Quan hệ làm ăn của Elon Musk với Trung Quốc khiến giới chức Mỹ “nóng mặt”

Ngọc Trang
Ở Trung Quốc, Elon Musk nhận được nhiều ưu ái của chính quyền địa phương. Ngược lại, tỷ phú này cũng thường xuyên dành lời khen về quốc gia châu Á...
Tỷ phú Elon Musk gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đầu năm 2019 - Ảnh: Getty Images
Tỷ phú Elon Musk gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đầu năm 2019 - Ảnh: Getty Images

Theo Wall Street Journal, mối quan hệ làm ăn của ông Elon Musk, CEO của Tesla và SpaceX, tại Trung Quốc đang khiến giới chức Mỹ cảm thấy bất an, bao gồm cả những nghị sĩ của đảng Cộng hòa từng nhiệt tình ủng hộ tỷ phú này.

Mối lo ngại này xoay quanh việc Trung Quốc có thể tiếp cận được những thông tin mật mà SpaceX – công ty về hàng không vũ trụ do ông Musk sáng lập – thông qua các nhà cung cấp nước ngoài có liên quan tới Bắc Kinh.

Một số nhà làm luật Mỹ cũng quan ngại về ranh giới thiếu rõ ràng giữa SpaceX và hãng xe điện Tesla – đều do ông Musk điều hành – cùng hoạt động quy mô lớn của Tesla ở Trung Quốc. Hãng xe điện Mỹ đã phát triển được những bộ pin xe điện tiên tiến mà Bắc Kinh đang tìm kiếm. Nước này hiện đã sử dụng công nghệ pin điện với chi phí rẻ mà công ty của ông Musk dẫn dầu.

ĐƯỢC TRUNG QUỐC ƯU ÁI

Mối lo ngại trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt khi Bắc Kinh tập trung phát triển công nghệ vũ trụ. Căng thẳng cũng leo thang vì mối quan hệ đối tác chiến lược của Bắc Kinh với Nga – quốc gia đang bị nhiều nước trừng phạt vì cuộc xung đột ở Ukraine.

“Tôi ngưỡng mộ ông Musk và SpaceX, nhưng bất kỳ ai cũng sẽ lo ngại nếu như có mối quan hệ về tài chính với Trung Quốc”, ông Stewart, thành viên cấp cao của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, cho biết.

Ông Stewart cũng muốn tìm hiểu xem liệu có bất kỳ công ty nào liên quan tới Trung Quốc đã đầu tư vào SpaceX hay không. Hiện tại, SpaceX không phải là công ty niêm yết đại chúng nên không phải công khai các thông tin này.

Ông Musk, CEO Tesla, phát biểu tại nhà máy của Tesla ở Thượng Hải năm 2020 - Ảnh: Bloomberg
Ông Musk, CEO Tesla, phát biểu tại nhà máy của Tesla ở Thượng Hải năm 2020 - Ảnh: Bloomberg

Trong khi đó, Tesla là một công ty niêm yết và năm 2017, hãng công nghệ khổng lồ Tencent của Trung Quốc tiết lộ rằng đã mua 5% cổ phần của hãng xe điện này. Nói về việc này trên mạng xã hội Twitter, ông Musk nhấn mạnh rằng đây không chỉ là một khoản đầu tư và khẳng định “vui mừng khi có Tencent vừa là nhà đầu tư vừa là cố vấn của Tesla”.

Năm 2018, Tencent cho biết tỷ lệ cổ phần mà công ty này nắm giữ tại Tesla đã giảm xuống còn 4,97%. Từ đó đến nay, không có thêm thông tin nào về việc này. Khi được hỏi rằng liệu Tencent còn nắm cổ phần Tesla hay không, một đại diện của hãng xe điện cho biết không thể cung cấp thông tin gì.

Tencent là công ty đứng sau ứng dụng nhắn tin WeChat mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng muốn cấm tại Mỹ. Ứng dụng này hiện vẫn đang được chính quyền Tổng thống Joe Biden giám sát chặt chẽ.

Trung Quốc hiện là một trong những thị trường lớn nhất của Tesla, chủ yếu nhờ công ty này nhận được sự ủng hộ của chính quyền cũng như các nhà lãnh đạo tại đây. Nhà chức trách Trung Quốc cấp cho công ty của ông Musk những khoản vay lãi suất thấp, cho thuê đất giá rẻ cùng nhiều ưu đãi khác để xây dựng nhà máy tại Thượng Hải – khai trương vào năm 2019. Tesla lắp ráp xe điện và pin xe điện tại nhà máy này.

Năm 2018 và đầu năm 2019, Tesla đối mặt nhiều vấn đề tài chính khi nhà máy ở Mỹ không đạt sản lượng dự kiến và công ty rơi vào tình trạng thiếu tiền. Tuy nhiên, theo báo cáo thường niên năm 2021, trong năm 2019 và 2020, công ty này nhận được hai khoản vay từ các ngân hàng Trung Quốc, được dùng để xây dựng nhà máy ở Thượng Hải.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo từng kêu gọi các công ty Mỹ thận trọng khi làm ăn với Trung Quốc.

Nhà máy của Tesla ở Thượng Hải - Ảnh: Bloomberg
Nhà máy của Tesla ở Thượng Hải - Ảnh: Bloomberg

“Chắc chắn hành động cưỡng chế, phi cạnh tranh, cố gắng đánh cắp sở hữu trí tuệ Mỹ của Trung Quốc đều được ghi lại đầy đủ. Vì vậy, bất kỳ doanh nhân nào làm ăn với Trung Quốc nên hết sức cảnh giác. Và tôi hi vọng họ sẽ không bao giờ tham gia vào bất kỳ hành vi nào khiến an ninh quốc gia của nước Mỹ gặp nguy hiểm”, bà Raimondo nói.

