Lạm phát Mỹ đột biến cao, thị trường tin chắc Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong tháng 3

An Huy
Khả năng Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3 đã tăng lên mức gần 100%...
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.

Lạm phát ở Mỹ trong tháng 1 tăng vượt xa dự báo, cho thấy bức tranh lạm phát ngày càng đáng lo ngại và củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ liên tục nâng lãi suất trong năm nay và bước nhảy lãi suất của cuộc họp tháng 3 có thể sẽ là 0,5 điểm phần trăm thay vì 0,25 điểm phần trăm như dự báo ban đầu.

Báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/2 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của nước này tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/1982. Trước đó, các chuyên gia được Dow Jones khảo sát dự báo mức tăng 7,2%.

BƯỚC NHẢY LÃI SUẤT KHIẾN THỊ TRƯỜNG LO LẮNG

Không tính đến giá năng lượng và thực phẩm, hai nhóm hàng hoá có mức biến động lớn, CPI lõi tháng 1 của Mỹ tăng 6%, cao hơn mức dự báo tăng 5,9%. Đây là mức lạm phát lõi cao nhất của Mỹ kể từ tháng 8/1982.

Nếu so với tháng 12, cả lạm phát chung và lạm phát lõi tháng 1 đều tăng 0,6%, cao hơn mức dự báo tăng 0,4%.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ bùng nổ sau báo cáo lạm phát nói trên do nhà đầu tư tin rằng tình hình lạm phát nóng như thế này sẽ buộc Fed phải hành động quyết liệt trong thắt chặt chính sách tiền tệ. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm nhảy vọt qua ngưỡng chủ chốt 2%, mức cao nhất kể từ tháng 8/2019.

Khả năng Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3 đã tăng lên mức gần 100%, từ mức chỉ 25% trước khi báo cáo lạm phát được công bố. Khả năng Fed có 6 đợt nâng lãi suất trong năm nay tăng lên mức 63%, từ mức 53% trước đó – theo dữ liệu của CME.

Thậm chí, thị trường cũng đang tính đến khả năng 61% Fed có 7 đợt nâng lãi suất trong năm nay, đồng nghĩa với trong tất cả các cuộc họp chính sách trong năm 2022, lần nào Fed cũng nâng lãi suất.

Những con số về lạm phát nóng được đưa ra vào thời điểm nền kinh tế Mỹ đang ở giữa ngã ba đường. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ được dự báo sẽ giảm đáng kể trong năm nay, sau khi đạt mức ấn tượng 5,7% trong năm ngoái, do không còn các biện pháp kích cầu bằng chính sách tài khoá và tiền tệ. Tăng trưởng của năm nay vẫn được dự báo cao hơn xu hướng trước đại dịch, nhưng nếu Fed tăng lãi suất mạnh tay để chống lạm phát, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể gặp khó.

Lạm phát Mỹ đột biến cao, thị trường tin chắc Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong tháng 3 - Ảnh 1

Xăng dầu là một trong những “thủ phạm chính” gây lạm phát cao ở Mỹ. Trong tháng 1, giá xăng dầu ở nước này tăng 9,5% so với tháng 12 và tăng 46,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá năng lượng nói chung ở nước này tăng 0,9% trong tháng và tăng 27% trong cả năm.

Giá ô tô, nhóm mặt hàng liên tục leo thang từ mùa xuân năm ngoái, gần như đi ngang đối với xe mới và tăng 1,5% đối với xe đã qua sử dụng. Trong vòng 12 tháng, hai nhóm này tăng tương ứng 12,2% và 40,5%.

Giá nhà ở, nhóm đóng góp khoảng 1/3 CPI của Mỹ, chỉ tăng 0,3% trong tháng 1, mức tăng thấp nhất từ tháng 8/2021, nhưng tăng 4,4% cả năm và có thể tiếp tục gây lạm phát cao ở Mỹ trong thời gian tới.

Giá lương thực - thực phẩm tăng 0,9% trong tháng và tăng 7% cả năm.

ĐỘNG THÁI CHƯA TỪNG CÓ TỪ NĂM 2000

Sự kết hợp giữa giá lương thực – thực phẩm và giá nhà ở cao hơn “khẳng định quan điểm của chúng tôi rằng sự tăng tốc nhanh chóng có tính chu kỳ của lạm phát sẽ tiếp diễn, và với các điều kiện trên thị trường lao động đang thắt chặt, lạm phát khó có thể sớm giảm”, chuyên gia kinh tế cấp cao Andrew Hunter của Capital Economics nhận định, cho rằng lạm phát ở Mỹ sẽ tiếp tục cao hơn nhiều so với mục tiêu của Fed trong một thời gian nữa.

