“Nhạt” dần thị trường xe máy trong nước

Đức Thọ
Với một thị trường được đánh giá là đã bước vào điểm bão hoà thì sự nhạt nhẽo có lẽ cũng là điều dễ hiểu
Sức mua của mẫu xe tay ga Yamaha Nozza chưa thực sự tương xứng với sự ồn ào trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.<br>
Sức mua của mẫu xe tay ga Yamaha Nozza chưa thực sự tương xứng với sự ồn ào trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.<br>
Quy mô thị trường vẫn nằm trong nhóm đầu thế giới với trên dưới 3 triệu chiếc bán ra mỗi năm. Thế nhưng, thị trường xe máy Việt Nam lại đang cho thấy dấu hiệu “nhạt” dần.

Cạn ý tưởng

Theo thống kê từ Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), tổng sản lượng bán hàng trên toàn thị trường trong năm tài chính 2014 của 5 hãng xe lớn gồm Honda, Yamaha, Piaggio, SYM và Suzuki đạt 2,71 triệu chiếc.

Trong đó, riêng lượng xe Honda bán ra đã đạt hơn 1,9 triệu chiếc.

Cần thừa nhận rằng trong 5 “đại gia” này thì Honda vẫn là cái tên đáng chú ý nhất, vẫn là thương hiệu chi phối, dẫn dắt thị trường khi chiếm đến 70% thị phần. Ngoài lực lượng sản phẩm hùng hậu nhất thì ở hầu hết các phân khúc, Honda hiện cũng đang duy trì vị thế dẫn đầu về sản lượng bán hàng.

Thị trường lớn, song xem ra từ vài ba năm trở lại đây, bản thân từng hãng xe cũng đang thể hiện dấu hiệu cạn dần những ý tưởng sản phẩm.

Tại lễ tổng kết năm tài chính 2014, Tổng giám đốc Honda Việt Nam, ông Minoru Kato cho biết sẽ tung ra thị trường khoảng 10 mẫu xe mới trong năm tài chính 2015, tính từ thời điểm tháng 4/2015 đến hết tháng 3/2016. Tuy nhiên, đây cũng đều là các phiên bản nâng cấp chứ không phải xe mới hoặc thế hệ hoàn toàn mới.

Hay như hãng xe có thị phần lớn thứ hai là Yamaha. Dù danh mục sản phẩm của thương hiệu này tại Việt Nam còn khá mỏng, nhiều phân khúc vẫn bỏ ngỏ song số lượng xe mới ra mắt thị trường trong khoảng 3 năm trở lại đây thực sự không đáng kể.

Đình đám như mẫu xe tay ga Nozza và Nozza Grande song cũng chỉ hầu như ồn ào trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội do chiến lược marketing của hãng, chứ sức mua thực tế trên thị trường lại chưa cho thấy sức hút tương xứng.

Vừa qua, hãng xe Nhật Bản này đã tung ra thị trường phiên bản xe côn tay Exciter 150 Camo. Thực tế phiên này không mới, chỉ là sự “vẽ vời” ngoại thất theo phong cách nhà binh. Dẫu sao, Exciter vẫn đang là mẫu xe đình đám nhất của Yamaha tại thị trường Việt Nam, vẫn là điểm “bấu víu” chắc chắn nhất khi nhắm vào nhóm khách hàng trẻ tuổi.

Trong khi đó, mẫu xe số từng một thời làm mưa làm gió trên thị trường là Jupiter lại dần đi vào lãng quên; Sirius, Nouvo hay Luvias cũng không còn sức hấp dẫn và đang ngày càng vắng bóng trên thị trường; thậm chí mẫu xe Cuxi từng được giới thiệu sẽ tạo nên một trào lưu mới trong giới trẻ song cũng đã sớm “chết yểu”.

Trông chờ phân khúc mới?

Mặc dù vậy, Honda và Yamaha vẫn cứ là hai thương hiệu đáng chú ý nhất, chi phối nhiều phân khúc trên thị trường. Điều này cũng ít nhiều xuất phát từ sự phân chia ngầm định vị khách hàng. Nếu như Honda trung hoà, giản dị và thực dụng, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau thì Yamaha nhắm tới giới trẻ yêu thích phong cách thể thao trên từng mẫu xe.

Cũng bởi sự định vị khác nhau nên một hãng xe đáng chú ý khác là Piaggio dù không đạt sản lượng bán hàng lớn song cũng có “khoảng trời” riêng của mình. Thành công của Piaggio phần lớn đến từ giá trị thương hiệu và phong cách thời trang chứ không phụ thuộc nhiều vào giá trị sử dụng.

Với một thị trường xe máy phổ thông được đánh giá là đã bước vào điểm bão hoà thì sự nhạt nhẽo có lẽ cũng là điều dễ hiểu. Tính đến thời điểm này, hầu hết các mẫu xe hiện tại đều ở độ tuổi “nửa chừng xuân”, chưa đến lúc cần phải thay thế bằng một thế hệ hoàn toàn mới. Trong khi đó, danh mục sản phẩm hiện cũng đã quá chật chội và sức mua không thể tăng, ít nhất là đủ tạo nhu cầu cho các hãng xe đầu tư bổ sung sản phẩm hoàn toàn mới vào danh mục.

Do vậy, việc các hãng xe chỉ loay hoay với việc quết thêm vài nét sơn như Yamaha hay thay vài mẫu tem dán, đổi chất liệu sơn như Honda xem ra cũng chỉ là vạn bất đắc dĩ.

Nói vậy không có nghĩa thị trường xe máy không còn khoảng trống để các hãng xe gây “ồn ào”. Đó chính là những sản phẩm nhắm đến các nhóm đối tượng khách hàng hẹp hơn, khu biệt hơn, cá tính hơn. Chẳng hạn như các loại xe côn tay thể thao, xe phân khối lớn…

Các phân khúc sản phẩm này đang ngày càng sôi động hơn với sự góp mặt của một loạt các thương hiệu mới như Ducati, Harley Davidson, Benelli, Kawasaki, KTM…

Thế nhưng, điểm dễ nhận thấy là khu vực bắt đầu trở nên ồn ào này lại tuyệt đại đa số là xe nhập khẩu nguyên chiếc chứ không phải cuộc chơi của các nhà sản xuất trong nước. Và như thế, sự phong phú hay nhạt nhẽo lại không phụ thuộc vào bản thân ngành xe máy trong nước mà chỉ là một sân chơi nhỏ của xe nhập khẩu.

Tin mới

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.