Thị trường lao động 2022: Chìa khóa nào để giữ chân nguồn lao động ?

Phúc Minh
Dù còn nhiều thách thức, nhưng theo dự báo của các chuyên gia, thị trường lao động năm 2022 đang ghi nhận những tín hiệu khởi sắc khi số người có việc làm tăng, đặc biệt trong quý 1. Tuy nhiên, để giữ chân được lao động, nhất là sau Tết thì các quy chế về lương thưởng sẽ cần được công khai hơn...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong năm 2021, sự bùng phát của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động, số người không có việc làm và thất nghiệp tăng, thu nhập của người lao động giảm.

THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VẪN NHIỀU KHÓ KHĂN

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, ước tính số người bị mất việc làm chiếm khoảng 5% và 32% số người phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; gần 50% người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên.

Trong bối cảnh đó, cơ quan này đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động với  hàng loạt giải pháp nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc. Đồng  thời, chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động.

Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến; thực hiện chính sách cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Về phía các địa phương cũng đã chủ động thực hiện linh hoạt các phương thức sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”; có giải pháp để duy trì lực lượng lao động, bảo đảm sức khỏe, an toàn và đời sống cho người lao động, nhất là trong các khu công nghiệp tập trung, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn lao động cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong quý 4/2021, các doanh nghiệp hoạt động trở lại, tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất nhằm sớm phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Do đó, thị trường lao động cuối năm có dấu hiệu phục hồi khi số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng tăng, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm so với quý 3.

Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021 thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp năm 2021 cao hơn năm trước, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp lao động trong độ tuổi khu vực thành thị ở mức cao là 4,42%; tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,33%.

CÔNG KHAI LƯƠNG, THƯỞNG ĐỂ GIỮ CHÂN LAO ĐỘNG

Dù còn nhiều thách thức trong nỗ lực phục hồi thị trường lao động, song với chiến lược thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 và tốc độ bao phủ vaccine rộng, các dự báo cho thấy thị trường lao động trong năm 2022 sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan và tiếp tục khởi sắc.

Điều này thể hiện rõ ở các thị trường lao động lớn trong nước. Đơn cử tại TP.HCM, theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, năm 2022, thị trường lao động thành phố tiếp tục phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Dự kiến toàn thành phố có 4.931.790 lao động làm việc; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,96%, công nghiệp – xây dựng chiếm 37,15%, thương mại – dịch vụ chiếm 61,89%.

Lao động làm việc trong các doanh nghiệp dự báo khoảng trên 3 triệu người. Đáng chú ý, nhu cầu về lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật tăng lên đáng kể, nhân lực qua đào tạo chiếm 86,28%.

Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp dự báo tiếp tục tăng. Ảnh minh họa - N.Dương. 
Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp dự báo tiếp tục tăng. Ảnh minh họa - N.Dương. 

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, năm 2022, thành phố đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 300.000 lượt người lao động, chú trọng đào tạo lao động cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu và lĩnh vực chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

“Để hỗ trợ lao động sau Tết quay trở lại làm việc tại các doanh nghiệp, thành phố sẽ có các chính sách đặc thù như về nhà ở xã hội giá thấp, vận động các chủ nhà trọ giảm giá thuê phòng, tổ chức các khu lưu trú cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đặc biệt, công khai thang, bảng lương, quy chế lương thưởng để giữ chân người lao động”, ông Lê Minh Tấn thông tin.

Còn tại Hà Nội, dù cho rằng sẽ có những khó khăn trong bối cảnh số ca nhiễm luôn dẫn đầu cả nước gần một tháng qua, song ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, thị trường lao động Thủ đô sẽ tiếp tục khởi sắc, đặc biệt trong quý 1/2022 – thời điểm mà hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhộn nhịp nhất để hoàn thiện các đơn hàng phục vụ cho Tết Nguyên đán.  

Ông Thành dự báo, những ngành nghề dự kiến sẽ có xu hướng tuyển dụng tăng trên địa bàn như: công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ, thương mại điện tử, logistic, vận tải, kho bãi, một số nhóm ngành nghề về phân tích dữ liệu, thương mại quốc tế. Riêng một số nhóm ngành nghề truyền thống năm qua có nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh thì năm 2022 dự báo vẫn tiếp tục xu hướng này như công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Dự báo về thị trường lao động trong năm 2022, chuyên gia Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nói sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong quý đầu năm 2022, khi các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thiện các đơn hàng phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Do đó, nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao.

Tổng cục Thống kê cũng đánh giá, thị trường lao động vẫn đứng trước nhiều thử thách, đòi hỏi nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo.

Đơn vị này đề xuất cần triển khai kịp thời và hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau đại dịch. Xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách khuyến khích người lao động, đặc biệt là thanh niên tích cực học tập nâng cao trình độ để có các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Đồng thời, cần nghiên cứu các chính sách tài khóa phù hợp để kích cầu đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, từ đó, kích thích phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Tin mới

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đe dọa kế hoạch xe xanh của Tổng thống Biden

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đe dọa kế hoạch xe xanh của Tổng thống Biden

Kế hoạch của chính quyền Tổng thống Biden nhằm áp dụng các mức thuế mới nặng hơn đối với xe điện và pin của Trung Quốc sẽ mang lại sự bảo vệ tạm thời cho việc làm trong lĩnh vực ô tô của Mỹ, nhưng có thể gây thiệt hại cho những nỗ lực của Nhà Trắng nhằm chống lại biến đổi khí hậu bằng cách đẩy nhanh việc áp dụng xe điện của Mỹ.
Khi các các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản “hết phép”, điều gì sẽ xảy ra?

Khi các các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản “hết phép”, điều gì sẽ xảy ra?

Một loạt các nhà sản xuất ô tô toàn cầu, trong đó có các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, đang ngày càng có xu thế chuyển hướng sang hợp tác với các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc trong nỗ lực giành lại thị phần tại một trong những thị trường ô tô lớn nhất và thay đổi nhanh nhất thế giới.
Xe điện mini biến giấc mơ "phổ cập ô tô" của người dân Việt sớm thành hiện thực

Xe điện mini biến giấc mơ "phổ cập ô tô" của người dân Việt sớm thành hiện thực

Sự xuất hiện của VinFast VF 3 không chỉ “khuấy động” phân khúc xe điện mini tại Việt Nam mà còn khiến giấc mơ ô tô của người dân trở nên gần hơn bao giờ hết. Qua những trải nghiệm ban đầu, nhiều ý kiến cho rằng, VF 3 và các mẫu xe tương tự có thể là “chìa khóa” cho giao thông xanh, tiết kiệm và hiệu quả dành cho mọi gia đình.