Trong một báo cáo, các chuyên gia của Citigroup cho rằng Fed sẽ nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3. Trước đó, vào hôm 28/1, Citigroup còn dự báo Fed nâng lãi suất 5 lần trong năm nay và mỗi lần nâng 0,25 điểm phần trăm.

Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullard, nói với hãng tin Bloomberg rằng ông để ngỏ khả năng Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong tháng 3. Ông cũng nói muốn lãi suất đến tháng 7 sẽ tăng 1 điểm phần trăm so với hiện tại. Từ nay đến tháng 7, Fed có 3 cuộc họp chính sách, nên với mức tăng lãi suất như ông Bullard mong muốn, Fed sẽ phải có ít nhất một đợt tăng 0,5 điểm phần trăm.

Từ năm 2000 đến nay, Fed chưa có một lần nâng lãi suất nào với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm – trang CNN Business cho hay.

“Chi tiết của báo cáo CPI tháng 1 cho thấy lạm phát lõi duy trì trên 6% và đang lan rộng, thay vì giảm tốc như Fed đã dự báo trước đó”, Citigroup nhận định. “Chúng tôi giờ đây dự báo Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3, tiếp theo là các đợt nâng 0,25 điểm phần trăm trong tháng 5, 6, 9 và 12”.

Citgroup cũng dự báo Fed sẽ nâng lãi suất thêm 3 lần trong năm 2023, sau khi nâng lãi suất tổng cộng 1,5 điểm phần trăm trong năm nay.

Fed hạ lãi suất tham chiếu (fed funds rate) về khoảng 0-0,25% vào đầu năm 2020 để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua cú sốc do Covid-19 gây ra.

“Khả năng có một đợt tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm đang cao”, chuyên gia về kinh tế Alexander Lin của ngân hàng Bank of America nhận định.

Ngân hàng này đã dự báo Fed có 7 lần nâng lãi suất trong năm nay, mỗi lần nâng 0,25 điểm phần trăm, bắt đầu từ tháng 3. Tuy nhiên, sau báo cáo lạm phát ngày thứ Năm, ông Lin nói rằng Fed cần một động thái quyết liệt hơn để kiểm soát đà leo thang của giá cả.

“Mục tiêu là tạo ra một cú hạ cánh mềm cho nền kinh tế”, ông Lin nói. “Điều đó đồng nghĩa với việc đẩy lùi nền kinh tế tới mức đủ để đưa tăng trưởng về dưới ngưỡng mà họ cho là xu hướng”.

Ngoài ra, Fed cũng muốn tránh việc nâng lãi suất quá nhanh đến mức khiến giới đầu tư hoảng loạn, vì nhà đầu tư đang quen với lãi suất siêu thấp. “Fed không muốn thị trường phải bất ngờ vì Fed. Fed muốn mọi thứ đều được phản ánh hết trên thị trường trước khi họ hành động”, ông Lin nói.

Tin mới

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang gửi nhiều xe điện đến châu Âu hơn mức họ có thể bán, dẫn đến hàng nghìn chiếc trong số đó phải “tạm trú” ở các bến cảng. Tình trạng này khiến các nhà khai thác cảng không hài lòng vì tình trạng dư thừa ô tô của Trung Quốc đang cản trở các hoạt động khác của cảng. Một số người nói rằng chúng không còn là cảng nữa mà là bãi đậu xe cho xe điện Trung Quốc mới đến.
Những xu hướng của pin xe điện trong tương lai

Những xu hướng của pin xe điện trong tương lai

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang trải qua quá trình chuyển đổi cơ bản từ động cơ đốt trong sang hệ truyền động điện khí hóa. Quá trình này hiện đang trải qua một số khó khăn ngày càng tăng, nhưng sự phát triển của công nghệ pin xe điện (EV) thế hệ tiếp theo vẫn tiếp tục tiến triển không suy giảm.
Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thị trường ô tô Việt Nam được xác định đã “tạo đáy” trong ngắn hạn. Một số chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm phù hợp cân nhắc áp dụng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và gia tăng sản lượng. Trong đó, giảm lệ phí trước bạ luôn là chính sách được nhà sản xuất, đại lý phân phối và người tiêu dùng mong đợi.
Sắp hết ưu đãi 100% lệ phí trước bạ, cơ hội nào cho xe điện tại Việt Nam?

Sắp hết ưu đãi 100% lệ phí trước bạ, cơ hội nào cho xe điện tại Việt Nam?

Thị trường ô tô điện tại Việt Nam có thể gặp thách thức vào năm 2025, khi ưu đãi về lệ phí trước bạ giảm xuống một nửa. Khoảng thời gian còn lại chỉ vừa đủ để các nhà sản xuất ô tô ra mắt những mẫu xe mới, phát triển hệ thống đại lý phân phối và gia tăng nhận diện thương hiệu tới người tiêu dùng.