Thu phí lưu hành xe: “Còn phải bàn rất kỹ”

Nguyên Vũ
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trả lời báo chí về đề xuất thu phí lưu hành phương tiện cá nhân
Đề xuất thu phí lưu hành của Bộ Giao thông Vận tải vẫn đang gây tranh cãi.
Đề xuất thu phí lưu hành của Bộ Giao thông Vận tải vẫn đang gây tranh cãi.
Quan điểm cá nhân và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về việc thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân vào trung tâm thành phố giờ cao điểm là câu hỏi đã được báo chí đặt ra với Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, chiều 9/1.

Đề xuất được cho là ảnh hưởng đến toàn dân nói trên vốn là vấn đề đang rất nóng lại càng nóng hơn, sau hội nghị của ngành giao thông cuối tuần qua, một số báo điện tử đã dẫn lại lời Bộ trưởng Đinh La Thăng, rằng giải pháp này đã được thông qua tại Quốc hội, vậy nhưng khi Bộ đề xuất thì cứ như là vấn đề từ “trên trời rơi xuống”, khi một số vị đại biểu Quốc hội trả lời báo chí là cần xem xét lại vấn đề này.

Theo Bộ trưởng thì "các đại biểu cũng cần có trách nhiệm, đây là chủ trương của Đảng, của Quốc hội". Bộ trưởng cũng đã yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông quốc gia báo cáo Thường vụ Quốc hội về việc đại biểu Quốc hội không tán đồng với đề án thu phí lưu hành.

Trả lời báo chí, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu nói rằng, tại diễn đàn Quốc hội kỳ họp vừa qua chỉ nói ý chung là phải thay đổi chế độ phí và lệ phí để có thể tạo ra động lực mới thu hút các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế khác ngoài vốn nhà nước, vì vấn đề phí hiện nay chưa hợp lý, hấp dẫn nên chưa thu hút được đầu tư theo hình thức như PPP, nhưng "Quốc hội cũng chưa bàn cụ thể việc này".

Theo ông Lưu, hiện tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa nghe, chưa xem đề án cụ thể của Chính phủ.

“Báo chí và dư luận xã hội hiện nay thì rất nhiều chiều nhưng quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là có 1 loại phí như vậy, mục đích không chỉ là giảm ùn tắc giao thông, xử lý vấn đề tai nạn giao thông mà hơn thế là thêm một nguồn lực, nguồn vốn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng , duy tu bảo dưỡng. Mức bao nhiêu, thu như thế nào, đối với phương tiện gì thì còn phải bàn rất kỹ nữa”, ông Lưu nói.

Lưu ý báo chí rằng mình không phải là một chuyên gia kinh tế, khi tiếp tục nhận được câu hỏi về sự hợp lý của đề xuất thu thêm phí khi mỗi phương tiện đi lại của người dân hiện đã cõng quá nhiều loại thuế, phí rồi, ông Lưu cho biết, khi trình đề án ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì phải xem xét toàn diện xem trong lĩnh vực giao thông hiện có những loại thuế gì, phí gì, mức như thế nào, làm thế nào cho hợp lý, vừa đảm bảo nguồn lực cho đầu tư nhưng lại vẫn phù hợp thu nhập hiện tại của người dân.

“Nguyên nhân và giải pháp giải quyết ùn tắc không phụ thuộc vào vấn đề phí, lệ phí này mà cần 1 loạt giải pháp. Song bây giờ cái gì có thể làm được thì chúng ta phải cố gắng làm để mang lại lợi ích chung, giải pháp nào mang lại sự an toàn, hiệu quả thì chúng ta ủng hộ. Nhưng biện pháp cụ thể như nào thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần có đề án cụ thể thì lúc đó mới nói rõ được ý kiến của mình”, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

Tin mới

Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thị trường ô tô Việt Nam được xác định đã “tạo đáy” trong ngắn hạn. Một số chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm phù hợp cân nhắc áp dụng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và gia tăng sản lượng. Trong đó, giảm lệ phí trước bạ luôn là chính sách được nhà sản xuất, đại lý phân phối và người tiêu dùng mong đợi.
Sắp hết ưu đãi 100% lệ phí trước bạ, cơ hội nào cho xe điện tại Việt Nam?

Sắp hết ưu đãi 100% lệ phí trước bạ, cơ hội nào cho xe điện tại Việt Nam?

Thị trường ô tô điện tại Việt Nam có thể gặp thách thức vào năm 2025, khi ưu đãi về lệ phí trước bạ giảm xuống một nửa. Khoảng thời gian còn lại chỉ vừa đủ để các nhà sản xuất ô tô ra mắt những mẫu xe mới, phát triển hệ thống đại lý phân phối và gia tăng nhận diện thương hiệu tới người tiêu dùng.