Ngành ôtô và bài học từ Hyundai

Mai Phương
Trong suy nghĩ của nhiều người, ngành công nghiệp ôtô Mỹ lúc này đang đứng ở điểm mà Hyundai đứng cách đây 10 năm
 Thị phần của Hyundai tại thị trường xe hơi Mỹ đã tăng lên mức 4% trong năm nay, từ mức 3% trong năm ngoái, một sự chuyển biến tích cực nếu xét tới doanh số của toàn ngành công nghiệp ôtô Mỹ lao dốc - Ảnh: Getty.
Thị phần của Hyundai tại thị trường xe hơi Mỹ đã tăng lên mức 4% trong năm nay, từ mức 3% trong năm ngoái, một sự chuyển biến tích cực nếu xét tới doanh số của toàn ngành công nghiệp ôtô Mỹ lao dốc - Ảnh: Getty.
Khi hãng ôtô Hàn Quốc Hyundan lần đầu ra mắt tại thị trường Mỹ với chiếc xe hiệu Excel vào năm 1986, giá của chiếc xe này chưa đầy 5.000 USD, thấp hơn từ 1.000-2.000 USD so với những chiếc xe tương tự đã có sẵn ở thị trường này.

Bị hấp dẫn bởi mức giá hời của chiếc Excel và tin tưởng ở chất lượng của hàng châu Á, người Mỹ đã tiêu thụ gần 264.000 chiếc xe này trong năm đầu tiên ra mắt.

Nhưng rắc rối sau đó đã nhanh chóng xuất hiện, mà ban đầu là việc sơn xe bong tróc ra từng mảng. Thậm chí, ông Jonathan Linkov, biên tập mảng ôtô của tạp chí Consumer Reports, còn nhớ là đã chứng kiến một chiếc Excel với một bánh bị rời hẳn ra khi rẽ hướng đi.

Vì vậy, thành công ban đầu của Hyundai tại Mỹ với chiếc xe này nhanh chóng tan biến như bong bóng xà phòng và hãng xe này bị xếp vào nhóm những hãng xe “hạng bét” tại Mỹ trong suốt nhiều năm ròng rã.

Hiện nay, tình cảnh của General Motors (GM) và Chrysler cũng chẳng khá khẩm hơn Hyundai khi đó. Hai hãng xe hàng đầu nước Mỹ cách đây chưa lâu đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau một thời gian thua lỗ kéo dài. GM dự kiến, để cạnh tranh trở lại, sau khi hoàn tất quá trình tái cơ cấu, hãng sẽ tung ra 11 mẫu xe mới trong vòng 2 năm rưỡi tới đây, đồng thời dũng phải bán lại và đóng cửa một số thương hiệu, cũng như giải tán gần 2.000 nhà phân phối.

Về phần mình, Chrysler gánh trọng trách thu hút khách hàng cho những sản phẩm mới sẽ được sản xuất cùng đối tác châu Âu Fiat vốn còn xa lạ với thị trường Mỹ.

Giữa lúc danh tiếng và sự thịnh vượng của ngành công nghiệp ôtô Mỹ sụt giảm nghiêm trọng, Hyundai lại khởi sắc tại thị trường này. Tháng trước, một nghiên cứu về chất lượng xe hơi của hãng J.D. Power đã xếp Hyundai trước cả Honda và Toyota, và chỉ đứng sau những thương hiệu xe siêu sang như Lexus, Porsche và Cadillac.

Thị phần của Hyundai tại thị trường xe hơi Mỹ đã tăng lên mức 4% trong năm nay, từ mức 3% trong năm ngoái, một sự chuyển biến tích cực nếu xét tới doanh số của toàn ngành công nghiệp ôtô Mỹ lao dốc.

Vậy đâu là bí quyết trở lại của Hyundai? Đơn giản chỉ là hãng xe này đã sản xuất ra những chiếc xe tốt hơn và dần biến mình từ một hãng xe bị chê cười thành một hãng xe được ca ngợi.

