Toàn cảnh vụ bê bối “nói dối” của Volkswagen

An Huy
Những vấn đề chính trong vụ bê bối đang khiến hãng xe Đức Volkswagen điêu đứng
Vụ bê bối gian lận này của Volkswagen đã lan rộng khắp thế giới. Hãng 
ước tính có khoảng 11 triệu xe do hãng sản xuất có gắn phần mềm gian lận
 trên phạm vi toàn cầu.
Vụ bê bối gian lận này của Volkswagen đã lan rộng khắp thế giới. Hãng ước tính có khoảng 11 triệu xe do hãng sản xuất có gắn phần mềm gian lận trên phạm vi toàn cầu.
Mấy ngày qua, ngành công nghiệp ôtô toàn cầu rúng động vì vụ bê bối gian lận khí thải của Volkswagen. Có tới 11 triệu xe do hãng xe Đức sản xuất bị ảnh hưởng trong vụ bê bối này, và giá cổ phiếu của Volkswagen liên tục sụt giảm với tốc độ chóng mặt.

Hãng tin CNBC điểm lại những vấn đề chính trong vụ bê bối đang khiến Volkswagen điêu đứng.

Volkswagen đã gian lận thế nào?


Volkswagen bị phát hiện lừa dối trong các cuộc kiểm tra về mức độ gây ô nhiễm ở Mỹ. Hãng này đã lắp đặt một phần mềm tinh vi mà giới truyền thông gọi là “thiết bị nói dối” vào mô-đun điều khiển điện tử của các mẫu xe chạy nhiên liệu diesel sản xuất trong thời gian 2008-2015.

Dựa trên vị trí của bánh xe dẫn động, tốc độ xe, thời gian vận hành động cơ, và áp suất khí áp kế, thiết bị này có thể cảm ứng khi chiếc xe trong quá trình kiểm tra phát thải. Một khi thu thập được các dữ liệu đầu vào này, phần mềm gian lận sẽ chuyển sang “chế độ kiểm tra” ngay khi hai bánh xe trước của chiếc xe nằm trên một động lực kế.

Điều này cho phép bộ phận kiểm soát khí thải hoạt động tối đa trong khi chiếc xe bị kiểm tra mức phát thải. Tuy vậy, trên thực tế, khi chiếc xe chạy trên đường, mức phát thải cao gấp 10-40 lần tiêu chuẩn cho phép.

Những cáo buộc nhằm vào Volkswagen được Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đưa ra hôm 18/9, sau khi các nhà nghiên cứu độc lập đặt ra những nghi vấn về mức độ phát thải của xe chạy diesel do Volkswagen sản xuất. Cáo buộc này khiến các cơ quan giám sát của Chính phủ Mỹ đã vào cuộc để tiến hành điều tra kỹ lưỡng hơn.

Khi được cơ quan giám sát đề nghị giải thích, EPA nói Volkswagen đã thừa nhận xe của họ được gắn phần mềm gian lận.

Volkswagen phản ứng thế nào?


Các lãnh đạo cao cấp của Volkswagen đã lần lượt lên tiếng trong những ngày gần đây. Giám đốc điều hành (CEO) Martin Winterkorn của Volkswagen bày tỏ “lời xin lỗi sâu sắc” vì đã phá vỡ niềm tin của công chúng vừa hứa Volkswagen sẽ hợp tác đầy đủ với cơ quan chức năng.

Ngoài ra, hãng này cũng tiến hành một cuộc điều tra nội bộ để làm sáng tỏ gian lận.

Trong một chương trình giới thiệu xe mới tại Brooklyn, Mỹ vào tuần này, CEO Volkswagen tại thị trường Bắc Mỹ Michael Horn, đưa ra lời “thú tội” nói rằng “công ty của chúng tôi không trung thực”, và Volkswagen đang “suy sụp hoàn toàn”. Tuy vậy, trong một thông cáo báo chí ra ngày 21/9, Volkswagen chỉ nói thiết bị gian lận khí thải là phần mềm “không phù hợp quy định”.

