Thủ tướng: “Phải đối xử công bằng giữa ôtô sản xuất trong nước và nhập khẩu”

Đức Thọ
Chính phủ sẽ có những chính sách phù hợp để tạo sự công bằng giữa ôtô sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà máy sản xuất ôtô Thaco Mazda vừa được khánh thành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà máy sản xuất ôtô Thaco Mazda vừa được khánh thành.

"Chính phủ Việt Nam khẳng định quan điểm đối xử với các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô là bình đẳng, không phân biệt doanh nghiệp trong nước, ngoài nước mà cùng hướng đến mục tiêu chung là phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam".

Quan điểm trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định khi tham dự lễ khánh thành nhà máy sản xuất ôtô du lịch Mazda lớn nhất khu vực Đông Nam Á do Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đầu tư, xây dựng.

Bên cạnh quan điểm đối xử giữa hai loại hình doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ sẽ có những chính sách phù hợp để tạo sự công bằng giữa ôtô sản xuất trong nước (CKD) và ôtô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU).

"Dĩ nhiên, tôi xin khẳng định rằng việc bảo vệ sản xuất trong nước phải đúng với các thông lệ, các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên", Thủ tướng phát biểu.

Đáng chú ý, các quan điểm được Thủ tướng nêu rõ ngay trong lễ khánh thành nhà máy ôtô với sự tham dự của các quan chức cấp cao từ tập đoàn Mazda Nhật Bản.

Thủ tướng cũng cho rằng, việc Thaco đưa nhà máy Mazda có quy mô và công nghệ hiện đại hàng đầu khu vực đi vào hoạt động đã và đang chứng minh tính đúng đắn của chiến lược phát triển công nghiệp ôtô trong nước đã được Chính phủ ban hành.

Ngành ôtô Việt Nam đã hội nhập hoàn toàn vào khu vực ASEAN khi ngay đầu năm 2018 thuế suất nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước nội khối đã giảm về 0%, cùng với đó là những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra những cơ hội cũng như thách thức lớn, buộc phải đầu tư phát triển ngành công nghiệp ôtô theo xu thế thế giới.

Trong bối cảnh đó, "ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đã xuất hiện những doanh nghiệp có tiềm lực, đầu tư lớn, bài bản, quyết tâm tạo ra thương hiệu với mục tiêu tham gia chuỗi giá trị công nghiệp ôtô theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, lấy tiêu chuẩn khu vực và quốc tế làm mục tiêu cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu. Các điển hình có thể kể đến như Thaco, Thành Công và Vinfast", Thủ tướng nêu rõ.

Đối với Thaco, một trong những điển hình của ngành công nghiệp ôtô trong nước hiện nay, Thủ tướng cũng đề nghị doanh nghiệp cần có những kế hoạch cụ thể để phát triển hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu, đồng thời nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.

Thủ tướng cũng đề nghị tập đoàn Mazda tiếp tục hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất, đặc biệt sản xuất các linh kiện, phụ tùng để ngày càng có nhiều sản phẩm linh kiện ôtô được sản xuất tại Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Thaco sớm hoàn thành giai đoạn 2 của nhà máy, nâng công suất lên mức 100.000 xe/năm theo đúng cam kết.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ban, ngành tiếp tục hoàn thiện các chính sách, các quy định pháp luật liên quan đến phát triển ngành công nghiệp ôtô và tăng cường kiểm soát chất lượng ôtô ở Việt Nam; đồng thời hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, tăng cường kiểm soát nhập khẩu ôtô trong nội khối ASEAN theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), bảo đảm đáp ứng các điều kiện được hưởng thuế suất 0% đúng quy định của pháp luật.

Tin mới

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.