Nhập khẩu ôtô chính thức về “đáy” hai năm

Đức Thọ
Lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu tháng vừa qua đã chính thức chạm mức “đáy” trong vòng hai năm trở lại đây
Nhóm xe hạng sang ngay từ ban đầu đã được các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối theo kênh chính hãng - Ảnh: Đức Thọ.
Nhóm xe hạng sang ngay từ ban đầu đã được các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối theo kênh chính hãng - Ảnh: Đức Thọ.
Tổng cục Thống kê vừa cho biết, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc tháng 8/2011 chỉ đạt 3.000 chiếc về lượng và 79 triệu USD về giá trị.

Như vậy, lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu tháng vừa qua đã chính thức chạm mức “đáy” trong vòng hai năm trở lại đây. Mức thấp nhất của 2 năm là 3.000 chiếc được thiết lập vào tháng 2/2010.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, ước tính trong tháng 9/2011, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc sẽ giữ nguyên số lượng trong khi giảm giá trị khoảng 19 triệu USD. Cộng dồn 9 tháng đầu năm nay, lượng ôtô nhập khẩu đạt 44.000 chiếc, tương ứng giá trị kim ngạch 840 triệu USD, tăng 20,3% về lượng và 22,1% về giá trị so với cùng kỳ 2010.

Tuy nhiên, có một số dự báo lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu trong tháng cuối cùng của quý 3 nhiều khả năng sẽ phá “đáy”, tức thấp hơn mốc 3.000 chiếc. Nhận định này có cơ sở khi các loại xe nhập khẩu không chính hãng vẫn tiếp tục bị chặn bởi Thông tư 20 của Bộ Công Thương. Trong khi đó, việc con số thực hiện thấp hơn con số ước tính (tương tự tháng 8) là hoàn toàn có thể xảy ra khi số liệu đã được cập nhật đầy đủ.

Điểm khác biệt về kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc trong vòng 2 năm trở lại đây là sự mất cân đối giữa số lượng với giá trị. Nếu như kim ngạch tháng 2/2010 có số lượng 3.000 chiếc và 45 triệu USD giá trị thì trong tháng 8/2011, số lượng vẫn giữ nguyên trong khi giá trị lại vượt lên mức 79 triệu USD. Có thể thấy, mặc dù lượng ôtô nhập khẩu có thể tăng hoặc giảm song hầu như giá trị kim ngạch luôn tăng lên vào các tháng liền sau.

Hiện tượng này cũng có thể được lý giải bởi một thực tế. Đó là do quá trình phân công của thị trường, các loại xe nhập khẩu dần hướng vào nhóm xe hạng sang có giá trị cao trong khi nhóm xe bình dân có giá trị thấp hơn ngày càng phụ thuộc vào các nhà sản xuất ôtô trong nước. Sự phân công này càng rõ nét hơn khi Thông tư 20 của Bộ Công Thương có hiệu lực.

Thực tế là cách đây 2 năm, khối doanh nghiệp thương mại chủ yếu nhập khẩu các dòng xe bình dân như Daewoo Lacetti, Toyota Yaris, Hyundai Getz, Hyundai i30… Các loại xe này luôn được nhập khẩu về nước với số lượng lớn trong khi giá trị không cao. Tuy nhiên, sau khi Thông tư 20 được ban hành, nhóm xe này hầu như bị chặn lại hoàn toàn bởi không phải xe chính hãng, theo đó nhường “sân” lại cho các hãng xe trong nước.

Trong khi đó, nhóm xe hạng sang ngay từ ban đầu đã được các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối theo kênh chính hãng. Và khi Thông tư 20 có hiệu lực, khối doanh nghiệp này có thể ung dung chiếm lĩnh thị trường. Nhóm xe này càng “dễ thở” hơn bởi các nhà sản xuất trong nước chưa đủ năng lực để lắp ráp.

Điểm mặt đặt tên các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng hiện nay cũng có thể thấy khá rõ sự áp đảo của xe nhập khẩu hạng sang. Đó là nhóm xe cao cấp với Audi, BMW, Mercedes, Porsche, Land Rover… với thị phần ngày càng mở rộng và hoạt động kinh doanh, marketing bài bản, quy mô. Nhóm xe còn lại chỉ gồm vài ba cái tên như Renault, Subaru hay Volswagen. Ở nhóm này, ngoài Renault cho thấy khả năng mở rộng thị trường thì những cái tên còn lại thậm chí đang có nguy cơ “chỉm nghỉm”.

Kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc 4 tháng gần đây

Lượng (chiếc) Giá trị (triệu USD)
Tháng 6/20117.000122
Tháng 7/20114.00072
Tháng 8/20113.00079
Tháng 9/2011 (ước tính)3.00060
9 tháng 2011 (ước tính)44.000840
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tin mới

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Từng là biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô thế giới, những năm gần đây, vị thế của dòng xe sedan đang bị thử thách bởi sự tăng trưởng mạnh của dòng xe SUV, MPV. Tại Việt Nam, doanh số sedan liên tục sụt giảm, khiến cuộc cạnh tranh trong từng phân khúc ngày càng trở nên khốc liệt hơn.