VCCI: Quy định lắp camera trước 1/7 tăng gánh nặng cho doanh nghiệp

Ánh Tuyết
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng việc yêu cầu lắp camera trước thời điểm 1/7 tới đây sẽ tăng thêm gánh nặng, gây lãng phí cho doanh nghiệp vận tải...
Trước ngày 1/7, ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ phải lắp camera giám sát
Trước ngày 1/7, ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ phải lắp camera giám sát

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý về dự thảo Báo cáo và quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ Giao thông vận tải.

KIẾN NGHỊ LÙI THỜI HẠN 1 NĂM

Đáng chú ý, VCCI đề nghị Bộ Giao thông vận tải cân nhắc phương án lùi thời hạn bắt buộc phải lắp camera theo quy định, từ ngày 01/07/2021 sang 01/7/2022.

Bên cạnh đó, "cần đánh giá tác động của quy định việc yêu cầu lắp camera và điều chỉnh cơ chế quản lý phù hợp đối với vận tải bằng ô tô theo hướng tránh trùng lặp về các mục tiêu quản lý đối với các biện pháp quản lý đang áp dụng cho ngành nghề kinh doanh này và giảm gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp", VCCI nhấn mạnh.

Được biết, theo khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 14 Nghị định 10/2010/NĐ-CP quy định trước ngày 01/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông.

Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo: tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 km; tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 km.

Cũng theo khoản 1 Điều 1 Thông tư 02/2021/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung Điều 8 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về yêu cầu kỹ thuật của dữ liệu lưu trữ tại camera lắp trên xe và “đơn vị kinh doanh vận tải quyết định vị trí, số lượng camera lắp đặt trên xe ô tô thuộc đơn vị mình đảm bảo quan sát được toàn bộ hình ảnh người lái xe đang làm việc, khoang hành khách và các cửa lên xuống của xe”.

Như vậy, ngày 1/7/2021 là hạn cuối các loại xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp camera.

Đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ôtô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định đối với loại xe có quy định phải lắp camera..., theo khoản 6 Điều 28 Nghị định số 100/2019 ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, sẽ bị phạt tiền từ 5-6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10-12 triệu đồng đối với tổ chức.

3 LÝ DO GÂY KHÓ CHO DOANH NGHIỆP

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội, chi phí cho việc lắp camera khoảng 5-10 triệu đồng/xe khách và 5 triệu/xe tải; chi phí truyền dẫn dữ liệu khoảng 1.200.000 đồng – 1.500.000 đồng/năm. Đây là chi phí khá lớn, doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện quy định này.

Vì vậy, chưa phù hợp trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều chính sách cắt giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19.

 
"Đề nghị Bộ Giao thông vận tải cần xây dựng các quy chuẩn về tiêu chuẩn kỹ thuật, ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể trong việc thực hiện lắp đặt camera. Lúc đó, mới nên tham mưu với Chính phủ về thời hạn thực hiện, Bộ cũng cần lưu ý không gây thêm khó khăn trong thời điểm dịch Covid đang hoành hành này", Hiệp hội Vận tải Hành khách Công cộng Thành phố Hà Nội (HAPTA) kiến nghị.

Cũng theo Hiệp hội Vận tải Hành khách Công cộng Thành phố Hà Nội (HAPTA), vì việc trang bị, lắp camera nhiều doanh nghiệp vận tải đã chủ động tự đầu tư, trang bị, nay nếu phải thay đổi sẽ rất lãng phí, nhất là 2 năm gần đây, dịch bệnh đã làm cho các doanh nghiệp kiệt quệ.

Sau khi ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, theo phân tích của VCCI, quy định này gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp bởi ba lý do.

Thứ nhất, quy định này trùng lặp về mục tiêu quản lý nhà nước. Hiện tại, theo quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải, doanh nghiệp vừa phải lắp camera, vừa phải lắp thiết bị giám sát hành trìn. Nhiều thông tin từ hai thiết bị này gần như trùng khớp nhau.

Mặt khác, bên cạnh yêu cầu việc lắp các thiết bị này, các quy định hiện hành cũng yêu cầu về trách nhiệm của doanh nghiệp, bến xe hàng phải thực hiện một số nghĩa vụ để kiểm soát việc lái xe an toàn của lái xe. Do đó, có thể thấy, việc yêu cầu lắp camera tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Thứ hai, gây lãng phí cho doanh nghiệp. Theo phản ánh của một số hiệp hội vận tải, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã lắp camera để phục vụ cho hoạt động quản lý doanh nghiệp. Các camera này có nguy cơ phải tháo ra để lắp camera mới để đảm bảo khả năng truyền dẫn dữ liệu. Việc này sẽ gây lãng phí lớn về tài sản cho doanh nghiệp.

Thứ ba, khó trong thực hiện. Theo phản ánh của doanh nghiệp, hiện nay chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc hướng dẫn về việc lắp camera do đó doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc lựa chọn loại camera để lắp và truyền dẫn theo quy định.

Tin mới

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Từng là biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô thế giới, những năm gần đây, vị thế của dòng xe sedan đang bị thử thách bởi sự tăng trưởng mạnh của dòng xe SUV, MPV. Tại Việt Nam, doanh số sedan liên tục sụt giảm, khiến cuộc cạnh tranh trong từng phân khúc ngày càng trở nên khốc liệt hơn.