“Chúng tôi không và sẽ không bao giờ bỏ qua cho bất kỳ sự vi phạm nào đối với các quy định nội bộ hoặc pháp luật”, CEO Winterkorn nói trong tuyên bố.

Volkswagen sẽ bị xử lý ra sao?

EPA cho biết, hãng xe Đức này có thể chịu bị nhà chức trách Mỹ áp mức phạt 37.500 USD mỗi xe vi phạm. Do Volkswagen đã bán khoảng 482.000 xe chạy diesel tại thị trường Mỹ từ năm 2008, nên tổng số tiền phạt có thể lên tới 18 tỷ USD.

Ngoài ra, hãng xe này còn có nguy cơ đối mặt với đơn kiện tập thể từ người tiêu dùng. Chưa kể, Bộ Tư pháp Mỹ có khả năng đã bắt đầu một cuộc điều tra hình sự nhằm vào vụ bê bối này của Volkswagen.

Hiện EPA chưa yêu cầu Volkswagen phải thu hồi toàn bộ số xe gian lận, nhưng có khả năng sẽ đưa ra yêu cầu này trong thời gian tới và buộc nhà sản xuất phải chịu các chi phí sửa chữa cần thiết. Tuy vạy, EPA cho rằng những chiếc xe chạy diesel có phần mềm gian lận của Volkswagen vẫn an toàn để sử dụng.

Bê bối của Volkswagen chỉ giới hạn ở Mỹ?

Vụ bê bối gian lận này của Volkswagen đã lan rộng khắp thế giới. Hãng ước tính có khoảng 11 triệu xe do hãng sản xuất có gắn phần mềm gian lận trên phạm vi toàn cầu.

Theo một số nguồn tin, cơ quan chức năng châu Âu đang chuẩn bị triệu tập một cuộc họp để bàn về vụ việc này. Một số nước như Italy và Thụy Sỹ đã tiến hành điều tra riêng. Đức, quốc gia quê hương của Volkswagen, cũng dự kiến sẽ thực hiện các biện pháp kiểm tra bổ sung.

Hàn Quốc nói sẽ điều tra Volkswagen và triệu tập đại diện của hãng xe này tới để thảo luận về vụ việc.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá cổ phiếu Volkswagen giảm gần 19%, xuống mức thấp nhất trong 4 năm, sau khi “bốc hơi” 17% trong phiên đầu tuần.

Khả năng chịu đựng của Volkswagen tới mức nào?


Một báo cáo của tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch cho rằng Volkswagen đủ khả năng để gánh mức phạt 18 tỷ mà Mỹ có thể đưa ra, nhưng khả năng hãng bị phạt tới 18 tỷ USD là thấp. Fitch đánh giá cao về cơ cấu tài chính của Volkswagen và dòng tiền tự do mạnh của hãng xe này. Fitch dự báo, dòng tiền tự do của Volkswagen có thể đạt 3,5 tỷ Euro trong năm 2015.

Trong một tuyên bố ra ngày 22/9, Volkswagen cho biết đã trích lập dự phòng 6,5 tỷ Euro để giải quyết vụ bê bối và cho biết con số này có thể được điều chỉnh trong quá trình diễn ra cuộc điều tra. Ngoài ra, hãng cũng dự kiến điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận.

Một số nhà phân tích tỏ ra không mấy lo ngại về tình hình của Volkswagen. Ngân hàng Thụy Sỹ UBS nói vẫn lạc quan về cổ phiếu Volkswagen.

Volkswagen sẽ thay đổi nhân sự?

“Tôi tin chắc là sẽ có hệ quả về nhân sự trong vụ này”, ông Olaf Lies, Bộ trưởng Bộ Kinh tế bang Lower Saxony của Đức, nhận xét. Chính quyền bang này có nắm giữ cổ phiếu Volkswagen.

Hiện chưa rõ ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong vụ bê bối này, nhưng đã xuất hiện những tin đồn về khả năng mất việc của CEO Winterkorn. Theo một số nhận định, Winterkorn không có cơ hội để giữ ghế CEO của Volkswagen, bởi hãng này cần có nhân sự mới để thúc đẩy một sự khởi đầu mới.

Tin mới

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.