“Đúng là trong những năm đầu tiên tới Mỹ, Hyundai còn chưa thực sự chú trọng tới vấn đề chất lượng”, ông John Krafcik, Giám đốc điều hành của hãng tại Mỹ, thú nhận. Ông cho biết, sau đó, Hyundai đã kiên trì đầu tư mạnh cho sản phẩm.

Tới năm 1998, Hyundai áp dụng các mức giới hạn bảo hành 10 năm, 100.000 dặm cho động cơ và 5 năm, 60.000 dặm cho xe. Mức bảo hành này vượt mức chuẩn 36.000 dặm mà ngành công nghiệp ôtô Mỹ áp dụng cùng thời gian đó.

Trong lần khủng hoảng này, giữa lúc các giám đốc của “tam đại gia” GM, Ford và Chrysler bay trên những chiếc máy bay phản lực riêng để tới xin tiền cứu trợ ở Quốc hội Mỹ, Hyundai lại nhanh chóng tung a một chương trình mới cho phép những khách hàng thất nghiệp mua xe và có thể trả lại xe nếu sau một thời gian nhất định không kiếm được việc làm. Mới đây, hãng còn khởi động một chương trình mới, đảm bảo cho những khách hàng đi xe Hyundai được mua xăng với giá 1,49 USD/gallon trong vòng 1 năm.

Ông David Sargent, Phó chủ tịch mảng nghiên cứu thị trường ôtô của J.D. Power cho rằng, công thức của Hyundai tại thị trường Mỹ đã đem lại hiệu quả, tạo ra “sự cải thiện chất lượng nhanh chóng” trong vòng 6 năm trở lại đây. “Họ đang mở rộng dòng sản phẩm và cạnh tranh ở những lĩnh vực mà 10 năm trước họ dường như không thể”, ông Sargent nói.

Trong suy nghĩ của nhiều người, ngành công nghiệp ôtô Mỹ lúc này đang đứng ở điểm mà Hyundai đứng cách đây 10 năm. Cái khó là những hãng ôtô đã đi sai hướng không thể nhanh chóng trở lại đúng hướng được. “Điều này cần sự kiên nhẫn”, Giáo sư Martin Zimmerman thuộc Trường kinh doanh Stephen M. Ross School của Đại học Michigan, nói.

Đối với Chrysler, sự kiên nhẫn và thời gian đều thiếu, mặc dù một người phát ngôn của Chrysler cho hay, họ cũng nhận thức được rằng, để có thể cạnh tranh trở lại, chất lượng là vấn đề then chốt. Thêm vào đó, với việc xuất hiện bên cạnh đối tác mới là Fiat, Chrysler cũng cần gửi đi một thông điệp rõ ràng về thương hiệu của mình.

Chiến lược của GM chính là những gì mà các chuyên gia khuyến cáo, đó là chứng tỏ sự cải thiện chất lượng liên tục. Nhiều mẫu xe của GM đã được nghiên cứu của J.D. Power đánh giá cao ở các hạng mục xe tương ứng.  Tuy nhiên, bà Susan Docherty, Phó chủ tịch phụ trách các thương hiệu Buick, Pontiac và GMC của GM, thừa nhận, danh tiếng của hãng đã chịu một tổn thất lớn.

(Theo Newsweek)

Tin mới

Các nhà sản xuất ô tô đang thiết lập chiến lược cho lượng khí thải carbon bằng 0 như thế nào?

Các nhà sản xuất ô tô đang thiết lập chiến lược cho lượng khí thải carbon bằng 0 như thế nào?

Trong lĩnh vực ô tô, hầu hết các OEM đều đặt mục tiêu đạt mức 0 ròng vào năm 2050, nhưng báo cáo và tiêu chuẩn về lượng khí thải vẫn còn yếu. Áp lực pháp lý sắp tới đối với lượng khí thải sẽ yêu cầu các công ty cải thiện việc báo cáo lượng khí thải và quản lý các chiến lược không phát thải thực tế hơn.