Trung Quốc gia nhập CPTPP, Mỹ có nguy cơ "ra rìa"?

Hoài Thu
Trong khi Trung Quốc đang hướng tới trở thành thành viên của CPTPP, một trong những hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, không thấy “bóng dáng” Mỹ ở các hiệp định như vậy...
Mỹ rút khỏi CPTPP vào năm 2017 dưới thời Tổng thống Donald Trump, trong khi Trung Quốc vừa đăng ký gia nhập hiệp định này - Ảnh: Vox EU
Mỹ rút khỏi CPTPP vào năm 2017 dưới thời Tổng thống Donald Trump, trong khi Trung Quốc vừa đăng ký gia nhập hiệp định này - Ảnh: Vox EU

Ngày 16/9, Trung Quốc thông báo đã đăng ký gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Thông tin này hầu như không xuất hiện trang nhất của các tờ báo tại Mỹ. Khi được hỏi, Nhà Trắng đã gạt đi những quan ngại rằng Washington đang tụt hậu so với Trung Quốc - đối thủ kinh tế chính của mình.

Theo chiến lược gia về kinh tế và địa chính trị Brian Klein, một cựu quan chức ngoại giao và thương mại của Mỹ, việc Trung Quốc xúc tiến tham gia CPTPP – hiệp định mà Mỹ rút khỏi dưới thời Tổng thống Donald Trump – thực sự là một vấn đề lớn với chính quyền của Tổng thống Joe Biden.

KHÔNG THỂ LÀM NGƠ CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI

“Sau 9 tháng, chính quyền của ông Biden chưa đưa ra chính sách thương mại rõ ràng. Mỹ có thể vẫn thúc đẩy lập trường cô lập như kế hoạch ‘xây dựng lại tốt hơn’ với việc tập trung vào người lao động và sản xuất Mỹ. Tuy nhiên, họ không thể làm ngơ thực tế về các hiệp định thương mại”, ông Klein nhận định trong bài chia sẻ đăng tải trên tờ SCMP.

Hiện tại, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang hướng tới trở thành thành viên của một trong những hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, trong khi không thấy “bóng dáng” Mỹ ở các hiệp định như vậy.

Theo chiến lược gia Klein, để có được ảnh hưởng về kinh tế cần phải tham gia vào thương mại toàn cầu và không có phương thức ngoại giao nào thay thế được sức mạnh thương mại – yếu tố nền tảng cho các mối quan hệ chính trị.

“Nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn, các quốc gia trên khắp châu Á sẽ trở nên phụ thuộc hơn vào thị trường Trung Quốc. Và không ai có thể đổ lỗi cho họ khi theo đuổi lợi ích kinh tế của riêng mình thay vì theo đuổi lý tưởng của một quốc gia cách họ nửa vòng Trái Đất”, ông Klein nhận định.

Theo ông Klein, việc chính quyền của ông Biden coi trọng lợi ích của người lao động có thể khiến các công đoàn hài lòng, nhưng việc thiếu chính sách thương mại cũng sẽ khiến người Mỹ phải trả giá. Đó là sự hạn chế trong khả năng tiếp cận các thị trường đang phát triển cũng như giảm chi phí cho hàng hóa nhập khẩu.

Đại diện các nước thành viên CPTPP ký kết hiệp định vào ngày 8/3/2018 tại thành phố Sanpo, Chile - Ảnh: Reuters
Đại diện các nước thành viên CPTPP ký kết hiệp định vào ngày 8/3/2018 tại thành phố Sanpo, Chile - Ảnh: Reuters

Các hiệp định thương mại trước đây từng làm “tổn thương” người lao động Mỹ khi việc làm được chuyển sang cho các thị trường lao động giá rẻ hơn. Nếu không có lợi thế về lao động và các tiêu chuẩn về môi trường, thương mại quốc tế có thể là cuộc đua xuống đáy, “lợi bất cập hại”.

Theo ông Klein, đây là những lập luận không nên được lấy làm lý do để cản trở các chính sách thương mại tiến bộ, bao gồm việc khuyến khích đào tạo lại, bảo vệ người lao động và môi trường, đồng thời mở rộng các cơ hội giao thương.

MỸ CHƯA RÕ RÀNG TRONG CHÍNH SÁCH THƯƠNG MẠI?

Chiến lược gia Klein cho rằng những bài phát biểu và tuyên bố về chính sách gần đây cho thấy Nhà Trắng vẫn chưa có một kế hoạch rõ ràng để cải thiện quan hệ kinh tế với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trong cuộc họp báo ngày 16/9, khi được hỏi về việc Trung Quốc tham gia CPTPP, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ đang xem xét một loạt các lựa chọn để xây dựng mối quan hệ đối tác kinh tế mạnh mẽ hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

“Thương mại không phải là cách duy nhất. Có nhiều cách để chúng tôi tạo ra quan hệ cũng như các mối quan hệ đối tác”, bà Psakia phát biểu nhưng không nêu rõ những cách đó cụ thể là gì.

