Quy mô thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 52 tỷ USD vào năm 2025

Phạm Vinh
Xu hướng công nghệ, marketing online giúp các doanh nghiệp Việt Nam ngược dòng ngoạn mục và thương mại điện tử được dự báo tăng trưởng trung bình 2020–2025 là 29%, đạt 52 tỷ USD trong năm 2025…
Các diễn giả tham gia thảo luận chủ đề “Các giải pháp hiệu quả cho marketing trong giai đoạn bình thường mới”
Các diễn giả tham gia thảo luận chủ đề “Các giải pháp hiệu quả cho marketing trong giai đoạn bình thường mới”

Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2021 (VOMF 2021) do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức ngày 15/12 qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.

VOMF 2021 có sự tham gia diễn giả từ các tổ chức Facebook, Google, Nielsen, Lazada Sapo, Novaon, IMGroup, Vinalink, LadiPage, Accesstrade, Kardiachain, DigiPenci… đem đến nhiều giá trị thiết thực, cũng như những bức tranh toàn diện cho ngành thương mại điện tử, tiếp thị trực tuyến.

 
"Bán lẻ kỹ thuật số lại tập trung vào trải nghiệm khách hàng với mô hình chuỗi giá trị số thu thập dữ liệu (khách hàng, sản phẩm, địa điểm…), biến dữ liệu thành hiểu biết, biến hiểu biết thành hành động, tạo ra trải nghiệm số cả hành trình khách hàng."
Bà Trần Thị Thùy Dương, Trưởng bộ phận Tiếp thị số Công ty cổ phần Công nghệ Sapo.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch VECOM, chia sẻ: Thời gian qua, các dự án về blockchain, khái niệm metaverse đã thực sự phổ biến rộng rãi tại Việt Nam. Qua đó, VECOM đã tổ chức Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2021 với chủ để “Marketing in The New Normal and Metaverse” nhằm mang đến những cập nhật mới về xu hướng thế giới đến với cộng đồng.

Qua khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp, tổng hợp các nguồn thông tin và đánh giá năm 2020 của VECOM, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 15%, đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021 và cả giai đoạn tới 2025. Theo Báo cáo Xu hướng Tiếp thị số Việt Nam 2021, doanh số lĩnh vực này năm 2019 là 716 triệu USD và dù gặp đại dịch Covid-19 nhưng con số này năm 2020 vẫn đạt 820 triệu USD và dự đoán năm 2021 sẽ tiến gần 1 tỷ USD.

Tại khu vực Đông Nam Á, đại diện của Google, Temasek đều cho rằng: Thị trường thương mại điện tử Việt Nam rất nhiều tiềm năng, tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18% (riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%). Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 – 2025 là 29% và tới 2025 quy mô thương mại điện tử Việt Nam đạt 52 tỷ USD.

Tại VOMF 2021, các chuyên gia, doanh nghiệp đều khẳng định, cuộc sống “bình thường mới” đòi hỏi các doanh nghiệp áp dụng những chiến lược mới để tồn tại và phát triển. Trong đó, doanh nghiệp cần khai thác tối đa những lợi ích từ tiếp thị trực tuyến (marketing online) để tăng khách hàng, tăng doanh thu trong thời gian ngắn nhất... đó là những lời giải cho bài toán cứu doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Với chủ đề “Marketing Automation trong bán lẻ và giải pháp cho doanh nghiệp”, bà Trần Thị Thùy Dương, Trưởng bộ phận Tiếp thị số Công ty cổ phần Công nghệ Sapo cho biết: Bối cảnh bán lẻ của Việt Nam theo phương thức truyền thống tập trung vào sản phẩm với mô hình chuỗi cung ứng mua rẻ, bán đắt, tối ưu hóa các khâu giữa, trải nghiệm tại cửa hàng. Tuy nhiên, bán lẻ kỹ thuật số lại tập trung vào trải nghiệm khách hàng với mô hình chuỗi giá trị số thu thập dữ liệu (khách hàng, sản phẩm, địa điểm…), biến dữ liệu thành hiểu biết, biến hiểu biết thành hành động, tạo ra trải nghiệm số cả hành trình khách hàng.

Từ đó bà Dương cũng khuyến nghị, dịch vụ bán lẻ nên sử dụng Marketing Automation. Bởi kết nối sale và marketing, tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn lực, rút ngắn thời gian xây dựng mối quan hệ với khách hàng, tiếp cận theo mức độ ưu tiên, mang lại trải nghiệm nhất quán, cá nhân hóa cho khách hàng.

VOMF (Vietnam Online Marketing Forum) 2021 là năm thứ 6 sự kiện được tổ chức tại Việt Nam thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, cá nhân khởi nghiệp, các đơn vị truyền thông, các tổ chức, cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực marketing, thương mại điện tử trên khắp cả nước.

Tin mới

Các nhà sản xuất ô tô đang thiết lập chiến lược cho lượng khí thải carbon bằng 0 như thế nào?

Các nhà sản xuất ô tô đang thiết lập chiến lược cho lượng khí thải carbon bằng 0 như thế nào?

Trong lĩnh vực ô tô, hầu hết các OEM đều đặt mục tiêu đạt mức 0 ròng vào năm 2050, nhưng báo cáo và tiêu chuẩn về lượng khí thải vẫn còn yếu. Áp lực pháp lý sắp tới đối với lượng khí thải sẽ yêu cầu các công ty cải thiện việc báo cáo lượng khí thải và quản lý các chiến lược không phát thải thực tế hơn.