Quan hệ khởi sắc, Trung Quốc chấm dứt “cuộc chiến rượu vang” với Australia

Bình Minh
Mối quan hệ  Trung Quốc-Australia đã có sự cải thiện đáng kể kể từ năm ngoái, dẫn tới việc Trung Quốc dần dần dỡ bỏ các rào cản thương mại đối với hàng hóa của Astralia...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Trung Quốc mới đây đã dỡ thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với rượu vang Australia, chấm dứt sự trừng phạt kéo dài 3 năm nhằm vào một sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Australia và mang lại một sự giải toả được chờ đợi từ lâu đối với các nhà sản xuất rượu vang nước này.

Bộ Thương mại Trung Quốc tuần trước cho biết việc dỡ thuế nói trên có hiệu lực từ ngày 29/3. Các loại thuế nói trên, với tổng thuế suất 218,4%, được áp lên rượu vang Australia từ cuối năm 2020 với dự kiến ban đầu sẽ kéo dài trong 5 năm. Cùng với đó, Bắc Kinh còn dựng một loạt hàng rào thương mại khác đối với hàng hoá của Australia trong bối cảnh mối quan hệ song phương xấu đi sau khi Canberra kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra về nguồn gốc của Covid-19.

Trước đó, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia lâm vào bế tắc từ năm 2018, khi Canberra cấm tập đoàn Trung Quốc Huawei tham gia xây dựng mạng viễn thông 5G tại Australia. 

Mối quan hệ  Trung Quốc-Australia đã có sự cải thiện đáng kể kể từ năm ngoái, dẫn tới việc Trung Quốc dần dần dỡ bỏ các rào cản thương mại đối với hàng hóa của Astralia, từ lúa mạch đến than đá. Việc quan hệ song phương “tan băng” cũng làm dấy lên hy vọng rằng thuế quan đối với rượu vang Australia xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn nhất của các nhà sản xuất rượu vang Australia - sẽ sớm được dỡ bỏ.

“Do tình hình thị trường rượu vang Trung Quốc đã thay đổi, thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với rượu vang nhập khẩu từ Australia không còn cần thiết”, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm tuần trước.

Sau khi hai nước ký kết hiệp định thương mại tự do vào năm 2015, rượu vang Australia nhập khẩu vào Trung Quốc được hưởng mức thuế bằng 0, mang lại cho các nhà sản xuất rượu vang Australia lợi thế thuế quan 14% so với nhiều quốc gia sản xuất rượu vang khác.

Theo tuyên bố của phía Trung Quốc, trong nửa đầu năm 2023, rượu vang Australia chỉ chiếm 0,14% tổng rượu vang nhập khẩu của Trung Quốc, so với mức  27,46% vào năm 2020 trước khi thuế được áp dụng.

“Chúng tôi hoan nghênh kết quả này, một kết quả có được vào thời điểm quan trọng đối với ngành công nghiệp rượu vang Australia”, Chính phủ Australia cho biết trong một tuyên bố. “Kể từ năm 2020, thuế của Trung Quốc đối với rượu vang Australia đã khiến các nhà sản xuất Australia không thể xuất khẩu rượu đóng chai sang thị trường Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu rượu vang của Australia sang Trung Quốc đạt 1,1 tỷ USD vào năm 2019.”

Trung Quốc bắt đầu áp thuế quan lên hàng hoá của Australia vào năm 2020, dẫn tới việc Canberra phải khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sau khi Bắc Kinh triển khai áp thuế quan đối với rượu vang Australia, Canberra đã kêu gọi WTO phân xử tranh chấp.

Với nỗ lực chung của cả hai bên, Trung Quốc và Australia đã đạt được sự đồng thuận về giải quyết tranh chấp hợp lý trong khuôn khổ WTO - người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc He Yadong cho biết tại một cuộc họp báo. Còn theo tuyên bố của phía Australia, việc Trung Quốc dỡ thuế quan đồng nghĩa Canberra sẽ ngừng các thủ tục pháp lý tại WTO.

Việc Trung Quốc dỡ bỏ thuế quan đối với rượu vang Australia cũng là diễn biến mà người trồng nho ở Australia mong đợi, trong bối cảnh hàng triệu gốc nho ở nước này đang bị phá hủy để hạn chế tình trạng dư thừa rượu vang giữa lúc nhu cầu tiêu thụ rượu vang trên toàn thế giới giảm sút. Đây được xem là cuộc khủng hoảng thừa rượu vang tồi tệ nhất mà các trang trại sản xuất rượu vang ở Australia và nhiều quốc gia sản xuất rượu vang hàng đầu thế giới khác như Pháp từng đối mặt trong nhiều thập kỷ.

Tin mới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc đang trang bị thêm các phụ kiện công nghệ cao như một hướng đi mới cho xe của họ nhằm thu hút khách hàng. Các nhà điều hành và chuyên gia ô tô cho biết khách hàng Trung Quốc muốn ô tô của họ phải ngày càng "thông minh hơn".
Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhìn bề ngoài, thị trường Tây Âu dành cho tất cả xe sedan và SUV vào năm 2024 đã chậm lại một chút nhưng có vẻ vẫn “khỏe mạnh”. GlobalData cho biết họ dự kiến doanh số bán hàng của châu Âu sẽ tăng 4,5% trong năm nay lên 11,98 triệu chiếc, chậm hơn nhiều so với mức tăng 13,9% của năm ngoái. Nhưng ngành ô tô ở châu Âu đang rơi vào tình trạng hỗn loạn khi tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện chậm lại bất ngờ đặt ra câu hỏi về lượng vốn khổng lồ đầu tư vào phát triển chúng.
#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

Một sản phẩm vay mượn có thể dễ dàng được hoàn thiện ở phần vỏ bên ngoài, nhưng rất khó để đạt được chất lượng và sự vận hành ổn định, bền bỉ ở bên trong. Trong nhiều năm, các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã tìm cách khắc phục những sai lầm trước đó để mang đến những sản phẩm mới nhất và có giá trị nhất cho thị trường thế giới. Thế nhưng, để có thể thay đổi được những định kiến cũ và tạo niềm tin cho người tiêu dùng thì xe Trung Quốc cần thời gian để hoàn thiện về chất lượng. Đó cũng là nội dung chủ đề sẽ được chúng tôi phân tích trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay.