Thị trường ôtô Trung Quốc phá mọi kỷ lục về doanh số

Diệp Vũ
Năm 2013, tất cả ba hãng xe lớn nhất thế giới đều đạt mức doanh số cao chưa từng có tại thị trường Trung Quốc
Tiến trình “ô tô hóa” của Trung Quốc đã và đang mở ra những cơ hội lớn cho các hãng xe ngoại - Ảnh: Bloomberg.<br>
Tiến trình “ô tô hóa” của Trung Quốc đã và đang mở ra những cơ hội lớn cho các hãng xe ngoại - Ảnh: Bloomberg.<br>
Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đạt mức doanh số 20 triệu ôtô trong vòng 1 năm. Tất cả ba hãng xe lớn nhất của thế giới là Toyota, General Motor (GM) và Volkswagen cùng đạt doanh số kỷ lục tại Trung Quốc trong năm 2013.

Theo tin từ Bloomberg, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc (CAMA) ngày 9/1 công bố số liệu cho thấy, trong năm ngoái, doanh số thị trường ôtô của nước này tăng 14%, đạt mức 21,98 triệu xe. Theo dự báo mà CAMA đưa ra, thị trường ôtô Trung Quốc có khả năng đạt doanh số 24 triệu xe trong năm nay.

Tiến trình “ôtô hóa” của Trung Quốc đã và đang mở ra những cơ hội lớn cho các hãng xe ngoại. Năm 2013, tất cả ba hãng xe lớn nhất thế giới đều đạt mức doanh số cao chưa từng có tại thị trường này.

Trong đó, hãng GM của Mỹ có doanh số tại Trung Quốc tăng 11%, lên mức 3,16 triệu xe. Đây là năm thứ 8 liên tiếp, “đại gia” công nghiệp ôtô Mỹ có mức doanh số cao hơn bất kỳ hãng xe ngoại nào tại Trung Quốc.

Hãng Volkswagen của Đức đã phá vỡ kỷ lục doanh số của chính mình thiết lập vào năm 2012 tại Trung Quốc ngay trong 11 tháng đầu năm 2013 khi bán được 2,96 triệu xe tại thị trường này.

Hãng Ford thì được hưởng lợi từ việc người tiêu dùng Trung Quốc chuộng mẫu Focus. Năm 2013, doanh số của Ford tại Trung Quốc tăng 49%, đạt mức 935.813 xe, đánh dấu năm đầu tiên hãng này có doanh số cao hơn Toyota tại Trung Quốc.

Trong khi đó, doanh số của Toyota tại Trung Quốc tăng 9,2% lên mức kỷ lục 915.700 xe trong năm 2013 và dự báo sẽ vượt ngưỡng 1,1 triệu xe trong năm nay. Tuy vậy, Toyota hiện chỉ là hãng xe ngoại đứng thứ 6 tại Trung Quốc về doanh số.

Hai hãng xe Nhật khác là Nissan và Honda cùng đạt doanh số cao chưa từng có tại Trung Quốc sau khi chứng kiến doanh số giảm trong năm 2012 do phong trào tẩy chay xe Nhật liên quan tới tranh chấp lãnh thổ trên biển giữa hai nước.

Trái ngược với tình hình khả quan của các hãng xe ngoại, các thương hiệu xe Trung Quốc nói chung chứng kiến tổng thị phần tại “sân nhà” giảm 1,6 điểm phần trăm trong năm 2013, còn 40,3% - theo số liệu mà CAMA đưa ra. Số lượng xe xuất khẩu của các hãng xe Trung Quốc cũng giảm 7,5%, đánh dấu năm giảm đầu tiên sau 4 năm liên tục tăng.

Nguyên nhân của sự suy giảm này được cho là nhu cầu không ổn định của thị trường nước ngoài và sức cạnh tranh còn hạn chế của xe “made in China”.

Quá trình “ôtô hóa” của Trung Quốc đang đem đến những cơ hội béo bở cho các nhà sản xuất xe nước ngoài. Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ của thị trường ô tô lại gây ra không ít áp lực cho Chính phủ Trung Quốc khi ô nhiễm và tắc nghẽn giao thông gia tăng. Thời gian gần đây, không khí ở Bắc Kinh ô nhiễm đến nỗi, người già và trẻ em thường xuyên được cảnh báo nên ở trong nhà.

Hiện Bắc Kinh đang áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế số lượng xe hơi, trong khi thành phố Thiên Tân đặt ra mức trần về biển số xe được cấp trong năm nay. Khi các đô thị lớn đưa ra các biện pháp hạn chế như vậy, các hãng xe sẽ phải dựa vào thị trường tại các thành phố nhỏ hơn để tìm kiếm sự tăng trưởng.

Tin mới

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Từng là biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô thế giới, những năm gần đây, vị thế của dòng xe sedan đang bị thử thách bởi sự tăng trưởng mạnh của dòng xe SUV, MPV. Tại Việt Nam, doanh số sedan liên tục sụt giảm, khiến cuộc cạnh tranh trong từng phân khúc ngày càng trở nên khốc liệt hơn.
Tín chỉ carbon: “Miếng bánh” ít người biết của Tesla

Tín chỉ carbon: “Miếng bánh” ít người biết của Tesla

Tín chỉ carbon không tác động trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng chúng là tài sản rất quan trọng mà các công ty ô tô cần cân nhắc và chúng sẽ định hình tương lai của ngành. Trong khi nhiều hãng xe khác đang loay hoay tìm hướng đi trong cuộc đua điện khí hoá thì Tesla của Elon Musk đã tạo ra khoản tiền đáng kể 1,79 tỷ USD từ việc bán tín dụng carbon năm 2023, nâng tổng thu nhập từ các khoản tín dụng từ tín chỉ carbon kể từ năm 2009 lên gần 9 tỷ USD.