Quỹ phòng hộ nổi tiếng lỗ nặng vì đặt cược vào cổ phiếu công nghệ

Bình Minh
Thua lỗ này là một “cú ngã nhớ đời” đối với nhà sáng lập Chase Coleman của Tiger Global, người nổi lên như một trong những nhà đầu tư vào các cổ phiếu tăng trưởng xuất sắc nhất thế giới kể từ khi sáng lập công ty này vào năm 2001...
Nhà quản lý quỹ Chase Coleman - Ảnh: Bloomberg.
Nhà quản lý quỹ Chase Coleman - Ảnh: Bloomberg.

Quỹ phòng hộ (hedge fund) chủ lực của công ty quản lý quỹ nổi tiếng Tiger Global đã hứng một cú sốc vào tháng 4 vừa qua và chứng kiến giá trị tài sản giảm hơn 40% kể từ đầu năm. Đây là bằng chứng mới nhất cho thấy các nhà đầu tư nổi tiếng từng lãi lớn nhờ cổ phiếu công nghệ đang điêu đứng như thế nào vì đợt bán tháo những cổ phiếu này trong thời gian gần đây.

Thua lỗ nói trên là một “cú ngã nhớ đời” đối với nhà sáng lập Chase Coleman của Tiger Global, người nổi lên như một trong những nhà đầu tư vào các cổ phiếu tăng trưởng xuất sắc nhất thế giới kể từ khi sáng lập công ty này vào năm 2001.

 

Các quỹ phòng hộ rót vốn nhiều vào cổ phiếu công nghệ thua lỗ đặc biệt trầm trọng trong những tháng gần đây, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng bùng nổ của cổ phiếu công nghệ trong thời gian đại dịch đã đảo chiều thành thị trường đầu cơ giá xuống (bear market).

Nguồn thạo tin tiết lộ với tờ Wall Street Journal rằng Tiger Global lỗ 15,2% trong tháng 4, nâng tổng mức lỗ trong 4 tháng đầu năm lên 43,7%. Con số này cộng thêm khoản lỗ 7% trong năm 2021 đồng nghĩa toàn bộ mức lãi 48% của quỹ phòng hộ chủ lực trong năm 2020.

Quỹ duy nhất chỉ đầu cơ giá lên (long) của Tiger Global cũng lỗ 24,9% trong tháng 4 và đã lỗ 51,7% trong năm nay - nguồn tin tiết lộ.

Với hai quỹ nói trên, Tiger Global quản lý số cổ phiếu trị giá 35 tỷ USD vào thời điểm cuối năm 2021.

Tháng trước là một tháng tồi tệ đối với nhiều quỹ phòng hộ. Cả các quỹ cổ phiếu và trái phiếu đều thua lỗ, khi giới đầu tư toàn cầu hoảng sợ khi lạm phát cao buộc các ngân hàng trung ương phải khởi động một chu kỳ tăng lãi suất mạnh tay.

Các quỹ phòng hộ rót vốn nhiều vào cổ phiếu công nghệ thua lỗ đặc biệt trầm trọng trong những tháng gần đây, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng bùng nổ của cổ phiếu công nghệ trong thời gian đại dịch đã đảo chiều thành thị trường đầu cơ giá xuống (bear market). Sự đảo chiều này chấm dứt một trong số những giao dịch béo bở nhất trên thị trường chứng khoán thế giới, nhất là ở Mỹ, trong những năm gần đây.

Chỉ số Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ giảm 13,3% trong tháng 4, đánh dấu tháng tồi tệ nhất kể từ năm 2008. Dù hồi phục mấy phiên gần đây, chỉ số với các cổ phiếu công nghệ chiếm chủ đạo này hiện vẫn giảm gần 22% so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 11 năm ngoái.

Trong một lá thư gửi nhà đầu tư, Tiger Global viết: “Tháng 4 bổ sung thêm vào sự khởi đầu rất đáng thất vọng của năm 2022 đối với các quỹ của chúng tôi. Thị trường đã không hợp tác, xét tới bối cảnh vĩ mô, nhưng chúng tôi không muốn viện vào một lý do nào cả”.

Ở thời điểm đầu năm ngoái, ông Coleman còn xếp thứ 14 trong số những nhà quản lý quỹ phòng hộ xuất sắc nhất mọi thời đại. Trước đó, trong năm 2020, ông đã mang về cho các nhà đầu tư khoản lợi nhuận 10,4 tỷ USD – theo một nghiên cứu của LCH Investments. Tuy nhiên, trong năm 2021, công ty của ông khiến nhà đầu tư lỗ 1,5 tỷ USD, khiến ông tụt hạng trong danh sách các nhà quản lý quỹ phòng hộ tốt nhất. Đó là chưa tính đến những thua lỗ của Tiger Global trong năm nay.

Thiệt hại mà Tiger Global và nhiều công ty quản lý quỹ khác hứng chịu từ đầu năm đến nay xảy ra khi thị trường toàn cầu kỳ vọng lãi suất sẽ tăng mạnh do các ngân hàng trung ương lớn quyết liệt chống lạm phát, từ đó thúc đẩy sự thoái vốn khỏi các cổ phiếu có mức độ tăng trưởng lớn, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ.

Những quỹ nổi tiếng hứng chịu tổn thất lớn khác phải kể tới là Scottish Mortgage Investment Trust của Baillie Gifford và Ark Innovation ETF của Cathie Wood. Cả hai quỹ này đều lỗ nặng trong 12 tháng qua vì cổ phiếu tăng trưởng.

Tin mới

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.