Tín hiệu đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam vẫn lạc quan so với thế giới

Bảo Bình
Năm 2023, các công ty khởi nghiệp Việt Nam nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước. Tuy nhiên, so với mức giảm 35% trên toàn cầu, mức giảm 17% cho thấy thị trường Việt Nam vẫn đang vững vàng trước rất nhiều thách thức trên thị trường vốn…
Đầu tư cho đổi mới sáng tạo và công nghệ cao của Việt Nam chứng kiến ​​sự tăng trưởng và phát triển đáng kể khi vượt "cơn gió ngược" toàn cầu. Ảnh minh họa
Đầu tư cho đổi mới sáng tạo và công nghệ cao của Việt Nam chứng kiến ​​sự tăng trưởng và phát triển đáng kể khi vượt "cơn gió ngược" toàn cầu. Ảnh minh họa

Theo Báo cáo Đổi mới Sáng tạo & Đầu tư Công nghệ Việt Nam 2024, trong những năm gần đây, Việt Nam đang nổi lên trong khu vực về cơ hội đầu tư trong lĩnh vực công nghệ. Nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất tại Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp vào năm 2022 và 2023.

Sự tăng trưởng nhanh chóng này là nhờ vào yếu tố như tỷ lệ sử dụng Internet cao, các chính sách ưu đãi của chính phủ, và hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ.

Theo Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023, Việt Nam tăng hai bậc lên vị trí thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế. Việt Nam cũng được xếp hạng là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

NĂM 2023, CÁC CÔNG TY KHỞI NGHIỆP VIỆT NAM NHẬN ĐƯỢC TỔNG SỐ VỐN ĐẦU TƯ LÀ 529 TRIỆU USD

Với số lượng người trẻ sử dụng công nghệ ngày càng tăng, kết hợp với nỗ lực đẩy mạnh số hóa trên phạm vi quốc gia, Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ để có thể khai thác toàn bộ tiềm năng của kinh tế số. 

Giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, đổi mới sáng tạo đã trở thành động lực quan trọng cho mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam. Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Do Ventures, 2021 là một năm kỷ lục của thị trường vốn đầu tư mạo hiểm và hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam, nhưng 2022 là một năm đầy thách thức và 2023 tiếp tục là một năm khó khăn với nền kinh tế toàn cầu và cả Việt Nam.

Vì thế, năm 2023, các công ty khởi nghiệp Việt Nam nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước. Những số liệu này cho thấy, từ sau năm kỷ lục 2021, thị trường đầu tư công nghệ tại Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế toàn cầu nhiều biến động hiện nay.

Tuy nhiên, theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, so với mức giảm 35% của tổng số vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu, mức giảm 17% cho thấy thị trường Việt Nam vẫn đang vững vàng trước rất nhiều thách thức trên thị trường vốn. Ngoài ra, số lượng thương vụ duy trì tương đối ổn định, chỉ giảm nhẹ 9% xuống còn 122 thương vụ. Điều đó cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn.

Đặc biệt, vào nửa cuối năm 2023, số lượng thương vụ đầu tư vào các công ty công nghệ tăng lên so với nửa đầu năm. Tuy nhiên, do quy mô thương vụ nhỏ hơn nên tổng giá trị đầu tư trong nửa cuối năm thấp hơn so với nửa đầu năm.

Giá trị đầu tư trong nửa cuối năm 2023 vẫn tăng 34% so với năm trước, đồng thời vượt qua mức cùng kỳ năm 2020. Sau mức giảm mạnh ở giá trị đầu tư vào nửa cuối năm 2022 so với mức đỉnh của nửa cuối năm 2021, các dấu hiệu sự phục hồi bắt đầu xuất hiện vào nửa cuối năm 2023.

Biểu đồ về diễn biến tổng giá trị đầu tư và số lượng thương vụ đầu tư trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam từ năm 2013 đến 2023. Nguồn: Nghiên cứu của Do Ventures, NIC, và Cento Ventures
Biểu đồ về diễn biến tổng giá trị đầu tư và số lượng thương vụ đầu tư trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam từ năm 2013 đến 2023. Nguồn: Nghiên cứu của Do Ventures, NIC, và Cento Ventures

Theo các chuyên gia, năm 2023, đầu tư cho đổi mới sáng tạo và công nghệ cao của Việt Nam chứng kiến ​​sự tăng trưởng và phát triển đáng kể khi vượt "cơn gió ngược" toàn cầu. Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia đứng đầu khu vực trong thu hút lượng đầu tư vào đổi mới sáng tạo, tập trung vào các lĩnh vực như thương mại điện tử, fintech và trí tuệ nhân tạo. Dòng vốn này đã góp phần quan trọng cho phát triển của các doanh nghiệp trong nước và minh chứng cho môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ngày càng thuận lợi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp.

Một thực tế đáng lưu ý khác nữa là ngoại trừ các thương vụ trị giá hơn 50 triệu USD, số lượng thương vụ trong phạm vi từ 0,5 triệu USD - 3 triệu USD chứng kiến mức giảm ít nhất, cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn phát triển ổn định với sự ra đời và hoạt động gọi vốn của các công ty mới.