Tháng 12 năm ngoái, Thượng nghị sĩ bang Florida - Marco Rubio, một nghị sĩ đảng Cộng hòa nằm trong Ủy ban Tình báo Thượng viện, đã đề xuất một dự luật nhằm giải quyết các mối đe dọa về việc Trung Quốc có thể tiếp cận bí mật công nghệ vũ trụ của Mỹ thông qua các bên thứ ba.

Dự luật này cấm Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) và các cơ quan chính phủ khác của Mỹ ký hợp đồng với những công ty có nhà cung cấp liên quan tới Trung Quốc. Dự luật cũng yêu cầu tiết lộ thông tin về các khoản đầu tư của Trung Quốc vào những công ty tư nhân trong lĩnh vực vũ trụ của Mỹ.

“Bất kỳ công ty nào hoạt động ở Mỹ cũng sẽ bị gây áp lực và bị lợi dụng bởi Chính phủ nước này”, ông Rubio nói khi nhắc tới hoạt động của Tesla ở Trung Quốc với tờ The Wall Street Journal.

Thượng nghị sĩ Rubio là một trong những người nhận được nhiều quyên góp từ các chiến dịch ủng hộ chính trị của ông Musk và Florida là nơi có một số cơ sở phóng vệ tinh, bao gồm Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA, mà SpaceX sử dụng.

"NHỮNG LỜI CÓ CÁNH" VỀ TRUNG QUỐC

Mối quan ngại về rủi ro an ninh tiềm tàng ngày càng lớn hơn khi ông Musk thường dành nhiều lời khen cho Trung Quốc. Đầu tháng này, ông Musk đã tiếp đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương (Qin Gang) tại nhà máy của Tesla ở Fremont, bang California.

“Hôm nay tôi đã có cuộc trò chuyện đầy cảm hứng với ông Elon Musk về ô tô, về sao trên trời, về nghiên cứu não bộ con người, về ý nghĩa cuộc sống trên trái đất và về tương lai của chúng ta trên vũ trụ”, ông Tần chia sẻ trên Twitter sau cuộc gặp. 

Vào lễ kỷ niệm thứ 100 của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm ngoái, ông Musk cũng nói trên Twitter rằng: “Sự thịnh vượng kinh tế mà Trung Quốc đạt được thực sự đáng kinh ngạc, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng!”

Trước đó, trong một chương trình phát thanh vào tháng 7/2020 của Automotive News, tỷ phú này cũng dành những “lời có cánh” khi nói về quốc gia châu Á.

“Trung Quốc là một quốc gia ấn tượng. Ở đó có rất nhiều người thông minh và chăm chỉ, trong khi ở Mỹ, tôi thấy ngày càng sự tự mãn và đặc quyền nhiều hơn”.

Musk chụp ảnh với các khách hàng mua xe Model 3 tại một sự kiện ở Thượng Hải vào đầu năm 2020 - Ảnh: AFP
Musk chụp ảnh với các khách hàng mua xe Model 3 tại một sự kiện ở Thượng Hải vào đầu năm 2020 - Ảnh: AFP

Một số thành viên Đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ cũng tỏ ra cảnh giác về mối quan hệ của ông Musk với Trung Quốc và đang theo dõi các động thái của vị tỷ phú, theo một cố vấn của ủy ban này.

Cũng giống như đảng Cộng hòa, các nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ có quan điểm trái chiều về ông Musk. Một số khen ngợi sự nhiệt huyết của ông với xe điện cũng như những nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc Tesla không để liên đoàn lao động United Auto Workers (UAW) đại diện cho khoảng 10.000 người lao động tại nhà máy của công ty này ở Fremont đã làm phật lòng ông Biden cũng như các nghị sĩ đảng Dân chủ khác ủng hộ liên đoàn này.

Tesla là nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới nhưng ông Musk là không được mời tới dự một sự kiện bàn về tương lai xe điện được tổ chức tại Nhà Trắng vào tháng 8 năm ngoái. Trong khi đó, sự kiện này có sự tham gia của các hãng ôtô gồm GM, Ford, Stellantis (sáp nhập giữa Fiat Chrysler và PSA của Pháp) – những doanh nghiệp có thị phần khá khiêm tốn tại Mỹ.

Tuy vậy, một số nghị sĩ Đảng cộng hòa vẫn ủng hộ ông Musk và khen ngợi việc ông dám “thách thức” giới chức liên bang trong một số vấn đề. Họ cũng khen ngợi ông vì đã tạo ra sự cạnh tranh trong ngành công nghiệp vũ trụ.

“Tesla và SpaceX là những công ty Mỹ tuyệt vời. Và Elon Musk là một trong những nhà đổi mới sáng tạo tuyệt vời nhất của chúng ta, một người yêu nước đích thực”, Matt Sparks, người phát ngôn của Hạ nghị sĩ Kevin McCarthy (bang California), nói. “Hoàn toàn không có điều gì cho thấy có sự chuyển giao công nghệ bắt buộc dưới bất kỳ hình thức nào tại Tesla hay SpaceX”.

Tin mới

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Tham gia Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok (BIMS) 2024 tại Thái Lan là bước đi quan trọng của VinFast trong chiến lược mở rộng thị trường tại Đông Nam Á. Một số chuyên gia nhận định đây là thị trường ô tô đầy tiềm năng trong tương lai, cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không ít.
Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.