Tham vọng vũ trụ của ba tỷ phú Jeff Bezos, Richard Branson và Elon Musk

Ngọc Trang
Xa hơn mục tiêu kinh doanh du lịch vũ trụ, cả Jeff Bezos, Richard Branson và Elon Musk đều có tham vọng lớn với các công ty khai phá vũ trụ của mình, trong Musk thậm chí muốn được chết trên Sao Hỏa...
Từ trái sang phải: tỷ phú Jeff Bezos, Richard Branson và Elon Musk - Ảnh: CNN/Getty Images
Từ trái sang phải: tỷ phú Jeff Bezos, Richard Branson và Elon Musk - Ảnh: CNN/Getty Images

Hai tỷ phú Jeff Bezos và Richard Branson vừa lần lượt thực hiện chuyến bay vào rìa vũ trụ trên tên lửa do công ty của mình chế tạo trong hai tuần qua. Hai chuyến bay lịch sử này mở ra một kỷ nguyên mới của lĩnh vực du lịch vũ trụ mà ở đó, công ty của hai tỷ phú sẽ cung cấp những chuyến tham quan ngoài Trái Đất dành cho những người đủ khả năng chi trả. 

ĐƯỜNG ĐUA DU LỊCH VŨ TRỤ "NÓNG" HƠN BAO GIỜ HẾT

Theo CNN, công ty Blue Origin của tỷ phú Bezos đã phát triển tên lửa có chiều cao hơn 5,5m cất và hạ cánh theo chiều thẳng đứng. Khoang tàu tách ra khỏi tên lửa đẩy trước khi bay vào rìa vũ trụ, rồi hạ cánh trở lại Trái Đất bằng dù.

Trong khi đó, công ty Virgin Galactic của tỷ phú Branson phát triển phương tiện máy bay vũ trụ do hai phi công điều khiển, cất cánh trên lưng máy bay vận chuyển và hạ cánh trên đường băng. 

Cả hai công ty đều đã bắt đầu quá trình tiếp thị chương trình du lịch vũ trụ cho khách hàng  khiến thị trường này càng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Chuyến du lịch của cả hai công ty đều cho hành khách cơ hội trải nghiệm cảm giác không trọng lực trong vài phút và ngắm nhìn Trái Đất từ trên cao.

Blue Origin có thể sẽ thực hiện 2 chuyến bay tương tự như của tỷ phú Jeff Bezos trong năm nay, dành cho những khách hàng trả phí, dù chưa tiết lộ mức giá vé.

Tỷ phú Jeff Bezos ở trạng thái không trọng lực trong chuyến bay hôm 20/7 - Ảnh: NBC News
Tỷ phú Jeff Bezos ở trạng thái không trọng lực trong chuyến bay hôm 20/7 - Ảnh: NBC News

Tuy nhiên, công ty này đã bán ít nhất 1 vé với giá hơn 28 triệu USD cho người thắng phiên đấu giá hồi tháng trước. Người này lẽ ra đã bay cùng chuyến vừa rồi với ông Bezos nhưng rút khỏi vào sát ngày do “xung đột lịch trình”. Người bí ẩn này dự kiến sẽ bay trong chuyến sắp tới của Blue Origin. 

Trong khi đó, Virgin Galactic dự kiến bay thêm một chuyến thử nghiệm nữa trước khi bắt đầu cung cấp dịch vụ cho gần 600 người đã mua vé với giá từ 200.000 - 250.000 USD - tương đương giá nhà trung bình tại Mỹ. Virgin Galactic hiện nhận đặt chỗ trước cho những hành khách mới và dự kiến bán vé với mức giá cao hơn. 

Tỷ phú Richard Branson trong chuyến bay ra rìa vũ trụ ngày 11/7 - Ảnh: Virgin Galactic
Tỷ phú Richard Branson trong chuyến bay ra rìa vũ trụ ngày 11/7 - Ảnh: Virgin Galactic

Ngoài Blue Origin và Virgin Galactic, công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk, cũng dự kiến thực hiện chuyến du lịch vũ trụ đầu tiên trong năm nay. Công ty này đã phát triển được một số tên lửa có khả năng đưa các phi hành gia của NASA lên quỹ đạo của Trái Đất trong nhiều ngày. Dù SpaceX chưa tiết lộ mức giá chính thức, nhưng một chuyến tham quan quỹ đạo Trái Đất như vậy có thể có giá khoảng 55 triệu USD/người. 

Khác với Jeff Bezos, Elon Musk chưa tiết lộ ông có tự mình bay vào vũ trụ trên tên lửa của SpaceX hay không, nhưng muốn một ngày nào đó được chết trên Sao Hỏa. 

