"Ngày tàn" của xe SUV đang đến?

Kiều Oanh
Mới chỉ 15 năm trước, SUV được coi là “kẻ thống trị” và đem đến những khoản lợi nhuận kỷ lục cho công nghiệp xe hơi Mỹ
Mẫu SUV XC90 của Volvo.
Mẫu SUV XC90 của Volvo.
Dòng xe thể thao đa dụng (SUV) từng một thời làm mưa làm gió trên trái đất như loài khủng long, nhưng hình như những chiếc xe này đã tồn tại lâu quá mức cần thiết.

Chưa bao giờ, ngành công nghiệp ôtô lại phải đối mặt với tình cảnh khó khăn với mức độ gia tăng theo cấp số nhân như hiện nay, khi mà các tiêu chuẩn về khí thải ngày càng nghiêm ngặt hơn. Do đó, các hãng xe hơi đang phải tính toán lại kế hoạch tung ra các mẫu xe mới của mình. Kết quả là không ít mẫu SUV đã trở thành dĩ vãng.

"Nạn nhân" mới đây nhất là chiếc XC90 của Volvo. Hãng xe hơi Thụy Điển này cho biết đang chuẩn bị thực thi “cái chết nhân đạo” cho mẫu SUV khá phổ biến này. Trước đó, Volvo có kế hoạch nâng cấp XC90 và tung ra thị trường vào năm 2010. Tuy nhiên, kế hoạch trên đã bị hủy bỏ vì hãng không có động cơ hybrid nào để lắp cho XC90. Đối với một hãng xe hơi đề cao tính thân thiện với môi trường như Volvo, sự thiếu vắng động cơ hybrid có thể gây ra tác động rất xấu đối với hình ảnh của hãng.

Do đó, Volvo dự tính đến năm 2012 sẽ chính thức ngừng sản xuất chiếc SUV từng một thời làm mưa làm gió trên thị trường và đem lại cho hãng những khoản lợi nhuận béo bở.

Cùng bị “treo giò vĩnh viễn” với XC90 còn có một số cái tên quen thuộc khác. Có nguồn tin cho hay, hãng General Motors (GM) cũng đã quyết định sẽ không thay thế các mẫu xe Chevy TrailBlazer và GMC Envoy khi những mẫu này bị dừng xuất xưởng vào năm 2010. Lexus cũng sẽ không có “người kế nhiệm” cho FX470 khi “kẻ nghiện xăng” này “ra đi” sau loạt xuất xưởng của đời 2009.

“Các hãng xe hơi buộc phải làm thế, vì đó là điều mà người tiêu dùng muốn”, John Wolkonowicz, một nhà phân tích lâu năm trong ngành công nghiệp xe hơi, nhận xét.

Các hãng sản xuất xe hơi khác cũng đang nỗ lực cải tiến những chiếc SUV lỗi thời thành những chiếc SUV “kiểu mới” - được biết đến với cái tên crossover, với trọng lượng nhỏ hơn và tiết kiệm xăng hơn.

Túi tiền của cả khách hàng lẫn các hãng xe hơi đều sẽ vơi đi nhiều hơn vì sự thay đổi này. Chuyển sang sản xuất những chiếc SUV kiểu mới là việc làm tốn kém đối với các nhà sản xuất, vì họ phải bỏ đi quy trình sản xuất xe SUV với chi phí thấp và thay thế bằng quy trình sản xuất mới. Chi phí tăng thêm này một phần lớn sẽ do người tiêu dùng phải gánh chịu. Thêm vào đó là những chi phí phục vụ cho việc đáp ứng các tiêu chuẩn mới về nhiên liệu.

Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, đây thực sự là một kết thúc buồn cho “kỷ nguyên SUV”. Mới chỉ 15 năm trước, SUV được coi là “kẻ thống trị” và đem đến những khoản lợi nhuận kỷ lục cho công nghiệp xe hơi Mỹ. Giờ đây, chiếc xe SUV phổ biến nhất của thời hoàng kim này, là chiếc Ford Explorer, cũng đang tiến gần tới ngày cuối cùng của nó. Trong nhiều năm qua, chiếc xe này đã lao đao vì nhược điểm “uống xăng như nước lã” cùng nhiều sự cố khác về chất lượng.

