Thu ngân sách 9 tháng cán mốc 1 triệu tỷ đồng

Ánh Tuyết
Tổng thu ngân sách nhà nước tính đến hết tháng 9 đã cán mốc 1.084,7 nghìn tỷ đồng. Cân đối ngân sách vẫn duy trì thặng dư 54,2 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên, đây chưa hẳn là tín hiệu đáng mừng...
Thu nội địa đuối sức do giãn cách kéo dài tại nhiều tỉnh, thành phố.
Thu nội địa đuối sức do giãn cách kéo dài tại nhiều tỉnh, thành phố.

Cập nhật thông tin đến ngày 14/10, Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết ngày 30/9, lũy kế thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 1.084,7 nghìn tỷ đồng, bằng 80,75% dự toán, tăng 10,75% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngân sách trung ương ước đạt 76,82% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 85,56% dự toán.

 
“Mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm vẫn đảm bảo tiến độ dự toán và tăng so với cùng kỳ, nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020”. 
Bộ Tài chính.

Trong đó, thu nội địa đạt 878,5 nghìn tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán. Thu từ dầu thô đạt 29,4 nghìn tỷ đồng, bằng 126,64% dự toán. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 176,2 nghìn tỷ đồng, bằng 98,7% dự toán.

Đáng quan ngại, do dịch bệnh bùng phát và lan rộng trên nhiều tỉnh, thành khiến giãn cách xã hội trên 23 tỉnh thành phố khiến thu nội địa tính riêng tháng 9 chỉ đạt 55,1 nghìn tỷ đồng, giảm sâu khoảng 11 nghìn tỷ đồng so với tháng 8. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng giảm 2,8 nghìn tỷ đồng so với tháng trước,  đạt 25,59 nghìn tỷ đồng; sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ, thu cân đối ngân sách là 13,5 nghìn tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách nhà nước tháng 9 ước đạt 116,3 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 9 tháng ước đạt 1.030,5 nghìn tỷ đồng, bằng 61,1% dự toán.

Đáng lo ngại, chi đầu tư phát triển đạt 218,55 nghìn tỷ đồng, bằng 45,8% dự toán Quốc hội quyết định. So với kế hoạch Thủ tướng giao vốn đầu tư công năm nay là 461.300 tỷ đồng thì vẫn còn khoảng 242.750 tỷ đồng chưa giải ngân. Ngoài ra, chi trả nợ lãi đạt 79,3 nghìn tỷ đồng, bằng 72,1% dự toán. Chi thường xuyên đạt gần 725,3 nghìn tỷ đồng, bằng 70% dự toán.

Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 9 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách. Cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ Tài chính cho biết thêm, ước tính đến hết tháng 9, ngân sách nhà nước đã chi 29,1 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó do đại dịch Covid-19. Trong đó, chi cho phòng chống dịch là 19,7 nghìn tỷ đồng và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là 9,4 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 là 5,2 nghìn tỷ đồng để mua vaccine. Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung 2.199 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 mua bù gạo dự trữ quốc gia, đã xuất cấp để viện trợ, cứu trợ và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

 
Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối ngân sách nhà nước 9 tháng có thặng dư 54,2 nghìn tỷ đồng. So sánh với cùng kỳ năm 2020, ngân sách thâm hụt lên đến 138,4 nghìn tỷ đồng. 

Mặc dù ngân sách vẫn "dư dả", nhưng kết quả đó chưa hẳn là tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế. Tốc độ chi ngân sách cho đầu tư phát triển sụt giảm không phải do thiếu nhu cầu, mà do hàng loạt vướng mắc về thủ tục cùng nhiều nguyên nhân chủ quan khác. Giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước mới đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân của cùng kỳ năm 2020 (56,33%).

Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công.

Lũy kế đến hết tháng 9/2021 đã thực hiện phát hành được 237,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,21 năm, lãi suất bình quân 2,26%/năm.

Tin mới

#Auto Hashtag: Xe điện mini có phải là lời giải cho giao thông đô thị tại Việt Nam?

#Auto Hashtag: Xe điện mini có phải là lời giải cho giao thông đô thị tại Việt Nam?

Việt Nam chuẩn bị cán mốc 100 triệu dân và đang bước vào giai đoạn ô tô hóa. Mặc dù vậy, Việt Nam đang phải giải quyết hai bài toán hóc búa, bao gồm vấn đề ùn tắc giao thông và giảm phát thải, hướng đến Net Zero vào năm 2050. Thế nhưng hiện nay, chúng ta đang có một loại phương tiện có thể góp phần đẩy nhanh tiến trình giải quyết hai bài toán này. Đó là xe điện mini. Vậy dòng xe này sẽ có những đóng góp cụ thể nào cho giao thông đô thị? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay!
Cách xe điện mini chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản

Cách xe điện mini chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản

Năm 2011, Nissan và Mitsubishi Motors, liên minh gồm ba công ty, trong đó có Renault của Pháp, đã thành lập NMKV, một liên doanh nhằm đồng phát triển các loại xe mini được phân loại là “xe kei” ở Nhật Bản. Hai thương hiệu cho đến nay đã phát hành nhiều mẫu xe kei và đạt được những thành công ngoài mong đợi.
Cách hãng xe Lynk & Co giải quyết nỗi lo “cần và đủ” cho khách hàng Việt

Cách hãng xe Lynk & Co giải quyết nỗi lo “cần và đủ” cho khách hàng Việt

Với người dùng Việt Nam, chất lượng sản phẩm là điều kiện “cần” trong khi vấn đề hậu mãi là điều kiện “đủ” để quyết định mua một chiếc ô tô. Để đáp ứng được hai tiêu chí này thực tế không hề dễ dàng. Tuy nhiên, dù là một thương hiệu mới vào thị trường Việt, Lynk & Co đã cho thấy sự kỹ lưỡng trong việc chinh phục thị trường. Với kim chỉ nam để chinh phục khách hàng trong hoạt động bán hàng là phải đảm bảo chất lượng và chế độ hậu mãi, Lynk & Co được giới chuyên môn đánh giá cao trong sự kỹ lưỡng của mình.