Ôtô sống còn vì thuế?

Đức Thọ
Một vấn đề nóng đang được đặt ra hiện nay là chính sách thuế có ảnh hưởng thế nào đến “số phận” của ngành ôtô Việt Nam?
Nếu để các liên doanh phân phối xe nguyên chiếc, giá xe trong nước nói chung cũng sẽ không giảm hơn hiện nay - Ảnh: Đức Thọ.
Nếu để các liên doanh phân phối xe nguyên chiếc, giá xe trong nước nói chung cũng sẽ không giảm hơn hiện nay - Ảnh: Đức Thọ.
Một vấn đề nóng đang được đặt ra hiện nay là chính sách thuế có ảnh hưởng thế nào đến “số phận” của ngành ôtô Việt Nam? Những phân tích và số liệu dưới đây hy vọng có thể sẽ giải đáp được phần nào câu hỏi này.

“Theo bạn giá ôtô sẽ giảm mạnh nếu: Giảm nhanh thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc; Giảm nhanh thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng; Bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt; Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa xe sản xuất trong nước; Cho phép các liên doanh nhập khẩu xe nguyên chiếc”. Đó là nội dung cuộc thăm dò ý kiến độc giả trên VnEconomy về vấn đề giá ôtô trong nước.

Sau hơn một tháng, tính đến 15 giờ 20 phút ngày 29/11 đã có có 1.977 phiếu bình chọn. Trong đó có đến 1.112 ý kiến (chiếm 56, 25%) cho rằng để giảm giá ôtô trong nước cần phải bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt; 608 ý kiến (30,75 %) cho rằng giảm nhanh thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc là biện pháp hữu hiệu nhất; 104 độc giả (chiếm 5,26%) đồng ý giải pháp giảm nhanh thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng; 96 độc giả (4,86%) cho rằng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa xe sản xuất trong nước sẽ làm giảm giá xe; chỉ có 57 độc giả (2,88%) đồng ý với việc cho phép các liên doanh ôtô trong nước nhập khẩu và phân phối xe nguyên chiếc.

Vậy là có đến 92,26% độc giả đồng ý với các giải pháp về thuế. Tỷ lệ áp đảo này đã phần nào khẳng định tầm ảnh hưởng quyết định của thuế lên giá ôtô. Một số tính toán cũng đã cho thấy thuế đang chiếm trên dưới 50% giá bán của các loại ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước.

Tại bản dự thảo báo cáo thực hiện chiến lược, quy hoạch ôtô Việt Nam do Bộ Công Thương thực hiện, chính sách thuế cũng đã được coi như một “cây gậy” tác động đến tương lai của ngành ôtô. Theo đó, Bộ Công Thương cũng đã có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ trên các 3 sắc thuế đối với ôtô là thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu xe đã qua sử dụng.

Sự ảnh hưởng của thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc là rõ ràng bởi đây cũng chính là một trong những giải pháp cơ bản được Bộ Tài chính áp dụng nhằm tác động đến giá ôtô nội địa. Minh chứng là trong năm 2007, Bộ Tài chính đã 3 lần tiến hành giảm thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc. Trong đó đáng chú ý là 2 lần giảm liên tục trong tháng 8 và tháng 10, đưa thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ mức 80% xuống còn 60%.

Tuy nhiên, các quyết định này của Bộ Tài chính đã nhận được phản hồi không mấy tích cực từ các nhà sản xuất ôtô trong nước thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô trong nước (VAMA) và cả Bộ Công Thương – cơ quan quản lý trực tiếp khối doanh nghiệp sản xuất ôtô.

Đơn cử, sau hai lần giảm thuế gần đây nhất, chỉ có các nhà nhập khẩu ôtô tiến hành giảm giá còn lại hầu hết các thành viên VAMA (trừ Mercedes-Benz Việt Nam) đều im hơi lặng tiếng. Thậm chí chỉ vì quyết định của Bộ Tài chính mà nhiều hãng xe còn “giận dỗi” đòi thôi sản xuất mà chuyển sang phân phối để được “hưởng lợi” như các nhà nhập khẩu. Các hãng xe này cho rằng, giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc không hề tác động đến giá thành xe lắp ráp trong nước. Muốn xe nội giảm giá thì thuế nhập khẩu linh kiện phải giảm, đồng thời quy mô thị trường phải lớn.