Chiếc Explorer từ lâu đã trở thành cái bóng của chính nó vào thời hoàng kim. Khi đó, doanh số của chiếc xe này là 400.000 xe/năm, còn hiện nay, con số này đã giảm xuống quá nửa. Ford sẽ vẫn giữ lại cái tên Explorer, nhưng cái tên này sẽ dành cho một chiếc xe 4 chỗ khác. Số phận của những “bạn bè” khác của Explorer như Chrysler Aspen và Dodge Durango cũng sẽ diễn biến tương tự.

Với những chiếc crossover, người tiêu dùng sẽ được lợi nhiều hơn, vì những chiếc xe này là sự kết hợp giữa các chức năng của chiếc SUV đã già nua và những ưu điểm trong điều khiển của một chiếc xe 4 chỗ. Chuyên gia Wolkonowicz cho rằng, xu hướng dịch chuyển từ xe SUV sang xe 4 chỗ sẽ giúp xe giảm trọng lượng đáng kể. Trọng lượng nhỏ hơn, cùng với lực xe được tăng cường do gầm thấp hơn, sẽ giúp tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu.

Tuy nhiên, những ai yêu thích những chiếc xe “hầm hố” vẫn sẽ trung thành với Jeep Wrangler, Hummer, Chevy Tahoe, Suburban hay Ford Expedition - những chiếc xe vẫn sẽ giữ nguyên bản sắc SUV của mình. GM đã tìm ra con đường riêng để giữ một số mẫu SUV của hãng. Hãng này đã thiết kế một động cơ hybrid chạy xăng - điện cho chiếc Tahoe để giúp mẫu SUV này có độ tiết kiệm nhiên liệu ngang với chiếc Toyota Camry.

(Theo CNN)

Tin mới

Vì sao Xiaomi quyết tâm nhảy vào thị trường xe điện?

Vì sao Xiaomi quyết tâm nhảy vào thị trường xe điện?

Xiaomi, một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, đã nhảy vào thị trường xe điện, tung ra mẫu xe có giá chỉ bằng một nửa so với xe điện do Tesla của Mỹ và Porsche của Đức cung cấp, mặc dù mang lại hiệu suất tốt hơn các thương hiệu uy tín đó.
#Auto Hashtag: Bí ẩn đằng sau quyết định sa thải hàng loạt nhân sự của ông chủ Tesla

#Auto Hashtag: Bí ẩn đằng sau quyết định sa thải hàng loạt nhân sự của ông chủ Tesla

Một sự kiện gây xôn xao làng xe thế giới những ngày gần đây: Tỷ phú Elon Musk, ông chủ Tesla vừa quyết định sa thải 500 nhân sự ở mảng kinh doanh trạm sạc Supercharger. Lý do nào đi đến quyết định bất ngờ này? Elon Musk đang suy tính điều gì? Và việc kinh doanh dịch vụ trạm sạc có còn là “miếng bánh ngọt” dành cho các hãng ô tô trên thế giới cũng như tại Việt Nam hay không? Hãy cùng chúng tôi phân tích chủ đề này trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay!
Tháng 4, ô tô nhập khẩu về Việt Nam bất ngờ quay đầu lao dốc

Tháng 4, ô tô nhập khẩu về Việt Nam bất ngờ quay đầu lao dốc

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lượng xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong tháng 4/2024 ước đạt 12.500 chiếc, giá trị 244 triệu USD. Trước đó, vào tháng 3, số lượng xe nhập khẩu là 15.860 chiếc có giá trị kim ngạch 330 triệu. Như vậy, so với tháng liền kề, ô tô nhập khẩu trong tháng 4/2024 giảm 21,2% về lượng và 26,1% về giá trị.