi sản phẩm Noko Jeans của chúng tôi mới bắt đầu được bày bán với giá khoảng 1.500 Kronor, tương đương 220 USD/chiếc. Trước đó, chúng tôi là tâm điểm của một làn sóng truyền thông dậy khắp từ Tokyo tới San Francisco, xuất hiện trên các tạp chí từ thời trang như Vice Fashion tới chính trị như Foreign Policy. Chúng tôi được tung hô. Chúng tôi nhìn về tương lai đầy tích cực.

Nhưng chỉ 24 giờ đồng hồ sau đó, mọi thứ đã sụp đổ. Cửa hiệu PUB rút sản phẩm của chúng tôi khỏi kệ hàng, vì cho rằng, chúng tôi là một “thương hiệu chính trị”. Một trong những nhà ngoại giao Triều Tiên tại Thụy Điển muốn tổ chức ngay một cuộc họp để bàn về tương lai của Noko Jeans. Thậm chí trước khi diễn ra cuộc họp này, chúng tôi đã hiểu vấn đề sẽ như thế nào. Công việc PR là tốt, nhưng không phải là đối với Triều Tiên.

6 tháng sau đó, chúng tôi tiếp tục đàm phán phán để nhận được một quyết định chính thức, có chữ ký từ các quan chức cấp cao của Triều Tiên xác nhận và nhất trí sự hợp tác của chúng tôi. Đó là một tờ quyết định cho phép Noko Jeans thực sự được sản xuất quần jean ở Triều Tiên.

Nhưng tất cả chỉ là vô vọng. Họ không bao giờ ký quyết định đó.

Và hoạt động sản xuất của chúng tôi bị đình chỉ vô thời hạn.

Những chiếc quần jean đầu tiên từ Triều Tiên, sản phẩm từ cuộc thử nghiệm điên rồ của chúng tôi, có thể cũng sẽ là những chiếc quần jean cuối cùng đến từ đất nước này.

Chúng tôi chợt nhận ra rằng, có lẽ mình đã muốn làm những việc ngược đời. Chúng tôi muốn sự minh bạch, muốn kể những câu chuyện về người dân Triều Tiên bình thường, vượt khỏi những đoàn diễu binh hoành tráng. Chúng tôi muốn làm việc này vì chúng tôi đã và vẫn đang tin tưởng rằng, đối thoại với người Triều Tiên là việc nên làm… Triều Tiên đã biệt lập với phần còn lại của thế giới suốt nhiều thập kỷ. Chúng tôi vẫn muốn phá vỡ sự biệt lập đó.

Chúng tôi hy vọng rằng, câu chuyện của mình sẽ đặt ra được câu hỏi xung quanh những vấn đề chính trị vô cùng phức tạp liên quan tới thương mại và lĩnh vực kinh doanh thời trang nói chung.

Những chiếc quần jean mới chỉ là chương đầu của câu chuyện độc đáo và gây tranh cãi này...”.

Tin mới

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.