Ôtô trong nước khai xuân tươi sáng

Đức Thọ
Thị trường ôtô sản xuất trong nước đã “khai xuân” bằng kết quả bán ra tháng đầu năm khá tươi sáng với 12.084 chiếc
Nhiều người bắt đầu lo cho số phận xe lắp ráp trong nước sau khi các liên doanh nhập khẩu xe nguyên chiếc - Ảnh: Đức Thọ.
Nhiều người bắt đầu lo cho số phận xe lắp ráp trong nước sau khi các liên doanh nhập khẩu xe nguyên chiếc - Ảnh: Đức Thọ.
Thị trường ôtô sản xuất trong nước đã “khai xuân” bằng kết quả bán ra tháng đầu năm khá tươi sáng với 12.084 chiếc.

Vậy là mặc dù mất khoảng gần 10 ngày các hãng xe phải khóa sổ để nghỉ nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý, tổng lượng xe bán ra của 15 thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) vẫn nhỉnh hơn 78 chiếc so với tháng cuối cùng của năm 2007. Kết quả này phần nào cho thấy sức hấp dẫn của thị trường ôtô Việt Nam vẫn rất lớn và dự báo hoạt động bán hàng vẫn tiếp tục sôi động ít nhất đến hết quý 1/2008.

“Hàng nội” tăng tốc

Dựa vào bản báo cáo tháng 1 của VAMA, có thể nhận thấy rõ sự tăng tốc khá mạnh mẽ của các hãng xe nội địa như Trường Hải, Vinamotor.

Ngoạn mục nhất là bước chạy đà đầu năm của “ông lớn” Vinamotor (Tổng công ty Công nghiệp Ôtô Việt Nam) với 2.792 chiếc được bán ra, tăng 824 chiếc; tiếp theo là Công ty Ôtô Trường Hải (Thaco) với 2.007 chiếc được bán ra, tăng 396 chiếc so với tháng 12/2007; Tổng công ty Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) nhích lên một chút với 171 chiếc, tăng 76 chiếc.

Trong 5 hãng xe nội địa thành viên chỉ có duy nhất Vinaxuki đuối sức khi sụt giảm từ 1.361 chiếc trong tháng 12/2007 xuống còn 1.260 chiếc trong tháng 1/2008.

Lợi thế lớn nhất tạo đà tăng tốc cho các hãng xe nội chính là các dòng xe tải và bán tải (pick-up). Cũng vì thế nên phân khúc xe tải, pick-up & Van đã chiếm hơn một nửa tổng lượng xe bán ra trong tháng đầu năm mới khi đạt đến 6.675 chiếc.

Sâu xa hơn, theo phân tích của các chuyên gia trong ngành, ngoài xu hướng phát triển mạnh mẽ của phân khúc xe tải – đặc biệt là ở các thị trường nông thôn – thì một nguyên nhân khác đẩy mãi lực của phân khúc này tăng trưởng mạnh mẽ là chương trình thay thế xe công nông, xe quá niên hạn sử dụng.

Có thể thấy rõ điều này khi nhìn vào mức tăng trưởng về sản lượng bán hàng của Vinamotor. Nếu các mẫu xe bus của Vinamotor hầu như không tăng so với tháng 12/2007 thì hầu hết các mẫu xe tải, nhất là xe tải nhỏ tải trọng từ 1,25 đến 3 tấn, đều tăng mạnh mẽ. Trong đó mẫu Transinco Truck 1,25 tấn tăng tròn 100 chiếc lên 469 chiếc, mẫu Transinco Truck 2,35 tấn tăng 140 chiếc lên 337 chiếc…

Xe liên doanh chững lại

Trong khi mãi lực của các hãng xe nội địa tăng mạnh thì mãi lực của nhiều liên doanh tên tuổi lại có phần chững lại.

Riêng với trường hợp Toyota Việt Nam, ngoài việc bị Vinamotor vượt qua về sản lượng bán hàng, hãng xe này còn phải chịu sự sụt giảm đáng kể khi tụt từ 2.328 chiếc của tháng 12/2007 xuống còn 1.841 chiếc của tháng 1/2008.

Chưa kể, thương hiệu Toyota Việt Nam trong thời gian này còn bị ảnh hưởng khá mạnh mẽ từ một sự kiện hy hữu của ngành ôtô Việt Nam tại Công ty Liên doanh Toyota Giải Phóng (Hà Nội).

Ngoài Toyota, một liên doanh tên tuổi khác là Công ty TNHH Ford Việt Nam cũng bị sụt giảm sản lượng bán hàng từ 1.038 chiếc trong tháng 12/2007 xuống còn 809 chiếc trong tháng 1/2008; tiếp theo là Vinastar (với thương hiệu Mitsubishi) sụt giảm từ 532 chiếc xuống còn 324 chiếc…

Nguyên cớ nào đã góp phần tạo nên không khí ảm đạm tại mảng thị trường của các liên doanh như vậy? Theo phân tích của một số chuyên gia, nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là sự gia tăng sức ép ngày càng mạnh mẽ từ thị trường xe nhập khẩu. Trong khi xe nhập khẩu ngày càng có nhiều lợi thế về chất lượng và giá bán thì xe liên doanh ngày càng trở nên yếu thế.

Đây cũng chính là một trong những lý do để nhiều liên doanh cùng nhau đệ đơn xin được nhập khẩu xe nguyên chiếc để có được sự cân bằng với các doanh nghiệp phân phối. Được biết hiện tại đã có ít nhất ba liên doanh được cấp giấy phép nhập khẩu là Mercedes-Benz Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam.

Mặc dù khi trao đổi với báo giới, đại diện các hãng xe đã được cấp phép nhập khẩu đều khẳng định hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước vẫn là chủ đạo song cũng theo chính những gợi mở của các hãng xe này trước và sau thời điểm được cấp phép, họ sẽ ứng xử tùy theo nhu cầu của thị trường.

Như vậy, một khả năng gần như chắc chắn xảy ra là nhu cầu đối với xe nhập khẩu (từ tập đoàn mẹ với những lợi thế chất lượng, mẫu mã) của thị trường sẽ cao hơn những chiếc xe lắp ráp trong nước đồng nghĩa với việc họ phải đáp ứng nhu cầu của thị trường đồng thời cũng khó có thể “bao” được cả “sân” nội địa.

Tin mới

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Từng là biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô thế giới, những năm gần đây, vị thế của dòng xe sedan đang bị thử thách bởi sự tăng trưởng mạnh của dòng xe SUV, MPV. Tại Việt Nam, doanh số sedan liên tục sụt giảm, khiến cuộc cạnh tranh trong từng phân khúc ngày càng trở nên khốc liệt hơn.