Soán ngôi Volkswagen, liên minh Renault-Nissan dẫn đầu về doanh số tiêu thụ

Kim Tuyến
Vượt Volkswagen, liên minh Renault-Nissan dẫn đầu thế giới về doanh số tiêu thụ xe 6 tháng đầu năm
Chủ tịch Carlos Ghosn của liên minh Renault-Nissan đặt mục tiêu trở thành thế lực mới trong ngành công nghiệp ôtô toàn cầu. <br>
Chủ tịch Carlos Ghosn của liên minh Renault-Nissan đặt mục tiêu trở thành thế lực mới trong ngành công nghiệp ôtô toàn cầu. <br>
Cuối tuần trước, liên minh Renault-Nissan công bố doanh số tiêu thụ nửa đầu năm 2017 đạt hơn 5,26 triệu xe, vượt qua con số 5,15 triệu xe trong cùng kỳ của Volkswagen. Đứng vị trí thứ 3 hai quý đầu năm là Toyota với 5,12 triệu xe.

Theo hãng tin CNN, đây là lần đầu tiên liên minh Pháp-Nhật, mới đây có thêm thành viên là Mitsubishi, vượt qua gã khổng lồ Đức Volkswagen về doanh số tiêu thụ xe trên toàn cầu.

Doanh số của liên minh Renault-Nissan tăng mạnh nhờ mới “kết nạp” Mitsubishi vào tháng 10 năm ngoái. Mitsubishi với thị trường lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc, đã đóng góp 500.000 chiếc vào doanh số của liên minh này.

Ra đời gần 2 thập kỷ trước, liên minh Renault-Nissan hình thành với sự kết hợp giữa tập đoàn Renault của Pháp và thương hiệu Nissan của Nhật. Không chỉ chia sẻ công nghệ, liên minh này còn hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực phát triển xe điện. Tuy nhiên, Renault và Nissan chưa có kế hoạch sáp nhập, ít nhất theo quan điểm của Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Carlos Ghosn.

Theo giới phân tích, mối quan hệ giữa Renault và Nissan không phải là sáp nhập hay thâu tóm mà được “buộc” với nhau thông qua thỏa thuận nắm giữ cổ phần chéo. Đây là cấu trúc độc nhất trong ngành công nghiệp ôtô trong xu hướng hợp nhất doanh nghiệp những năm 1990 và được dùng làm hình mẫu trong kế hoạch hợp nhất của General Motors và PSA Peugeot Citroen sau này.

Renault hiện sở hữu 43,4% cổ phần của Nissan, còn Nissan sở hữu 15% cổ phần của Renault. Tháng 10/2016, thông qua Nissan, liên minh này đã chi khoảng 2,2 tỷ USD để mua lại 34% cổ phần của Mitsubishi Motors.

Chủ tịch Carlos Ghosn của liên minh này đặt mục tiêu trở thành thế lực mới trong ngành công nghiệp ôtô toàn cầu.

Về phía gã khổng lồ Đức Volkswagen, dù tụt xuống vị trí thứ 2 về doanh số tiêu thụ nửa đầu năm 2017, hãng này có thể sẽ vẫn giành lại được danh hiệu tiêu thụ lớn nhất cả năm, tờ CNN nhận định.

Năm ngoái, Volkswagen đã vượt qua Toyota sau 4 năm liên tiếp hãng xe Nhật giữ vị trí số một toàn cầu. Còn General Motors giành được danh hiệu này vào năm 2011 và giờ không còn năm trong top 3.

Thời gian gần đây, Volkswagen, công ty mẹ của Audi và Porsche, phải đối mặt với sự giám sát chặt của các nhà chức trách. Hãng này đã phải trả nhiều tỷ USD tiền phạt và bị cáo buộc liên quan tới bê bối gian lận khí thải diesel.

Hai tuần trước, Audi cho biết sẽ thu hồi tự nguyện 850.000 xe trang bị động cơ diesel để cải tiến phần mềm, điều chỉnh lượng khí thải trong điều kiện lái xe thực tế. Các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của 22 nước Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định chuẩn bị một vụ kiện tập thể buộc Volkswagen đền bù những thiệt hại mà khách hàng phải gánh chịu khi sử dụng xe bị lắp phần mềm gian lận khí thải.

Chưa dừng ở đó, thứ 5 tuần trước, Đức tuyên bố thu hồi hàng chục nghìn chiếc Porsche SUV sau khi phát hiện chúng đang được lắp đặt các “thiết bị bất hợp pháp”.

Một ngày sau đó, Tạp chí Der Spiegel dẫn một bức thư được cho là của Volkswagen viết cho cơ quan chống độc quyền của Đức vào mùa hè năm ngoái, trong đó thừa nhận đã thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Hiện Volkswagen từ chối bình luận về thông tin trên.

Tin mới

Các liên doanh ô tô nước ngoài của Trung Quốc mất đi ánh hào quang vì xe điện

Các liên doanh ô tô nước ngoài của Trung Quốc mất đi ánh hào quang vì xe điện

Trong nhiều năm, các nhà sản xuất ô tô nhà nước Trung Quốc có thể tin tưởng vào việc liên doanh với các thương hiệu lớn của nước ngoài như một nguồn lợi nhuận kỳ diệu. Nhưng báo cáo thu nhập mới nhất cho thấy những ngày đó có thể sắp kết thúc, khi những công ty đơn lẻ mới hơn như BYD đã thúc đẩy làn sóng điện khí hóa tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, trong khi các thương hiệu ô tô nước ngoài đang bị tụt lại phía sau.
Xe hybrid: “Cứu cánh” cho các nhà sản xuất ô tô truyền thống của Mỹ?

Xe hybrid: “Cứu cánh” cho các nhà sản xuất ô tô truyền thống của Mỹ?

Khi chính quyền Tổng thống Biden hạ mục tiêu sử dụng xe điện từ 67% xuống 35% vào năm 2030, họ đã làm được hai việc: tạo cứu cánh cho các nhà sản xuất ô tô đang cảm thấy áp lực phải sản xuất và bán xe điện trong khi dội một gáo nước lạnh lớn vào các công ty chỉ bán pin xe chạy bằng điện.
Tham vọng của BYD vượt xa cả xe điện

Tham vọng của BYD vượt xa cả xe điện

Các kế hoạch toàn cầu của công ty bao gồm từ mô-đun năng lượng mặt trời và xe buýt điện, xe tải và xe lửa cho đến các hệ thống giao thông phức tạp. Nhưng liệu BYD có đang cố gắng làm quá nhiều hay không là câu hỏi mà giới đầu tư quan tâm.