Subaru tiếp nối chuỗi bê bối "mất mặt" của ngành công nghiệp Nhật

Đức Anh
Hãng ôtô Subaru của Nhật mới đây thừa nhận đã thực hiện quy trình giám sát kỹ thuật trái quy định suốt 30 năm qua
Giám đốc điều hành Subaru - Yasuyuki Yoshinaga cúi đầu xin lỗi trong buổi họp báo ngày 27/10.
Giám đốc điều hành Subaru - Yasuyuki Yoshinaga cúi đầu xin lỗi trong buổi họp báo ngày 27/10.

Theo Bloomberg, cuối tuần trước, hãng ôtô Subaru cho biết dự kiến thu hồi 255.000 xe sau khi thừa nhận đã cho phép các nhân viên chưa được cấp giấy phép đủ trình độ tham gia kiểm định chất lượng xe. 

Subaru đã cho phép các nhân viên đang trong được đào tạo để nhận giấy phép này tham gia vào quy trình trên tại nhà máy lớn nhất của hãng tại Nhật Bản, Giám đốc điều hành Subaru - Yasuyuki Yoshinaga cho biết trong buổi họp báo ngày 27/10.

"Quy trình kiểm tra cuối cùng rất quan trọng và chúng tôi thừa nhận đã không làm đúng theo quy định", ông Yoshinaga nói. "Chúng tôi đã thực hiện quy trình này suốt hơn 30 năm qua mà không nhận ra nó trái với quy định của Bộ Giao thông".

Theo Subaru, sau khi phát hiện vụ việc, hãng đã cho dừng toàn bộ quy trình trái quy định này ngay lập tức và đang xem xét quy trình này lại từ đầu.

Vụ thu hồi này có thể khiến Subaru tiêu tốn hơn 5 tỷ Yên (44 triệu USD), Atsushi Osaki – Phó chủ tịch phụ trách kiểm soát chất lượng của hãng này, cho biết.

Ngay sau công bố trên, cổ phiếu Subaru giảm 2,6% trên sàn chứng khoán Tokyo, mức giảm mạnh nhất trong 4 tháng qua. Hiện 17% cổ phần Subaru thuộc sở hữu của Toyota.

Năm ngoái, Subaru xuất xưởng 727.741 xe tại Nhật, trong đó xuất khẩu 582.708 chiếc. Hiện tại, Mỹ là thị trường nước ngoài lớn nhất của hãng này. Số xe bị thu hồi lần này của Subaru bao gồm các mẫu xe được sản xuất cho Toyota.

Vụ việc của Subaru tiếp nối loạt bê bối làm "mất mặt" ngành công nghiệp Nhật vốn nổi tiếng với uy tín và chất lượng.

Trước đó, việc hãng sản xuất túi khí lớn nhất thế giới Takata giấu kín các lỗi kỹ thuật dẫn đến nhiều vụ nổ khiến hơn chục người tử vong gây chấn động toàn cầu. Vụ việc dẫn tới vụ thu hồi lớn nhất trong lịch sử ngành ôtô và khiến công ty này phải nộp đơn xin phá sản vào cuối tháng 6 vừa rồi.

Đầu tháng 10, hãng thép Kobe Steel của Nhật thừa nhận làm giả số liệu về độ bền của sản phẩm nhôm, thép do hãng sản xuất gây chấn động lớn khi sản phẩm của hãng này được dùng trong ôtô của nhiều thương hiệu nổi tiếng, tàu cao tốc và thậm chí cả máy bay, tên lửa.

Gần một tháng trước, hãng ôtô Nissan phải dừng sản xuất tại Nhật Bản để điều chỉnh quy trình kiểm tra chất lượng sau khi thu hồi hơn 1,21 triệu xe vì vi phạm tương tự như Subaru. Nissan đã thực hiện quy trình kiểm tra kỹ thuật trái quy định tại Nhật Bản từ năm 1979. 

Tuy nhiên, hãng này cho biết yêu cầu kỹ sư phải có chứng nhận đủ trình độ để tham gia kiểm tra kỹ thuật là quy định với ôtô dùng trong nội địa Nhật Bản, không áp dụng với các xe xuất khẩu. Hãng này cũng liên tục nhấn mạnh việc này không làm ảnh hưởng tới tính an toàn của xe. Ngay sau vụ việc này, chính phủ Nhật đã yêu cầu các nhà sản xuất ôtô khác phải rà soát lại quy trình sản xuất của mình.

Tin mới

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang gửi nhiều xe điện đến châu Âu hơn mức họ có thể bán, dẫn đến hàng nghìn chiếc trong số đó phải “tạm trú” ở các bến cảng. Tình trạng này khiến các nhà khai thác cảng không hài lòng vì tình trạng dư thừa ô tô của Trung Quốc đang cản trở các hoạt động khác của cảng. Một số người nói rằng chúng không còn là cảng nữa mà là bãi đậu xe cho xe điện Trung Quốc mới đến.
Những xu hướng của pin xe điện trong tương lai

Những xu hướng của pin xe điện trong tương lai

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang trải qua quá trình chuyển đổi cơ bản từ động cơ đốt trong sang hệ truyền động điện khí hóa. Quá trình này hiện đang trải qua một số khó khăn ngày càng tăng, nhưng sự phát triển của công nghệ pin xe điện (EV) thế hệ tiếp theo vẫn tiếp tục tiến triển không suy giảm.
Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thị trường ô tô Việt Nam được xác định đã “tạo đáy” trong ngắn hạn. Một số chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm phù hợp cân nhắc áp dụng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và gia tăng sản lượng. Trong đó, giảm lệ phí trước bạ luôn là chính sách được nhà sản xuất, đại lý phân phối và người tiêu dùng mong đợi.