Vài ngày sau đó, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ công bố một tài liệu ngắn đáng chú ý về cuộc họp của các bộ trưởng kinh tế ASEAN. Trong đó, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai nhấn mạnh cam kết của chính quyền Tổng thống Biden trong việc tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ - ASEAN, được củng cố bởi Thoả thuận Khung về Đầu tư và Thương mại Mỹ - ASEAN.

Theo chiến lược gia Klein, đây là thỏa thuận có từ năm 2006 và là một trong những loại thỏa thuận về thương mại yếu nhất bởi chỉ đơn thuần thiết lập một khuôn khổ hành chính cho các cuộc đàm phán mà không có các cam kết thực chất.

Cũng theo chiến lược gia này, chuyến công du tới Đông Nam Á vào cuối tháng 8 của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris chưa đi sâu vào những cam kết cụ thể. Trong bài phát biểu ngày 24/8 tại Singapore, bà Harris cho biết xuất khẩu của Mỹ sang khu vực này hỗ trợ 4 triệu người lao động Mỹ và đạt kim ngạch thương mại song phương gần 2.000 tỷ USD. Sau đó bà liệt kê một số mối quan tâm chung, mối quan hệ đối tác và việc phải hành động cùng nhau chủ yếu bằng các thuật ngữ trừu tượng, ông Klein nhận định.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại Singapore ngày 24/8 trước khi khởi hành sang Việt Nam - điểm đến thứ hai trong chuyến công du châu Á hồi tháng cuối tháng 8 - Ảnh: AP
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại Singapore ngày 24/8 trước khi khởi hành sang Việt Nam - điểm đến thứ hai trong chuyến công du châu Á hồi tháng cuối tháng 8 - Ảnh: AP

“Chẳng có đề xuất cụ thể nào để tăng cường quan hệ kinh tế, cũng không có cuộc đàm phán thương mại mới nào, thậm chí còn không có tín hiệu ‘đèn xanh’ để khu vực này (Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương) tham gia và hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ và các ngành công nghiệp chủ chốt. Tuyên bố về kinh tế đáng kế nhất là về việc đề nghị đăng cai tổ chức Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2023”, ông Klein nhận xét về chuyến công du Đông Nam Á của bà Harris.

“Hẳn các nước trong khu vực này đã tự hỏi Mỹ đưa ra được điều gì ngoài việc tuyên bố đảm bảo an ninh - bao gồm quyền tự do hàng hải ở Biển Đông - và địa điểm tổ chức một hội nghị 2 năm sau”, chiến lược gia người Mỹ nói.

Theo ông Klein, nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, quan hệ thương mại của nước này với các quốc gia châu Á vốn đã phụ thuộc đáng kể vào thị trường nước này sẽ càng được củng cố hơn nữa. Và khi việc này mang đến cho Bắc Kinh đòn bẩy chính trị lớn hơn với các nước trong khu vực, Mỹ lại không đưa ra được lựa chọn thay thế nào.

“Washington đang phung phí một trong những tài sản quốc tế giá trị nhất của mình - một thị trường công bằng và dễ tiếp cận", ông Klein nhận định.

Theo chiến lược gia này, nếu Mỹ không nắm lấy các cơ hội, hoạt động kinh tế sẽ chảy tới những thị trường dễ tiếp cận hơn. CPTPP giúp giảm thuế quan với nhiều mặt hàng, mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương và điều này cũng có lợi cho Mỹ.

“Ngoài những tác động địa chính trị, chính sách thương mại tiến bộ sẽ thực sự giúp chính quyền Biden đạt được các mục tiêu xây dựng lại nước Mỹ”, ông Klein cho biết. “Một mục tiêu quan trọng của Mỹ là đảm bảo chuỗi cung ứng. Do đó, việc tăng cường thương mại với nhóm các quốc gia đa dạng với nhiều mặt hàng đa dạng giúp Mỹ đạt được điều đó. Các công ty Mỹ nên được tiếp cận hàng và nguồn cung ứng ở nơi có lợi thế cạnh tranh. Nếu để Trung Quốc giành được những lợi thế này, cả người lao động và người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả giá”.

Đó là chưa kể Trung Quốc hiện là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và đang đẩy nhanh việc đưa hiệp định này vào thực thi. RCEP được xem là khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới được ký kết vào tháng 11/2020 với sự tham gia của 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Tham gia Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok (BIMS) 2024 tại Thái Lan là bước đi quan trọng của VinFast trong chiến lược mở rộng thị trường tại Đông Nam Á. Một số chuyên gia nhận định đây là thị trường ô tô đầy tiềm năng trong tương lai, cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không ít.
Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.