Mặc dù chiếm tỷ lệ bình chọn khiêm tốn (5,26%) song giải pháp giảm thuế nhập khẩu linh kiện cũng được đánh giá khá quan trọng. Lý lẽ của các hãng ôtô trong nước cũng đã được Chính phủ tiếp thu và chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, thực hiện. Tuy nhiên, tỷ lệ khiêm tốn trên cũng phần nào cho thấy thuế nhập khẩu linh kiện không thật sự quyết định đến giá xe nội.

“Với xe lắp ráp trong nước thì thuế nhập khẩu linh kiện không đóng vai trò chính mà quan trọng là vấn đề khấu hao thiết bị, công nghệ, mà điều đó lại ở quy mô sản xuất, quy mô thị trường. Ví dụ 1 bộ linh kiện giá 10.000 USD, thuế nhập khẩu linh kiện là 25% thì giá sẽ lên 12.500 USD, nếu giảm đi 10% thì giá sẽ là 11.500 USD. Như vậy thực chất mức chênh lệch không nhiều.” Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ôtô Âu Châu (Euro Auto) Huỳnh Dư An cũng đã nhận định như vậy trong một cuộc trao đổi với báo giới.

Riêng thuế tiêu thụ đặc biệt hiện đang nhận được sự quan tâm lớn nhất từ nhiều giới. Hiện thuế tiêu thụ đặc biệt đánh trên xe du lịch ở mức 50%. Minh chứng là trong 5 giải pháp đề xuất, bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt là giải pháp nhận được đến 56,25% phiếu bầu chọn. Trong phần kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt xuống mức hợp lý nhằm làm giảm giá ôtô trong nước. Trước đó, tại cuộc họp ngày 26/10 do Bộ Công Thương chủ trì nhằm đánh giá việc thực hiện quy hoạch công nghiệp ôtô, đại diện hầu hết các doanh nghiệp ôtô và Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng không nên tiếp tục coi ôtô là mặt hàng xa xỉ, theo đó nên loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo một số ý kiến phân tích, Nhà nước s vẫn thu được ngân sách - thậm chí còn lớn hơn từ thuế tiêu thụ đặc biệt - nếu bãi bỏ sắc thuế này, đồng thời tăng các loại phí sử dụng ôtô, nhất là với những chiếc xe cũ và không đạt tiêu chuẩn khí thải. Giải pháp này không chỉ giúp giá ôtô trong nước rẻ hơn mà còn làm tăng thu ngân sách, thu hút giới đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường đảm bảo môi trường…

Tuy nhiên, đây lại là sắc thuế khó điều chỉnh nhất. Theo các chuyên gia, đây chính là sắc thuế từ ôtô đem lại một nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, để có thể điều chỉnh hoặc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt, Chính phủ (đại diện là Bộ Tài chính) sẽ phải nghiên cứu phương án và trình lên Quốc hội quyết định.

* Chỉ có vẻn vẹn 57 trong 1.977 độc giả đồng tình với giải pháp cho phép các liên doanh nhập khẩu và phân phối xe nguyên chiếc. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu để các liên doanh phân phối xe nguyên chiếc, giá xe trong nước nói chung sẽ không giảm hơn hiện nay trong khi hoạt động sản xuất, lắp ráp sẽ bị “lãng quên” dẫn đến sự đổ vỡ hoàn toàn của ngành công nghiệp ôtô.

Được biết hiện nay đã có không ít các liên doanh đề nghị được phân phối ôtô nguyên chiếc song Chính phủ vẫn chưa đồng ý. Tuy nhiên, theo cam kết gia nhập WTO, từ 1/1/2009, các liên doanh sẽ có quyền nhập khẩu và phân phối ôtô nguyên chiếc. Trong khoảng thời gian đó, ngành ôtô sẽ còn nhiều việc phải làm.

Tin mới

Các nhà sản xuất ô tô đang thiết lập chiến lược cho lượng khí thải carbon bằng 0 như thế nào?

Các nhà sản xuất ô tô đang thiết lập chiến lược cho lượng khí thải carbon bằng 0 như thế nào?

Trong lĩnh vực ô tô, hầu hết các OEM đều đặt mục tiêu đạt mức 0 ròng vào năm 2050, nhưng báo cáo và tiêu chuẩn về lượng khí thải vẫn còn yếu. Áp lực pháp lý sắp tới đối với lượng khí thải sẽ yêu cầu các công ty cải thiện việc báo cáo lượng khí thải và quản lý các chiến lược không phát thải thực tế hơn.