Sony lập công ty mới, gia nhập đường đua xe điện

Đức Anh
Tập đoàn điện tử Nhật Bản Sony vừa tuyên bố thành lập một công ty con có tên Sony Mobility Inc. để tập trung vào lĩnh vực xe điện...
Sony đẩy nhanh nỗ lực lấn sân sang lĩnh vực xe điện - Ảnh: Nikkei Asia
Sony đẩy nhanh nỗ lực lấn sân sang lĩnh vực xe điện - Ảnh: Nikkei Asia

Thông báo này được công ty đưa ra tại triển lãm công nghệ tiêu dùng CES 2022 diễn ra tại Las Vegas, Mỹ.

Tại sự kiện, Sony cũng ra mắt một mẫu SUV điện thử nghiệm có tên Vision-S 02. Công ty Nhật lần đầu thông báo kế hoạch phát triển xe điện tại CES 2020 và giới thiệu chiếc sedan điện Vision-S 01 tại sự kiện CES trực tuyến vào vào năm ngoái.

“Sự phấn khích mà chúng tôi nhận được sau khi giới thiệu mẫu Vision-S đã thực sự khích lệ chúng tôi cân nhắc xa hơn nữa về việc mang sự sáng tạo và công nghệ của mình để thay đổi trải nghiệm di chuyển từ nơi này tới nơi khác của khách hàng”, Chủ tịch Sony Kenichiro Yoshida cho biết tại một cuộc họp báo.

Đề cập tới công ty xe điện mới, ông Yoshida bày tỏ sự hào hứng và cho biết Sony này sẽ giúp đẩy nhanh hơn nữa nỗ lực lấn sân sang lĩnh vực xe điện của công ty. “Chúng tôi đang tiến tới ra mắt xe điện thương mại”, ông thông tin.

Theo ông Kenichiro Yoshida, Giám đốc điều hành (CEO) của Sony, với công nghệ hình ảnh, cảm biến, đám mây, 5G và giải trí cùng khả năng làm chủ nội dung của Sony, công ty có vị thế tốt để "định nghĩa lại" phương tiện di chuyển.

Mẫu xe điện thửu nghiệm Sony Vision-S 01 vàVision-S 02 được trưng bày tại CES 2022 - Ảnh: Reuters
Mẫu xe điện thửu nghiệm Sony Vision-S 01 vàVision-S 02 được trưng bày tại CES 2022 - Ảnh: Reuters

Mẫu sedan Vision-S 01 của Sony được trang bị động cơ điện 200 kW và có khả năng tự lái ở cấp độ hai với các tính năng như phanh tự động, kiểm soát hành trình để tự động dừng hoặc di chuyển theo xe phía trước khi có đèn đỏ hay tắc đường, hỗ trợ đỗ xe tự động… Trong năm 2021, công ty này đã bắt đầu thử nghiệm mẫu xe này trên đường phố công cộng.

Nền tảng xe điện của Sony do công ty Áo Magna Steyr sản xuất, còn phụ tùng được cung cấp bởi hãng Bosch của Đức cũng như một số công ty khác. Sony cho biết mẫu SUV Vision-S 02 sẽ sử dụng cùng nền tảng như Vision-S 01.

Sony - nổi tiếng với thiết bị điện tử và sản phẩm giải trí - dự định sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và robot để phát triển xe điện.

Vision-S 02 sẽ được trang bị các cảm biến của Sony, cho phép thực hiện một số chức năng tự lái và tận dụng chuyên môn về giải trí của công ty. Hành khách có thể chơi trò chơi video ngay khi đang di chuyển, đồng thời kết nối với bộ máy chơi game PlayStation ở nhà.

Sony lập công ty mới, gia nhập đường đua xe điện - Ảnh 1
Sony lập công ty mới, gia nhập đường đua xe điện - Ảnh 2
 

Một số hình ảnh khác của Vision-S 02 - Ảnh: Reuters

Theo các nhà phân tích, mục đích chính của xe điện thương hiệu Sony có thể là trở thành một phương tiện kết nối tự động cho các dịch vụ như chia sẻ ô tô, gọi xe. Theo ước tính của hãng nghiên cứu MarketsandMarkets, thị trường "di chuyển như một dịch vụ" (mobility as a service - MaaS) sẽ tăng trưởng bùng nổ, đạt giá trị 40 tỷ USD vào năm 2030, từ mức khoảng 3 tỷ USD năm 2021.

Cũng giống Sony, hãng công nghệ Mỹ Apple cũng được đồn đoán là đang cân nhắc phát triển và sản xuất xe điện riêng. Tin đồn này rộ lên vào tháng 4/2021 khi CEO Tim Cook của Apple tiết lộ rằng tự lái sẽ là một chức năng quan trọng của bất kỳ chiếc ô tô Apple nào. Tuy nhiên, đến nay hãng này chưa từng xác nhận kế hoạch phát triển xe điện.

Các hãng công nghệ, điện tử tiêu dùng lớn như LG Electronics của Hàn Quốc, Panasonic Corp của Nhật Bản hay Foxconn của Đài Loan cũng đang tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Sony có thể sẽ phải đầu tư lớn vào các nhà máy và thiết bị để sản xuất xe điện thương mại.

"Đây là mảng kinh doanh rất khó để thành công", nhà phân tích xe hơi Takaki Nakanishi tại Viện nghiên cứu Nakanishi nhận xét khi đề cập đến thông báo lập công ty xe điện của Sony. 

Hiện tại, công ty dẫn đầu thị trường xe điện toàn cầu là Tesla với mẫu xe điện đầu tiên ra mắt vào năm 2008. Hãng xe Mỹ đã phải rót hàng tỷ USD để tạo ra cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp xe điện và phụ thuộc lớn vào nguồn tiền từ các nhà đầu tư do liên tục thua lỗ trong nhiều năm.

Tin mới

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.