Đồng thời, xu hướng này cho thấy các nhà đầu tư vẫn giữ góc nhìn lạc quan đối với các thương vụ ở giai đoạn đầu với sự tin tưởng vào năng lực vượt trội của những nhà sáng lập khởi nghiệp trong giai đoạn thử thách.

Y TẾ VÀ GIÁO DỤC LÀ HAI LĨNH VỰC NHẬN ĐƯỢC SỐ VỐN ĐẦU TƯ KỶ LỤC

Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam giữ vững vị trí thứ ba về số lượng thương vụ đầu tư và giành lại vị trí thứ ba về tổng giá trị đầu tư. Singapore dẫn đầu cả về số lượng thương vụ và tổng giá trị đầu tư, theo sau là Indonesia.

Lĩnh vực y tế nhận được số vốn cao kỷ lục, tăng vọt 391% so với cùng kỳ năm trước, trở thành lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất. Trong khi đó, lĩnh vực giáo dục cũng nhận số vốn cao nhất từ trước tới nay, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2023, gần 100 quỹ đã rót vốn vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam. Singapore dẫn đầu với vai trò là nhà đầu tư tích cực nhất vào thị trường Việt Nam, xếp thứ hai là các nhà đầu tư nội địa. Tổng số quỹ đầu tư vào Việt Nam có sự sụt giảm trong năm vừa qua, thấp hơn con số ghi nhận năm 2020, cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục thận trọng trong việc ra quyết định trong giai đoạn thị trường vốn còn nhiều thách thức.

Hiểu được thị trường thoái vốn ở Việt Nam là yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường công nghệ đang phát triển nhanh chóng của nước ta. Thông qua những bối cảnh này, các nhà đầu tư có thể đưa ra những quyết định phù hợp với môi trường kinh doanh đặc thù tại Việt Nam.

Báo cáo cho biết thị trường thoái vốn ở Việt Nam đang cho thấy những bước phát triển tích cực, thể hiện qua sự tăng trưởng đáng chú ý của thị trường đại chúng, cơ chế quản lý thị trường chứng khoán ngày một cải tiến, và sức ảnh hưởng gia tăng của các tập đoàn nội địa trên thị trường M&A.

Các chỉ số Internet của Việt Nam, giúp mang lại nền kinh tế số với tốc độ tăng trưởng cao nhất tại Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp vào năm 2022 và 2023. Nguồn: We are social
Các chỉ số Internet của Việt Nam, giúp mang lại nền kinh tế số với tốc độ tăng trưởng cao nhất tại Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp vào năm 2022 và 2023. Nguồn: We are social

Những bước phát triển này có được là nhờ cam kết kiên định của Chính phủ Việt Nam đối với đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra một loạt sáng kiến nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các công ty công nghệ phát huy thế mạnh. 

Với lực lượng dân số trẻ đông đảo, đam mê công nghệ và sự quyết tâm, vào cuộc của các cơ quan trung ương, địa phương, Việt Nam đang dần khẳng định là một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và công nghệ toàn cầu.

Báo cáo Đổi mới Sáng tạo & Đầu tư Công nghệ Việt Nam 2024 đã cung cấp góc nhìn tổng quát về xu hướng đầu tư vào hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, đồng thời phân tích bức tranh thị trường thoái vốn với rất nhiều cơ hội tại Việt Nam hiện nay. 

Bằng cách tận dụng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được những cơ hội giá trị, kết nối với các nhà đầu tư và đảm bảo nguồn tài trợ cần thiết để thúc đẩy các hoạt động kinh doanh theo định hướng đổi mới sáng tạo.

Tin mới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc đang trang bị thêm các phụ kiện công nghệ cao như một hướng đi mới cho xe của họ nhằm thu hút khách hàng. Các nhà điều hành và chuyên gia ô tô cho biết khách hàng Trung Quốc muốn ô tô của họ phải ngày càng "thông minh hơn".
Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhìn bề ngoài, thị trường Tây Âu dành cho tất cả xe sedan và SUV vào năm 2024 đã chậm lại một chút nhưng có vẻ vẫn “khỏe mạnh”. GlobalData cho biết họ dự kiến doanh số bán hàng của châu Âu sẽ tăng 4,5% trong năm nay lên 11,98 triệu chiếc, chậm hơn nhiều so với mức tăng 13,9% của năm ngoái. Nhưng ngành ô tô ở châu Âu đang rơi vào tình trạng hỗn loạn khi tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện chậm lại bất ngờ đặt ra câu hỏi về lượng vốn khổng lồ đầu tư vào phát triển chúng.
#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

Một sản phẩm vay mượn có thể dễ dàng được hoàn thiện ở phần vỏ bên ngoài, nhưng rất khó để đạt được chất lượng và sự vận hành ổn định, bền bỉ ở bên trong. Trong nhiều năm, các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã tìm cách khắc phục những sai lầm trước đó để mang đến những sản phẩm mới nhất và có giá trị nhất cho thị trường thế giới. Thế nhưng, để có thể thay đổi được những định kiến cũ và tạo niềm tin cho người tiêu dùng thì xe Trung Quốc cần thời gian để hoàn thiện về chất lượng. Đó cũng là nội dung chủ đề sẽ được chúng tôi phân tích trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay.