Việt Nam nên ưu tiên phát triển ô tô hybrid

Tuấn Sơn
Các chuyên gia nhận định Việt Nam đang ở giai đoạn phù hợp nhất để phát triển các loại xe hybrid trong chiến lược điện hoá ô tô nhằm giảm thiểu tác hại đến môi trường và hạn chế sử dụng nhiên liệu hoá thạch...
Corolla Cross phiên bản Hybrid - mẫu xe hybrid phổ thông đầu tiên tại Việt Nam.
Corolla Cross phiên bản Hybrid - mẫu xe hybrid phổ thông đầu tiên tại Việt Nam.

Trước những thách thức về môi trường, nhiều nước trên thế giới và các hãng xe ô tô đang đặt ra lộ trình phát triển các loại xe điện hoá để tiến tới dừng sản xuất mới toàn bộ các loại xe sử dụng động cơ đốt trong. Đa số các hãng ô tô lớn trên thế giới đều đặt ra mục tiêu từ năm 2035 - 2040 chỉ bán các loại xe điện.

Tuy nhiên, xe điện hoá tại Việt Nam vẫn còn là một khái niệm mới mẻ đối với phần lớn người tiêu dùng. Trên thực tế, tỷ lệ các loại xe điện hoá đang sử dụng tại Việt Nam cũng rất thấp. Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tính đến năm 2019, số lượng xe điện hóa (hybrid, plug-in hybrid và xe thuần điện) lưu hành tại Việt Nam mới chỉ đạt vẻn vẹn…140 chiếc, đến năm 2020 tăng lên 900 chiếc. Riêng trong quý 1/2021, số lượng xe điện hoá đăng ký lưu hành đạt 600 chiếc. Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, số lượng xe ô tô hybrid tại Việt Nam đang thấp hơn Thái Lan đến 35 lần.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với đặc thù giao thông ở Việt Nam hiện nay, phương tiện phù hợp nhất chính là các loại xe xăng lai điện (hybrid). Đây là loại hình ô tô sử dụng kết hợp năng lượng điện và năng lượng từ động cơ đốt trong. Trong ngành công nghiệp ô tô, xe hybrid cũng được coi là công nghệ cốt lõi của các loại xe điện hoá và đồng thời là nền tảng cho sự phát triển của nhiều công nghệ trong tương lai.

Phân loại xe điện hóa hiện nay
Phân loại xe điện hóa hiện nay

Ông Vivek Vaidya, chuyên gia của hãng đánh giá độc lập Frost and Sullivan (Mỹ), cho rằng thay vì “nhảy cóc” đến mục tiêu phủ rộng xe thuần điện (BEV), trước mắt Việt Nam nên phát triển mạnh mẽ loại hình xe hybrid (HEV).

Bởi lẽ, so với xe thuần điện, xe hybrid có lợi thế ở việc không phải cắm sạc ngoài, pin điện có tuổi thọ tương đương với tuổi thọ của xe, hoạt động bảo trì bảo dưỡng không phức tạp hơn xe thuần sử dụng nhiên liệu truyền thống. Đây là các đặc tính phù hợp với điều kiện giao thông và cả thói quen sử dụng ô tô của người dân Việt Nam.

Xe hybrid trên thực tế cũng đáp ứng rất tốt các tiêu chí về bảo vệ môi trường. Theo thống kê, tính đến năm 2020, tổng doanh số xe điện hóa của Toyota trên toàn cầu đã đạt 16 triệu chiếc, mức tiết kiệm nhiên liệu toàn cầu đạt 52 tỷ lít và lượng khí thải CO2 giảm hơn 139 triệu tấn so với các loại động cơ đốt trong.

Ngay tại Việt Nam, Viện Cơ khí Động lực (thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng đã tiến hành thử nghiệm và so sánh phiên bản thường và phiên bản hybrid của mẫu xe Toyota Corolla Cross. Kết quả cho thấy xe hybrid của Toyota có thể giúp tiết kiệm gần 50% nhiên liệu, đồng thời với việc giảm lượng lớn phát thải CO2 ra môi trường.

Cụ thể, phiên bản hybrid Corolla Cross 1.8HV chỉ tiêu thụ 4,7 lít xăng cho 100km trong điều kiện giao thông hỗn hợp, thấp hơn đến 58% so với phiên bản sử dụng thuần động cơ đốt trong. Khi vận hành trên đường cao tốc, mức độ tiêu thụ nhiên liệu giữa hai phiên bản không còn chênh lệch nhiều do xe hybrid ít có điều kiện sử dụng pin điện hơn.

Ở điều kiện thử nghiệm tương tự, phiên bản Corolla Cross 1.8HV trang bị công nghệ hybrid khi vận hành trên đường hỗn hợp chỉ có mức phát thải 11,5 kg khí CO2 cho 100km. Con số này ở phiên bản Corolla Cross 1.8V là 26,98 kg/100km, cao hơn 57,4% so với phiên bản hybrid.

Như vậy, có thể thấy rất rõ xe trang bị công nghệ hybrid vừa tiết kiệm nhiên liệu đồng thời vừa giảm lượng khi phát thải CO2 ra môi trường đến gần 60% so với xe sử dụng động cơ đốt trong thuần tuý. Điều kiện thử nghiệm được Viện Cơ khí Động lực thực hiện được đánh giá là tương tự với điều kiện sử dụng ô tô phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay.

Việt Nam nên ưu tiên phát triển ô tô hybrid - Ảnh 1

Dựa trên các kết quả nghiên cứu, chuyên gia Vivek Vaidya (F&S) cho rằng xe hybrid sẽ là phân khúc lớn nhất trong khoảng 10 năm tới, chiếm tới 30,4% tổng ô tô bán ra vào năm 2030 trên toàn cầu. Riêng với Việt Nam, xe hybrid càng phù hợp hơn trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Do đó, Chính phủ cần sớm ban hành những chính sách phù hợp để khuyến khích đổi mới công nghệ, tiến tới điện hóa ngành công nghiệp ô tô và thị trường ô tô.

Xe Hybrid hoàn toàn đủ điều kiện để được ưu đãi thuế tương tự các loại xe điện hóa khác.
Xe Hybrid hoàn toàn đủ điều kiện để được ưu đãi thuế tương tự các loại xe điện hóa khác.

Thực tế một số nước trong khu vực cũng đang áp dụng các chính sách ưu đãi thuế cho các loại xe điện hoá như hybrid (HEV), xe hybrid có sạc ngoài (PHEV), xe chạy bằng khí hydro (FCEV) và xe thuần điện (BEV).

Chẳng hạn tại Thái Lan, kể từ năm 2016 quốc gia này đã điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên lượng khí phát thải CO2. Theo đó, những loại xe hybrid có lượng khi phát thải CO2 từ 50g/km trở xuống chỉ phải chịu mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 8%, tương đương với xe thuần điện (BEV) và thấp hơn rất nhiều so với xe sử dụng động cơ đốt trong.

Malaysia lại không chia các mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt khác nhau mà áp mức cố định chung 10% cho toàn bộ các loại xe điện hoá. Điều đó đồng nghĩa, xe hybrid hay xe thuần điện tại Malaysia đều chịu một mức thuế ưu đãi chung thấp hơn rất nhiều so với mức thuế 60-105% áp dụng cho xe xăng, dầu.

Thuế Tiêu thụ đặc biệt ô tô dựa trên mức phát thải CO2 tại Thái Lan:

Việt Nam nên ưu tiên phát triển ô tô hybrid - Ảnh 2

Tin mới

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Từng là biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô thế giới, những năm gần đây, vị thế của dòng xe sedan đang bị thử thách bởi sự tăng trưởng mạnh của dòng xe SUV, MPV. Tại Việt Nam, doanh số sedan liên tục sụt giảm, khiến cuộc cạnh tranh trong từng phân khúc ngày càng trở nên khốc liệt hơn.
Tín chỉ carbon: “Miếng bánh” ít người biết của Tesla

Tín chỉ carbon: “Miếng bánh” ít người biết của Tesla

Tín chỉ carbon không tác động trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng chúng là tài sản rất quan trọng mà các công ty ô tô cần cân nhắc và chúng sẽ định hình tương lai của ngành. Trong khi nhiều hãng xe khác đang loay hoay tìm hướng đi trong cuộc đua điện khí hoá thì Tesla của Elon Musk đã tạo ra khoản tiền đáng kể 1,79 tỷ USD từ việc bán tín dụng carbon năm 2023, nâng tổng thu nhập từ các khoản tín dụng từ tín chỉ carbon kể từ năm 2009 lên gần 9 tỷ USD.