THAM VỌNG KHÔNG CHỈ DỪNG LẠI Ở DU LỊCH VŨ TRỤ

Tuy nhiên, du lịch vũ trụ mới chỉ là bước đầu, nằm trong tầm nhìn lớn hơn về tham vọng khai phá vũ trụ của cả ba tỷ phú.

Với ông Bezos, các chuyến du lịch cận quỹ đạo của Blue Origin chỉ đơn thuần là cầu nối cho những tham vọng lớn hơn về sứ mệnh khai phá vũ trụ.

Theo tỷ phú giàu nhất thế giới, các nền văn minh trên Trái Đất đang đứng trước cuộc khủng hoảng về cung cấp năng lượng mà chỉ có thể giải quyết bằng cách khai thác những nguồn tài nguyên ngoài Trái Đất. 

“Chúng ta thực sự phải chuyển các ngành công nghiệp nặng và gây ô nhiễm - như năng lượng và chip - ra khỏi Trái Đất”, ông Bezos từng nói. 

Bezos cho rằng việc này sẽ chưa thể thành hiện thực khi ông còn sống, nhưng kỳ vọng Blue Origin sẽ tạo ra những công nghệ mới để đặt nền móng cho sứ mệnh đó, như tên lửa có thể tái sử dụng.

Hiện tại, tên lửa New Shepard do Blue Origin phát triển đã giúp cung cấp thông tin để thiết kế các tàu đổ bộ vào Mặt Trăng, hỗ trợ các hoạt động thương mại trên Mặt Trăng như khai thác băng nước để làm nhiên liệu cho tên lửa hoặc các dự án không gian lớn khác. 

Ông Bezos cũng hy vọng một ngày nào đó hàng triệu người có thể sống và làm việc ngoài vũ trụ, có thể bên trong các trạm vũ trụ khổng lồ như đề xuất được nhà vật lý Gerard O'Neill của Đại học Princeton (Mỹ) vào những năm 1970. 

Trong khi đó, tỷ phú Branson kỳ vọng công nghệ tàu vũ trụ siêu thanh của Virgin Galactic có thể mở ra ngành kinh doanh du lịch giữa các điểm đến, đưa hành khách toàn cầu tới các điểm du lịch trong khoảng thời gian nhanh hơn đáng kể so với tàu vũ trụ thương mại truyền thống. 

Tỷ phú Elon Musk muốn được chết trên Sao Hỏa - Ảnh: AP
Tỷ phú Elon Musk muốn được chết trên Sao Hỏa - Ảnh: AP

Còn với Elon Musk, ông tham vọng đưa con người lên định cư tại Sao Hỏa và xây dựng nền văn minh loài người trên hành tinh đỏ. SpaceX đang chế tạo, thử nghiệm một tên lửa khổng lồ để thực hiện sứ mệnh này. 

Bên cạnh đó, cả ba tỷ phú đều kỳ vọng việc theo đuổi những tham vọng vũ trụ của mình sẽ truyền cảm hứng cho một thế hệ doanh nhân và nhà thám hiểm vũ trụ mới. 

Tuy nhiên, tham vọng của 3 tỷ phú cũng đối mặt với không ít trở ngại, trong đó một số người chỉ trích đây là những hành động nhằm tích trữ tài sản và trốn thuế dưới danh nghĩa theo đuổi tham vọng lớn lao và không mang lại tác dụng đáng kể với vô vàn vấn đề cấp bách mà nhân loại đang phải đối mặt (như biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19, bất ổn chính trị toàn cầu, khủng hoảng nhà ở và vô gia cư...).

Mặc dù vậy, bên cạnh những chỉ trích, vẫn có nhiều người ủng hộ các chuyến bay vào vũ trụ của họ những ngày gần đây. 

Tin mới

Tín chỉ carbon: Nguồn lợi tỷ USD cho VinFast trong tương lai?

Tín chỉ carbon: Nguồn lợi tỷ USD cho VinFast trong tương lai?

Tín chỉ carbon có thể là một khái niệm xa lạ và không tác động trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng chúng là tài sản rất quan trọng mà các công ty ô tô cần cân nhắc. Trên thế giới, khái niệm này đã được nhiều quốc gia áp dụng và nhiều công ty đã thu được nguồn lợi không nhỏ.
Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang gửi nhiều xe điện đến châu Âu hơn mức họ có thể bán, dẫn đến hàng nghìn chiếc trong số đó phải “tạm trú” ở các bến cảng. Tình trạng này khiến các nhà khai thác cảng không hài lòng vì tình trạng dư thừa ô tô của Trung Quốc đang cản trở các hoạt động khác của cảng. Một số người nói rằng chúng không còn là cảng nữa mà là bãi đậu xe cho xe điện Trung Quốc mới đến.