“Việt Nam ngày càng nhiều xe xịn”

Diệp Anh
Với nhiều người Việt, mua xe sang còn là bởi cái tiếng. Đó cũng có thể coi là một kiểu đầu tư
Audi A6 2012 được giới thiệu tại AutoExpo 2011 - Ảnh: Bobi.
Audi A6 2012 được giới thiệu tại AutoExpo 2011 - Ảnh: Bobi.
Thị trường xe sang trọng đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Đó là cảm nhận của phóng viên hãng tin AFP, anh Ian Timberlake. Theo tác giả, thị trường xe sang ở Việt Nam vẫn rất tiềm năng và ngày càng có nhiều thương hiệu lớn đang nhắm tới Việt Nam.

VnEconomy giới thiệu tới độc giả bản lược dịch bài viết này.

Tại một cuộc triển lãm xe hơi ở Hà Nội, một thiếu nữ trong bộ váy màu bạc bó sát đang khoe dáng trước một chiếc sedan Audi A6 màu đen bóng loáng, nhằm thu hút sự chú ý của người mua. Những dòng xe sang trọng ngày càng hấp dẫn nhiều người Việt Nam. Theo các chuyên gia trong ngành này, doanh số xe sang đang tăng lên, thậm chí trong lúc cuộc sống của nhiều người dân còn bộn bề khó khăn.

Chiếc Audi A6 được trưng bày tại Triển lãm và Hội thảo Quốc tế lần thứ 8 về Phương tiện Giao thông và Công nghiệp phụ trợ (AutoExpo 2011) diễn ra hồi tháng trước tại Trung tâm Hội chợ Giảng Võ - Hà Nội, có giá khoảng 142.000 USD, tương đương với số tiền lương làm việc trong suốt 182 năm của một công nhân bình thường ở Việt Nam.

Tuy nhiên, người ta có thể thấy rất nhiều những chiếc xe hiệu Mercedes-Benz, Lexus, Audi... đang chen vai thích cánh trên những con phố chật hẹp ở Hà Nội, tranh giành từng khoảng trống với xe máy, loại phương tiện phổ biến của hầu hết người dân Việt Nam.

Chưa hết, ngày càng sẽ có nhiều hơn những thương hiệu nổi tiếng thế giới như Bentley và Rolls-Royce có thể góp mặt ở thị trường này. "Doanh số của chúng tôi tăng trưởng gấp đôi trong mỗi năm qua và tôi nghĩ, chúng tôi sẽ tiếp tục đạt được doanh số như vậy", Laurent Genet, Tổng giám đốc Automotive Asia Ltd, đơn vị nhập khẩu chính thức Audi tại Việt Nam, nói.

Mặc dù các hãng Ford, Toyota, Mercedes-Benz cùng nhiều nhà sản xuất khác đã tiến hành lắp ráp xe hơi ở Việt Nam từ vài năm nay. Tuy nhiên, theo ông Genet, từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007, thị trường này mới mở cửa cho các nhà nhập khẩu chính thức. Điều đó có nghĩa là, nó vẫn đang ở giai đoạn phôi thai và đang tiếp tục hấp dẫn nhiều thương hiệu khác.

Công ty Auto Motors Vietnam, nhà nhập khẩu chính thức của Renault, đã tới Việt Nam trong năm ngoái cùng với chiếc Koleos có giá bán lẻ là 1,429 tỷ đồng (68.048 USD). Theo lời Giám đốc điều hành, ông Xavier Casin, "doanh số bán hàng đã tốt đẹp ngay từ khi bắt đầu".

Năm nay, hãng Citroen của Pháp sẽ trở lại thị trường Việt Nam, trong khi Range Rover, thương hiệu đã có mặt ở Việt Nam trong 3 năm qua cho hay doanh số bán hàng năm 2011 tăng khoảng 50%, bất kể giá bán lẻ các mẫu xe này tại cuộc triển lãm ở Hà Nội lên tới 200.000 USD/chiếc. "Land Rover rất đắt. Thị trường biết rõ điều đó", phụ trách bộ phận kinh doanh Trần Nhật Tú nói.

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, doanh số bán xe hơi và các dòng SUV trong 4 tháng đầu năm 2011 đã tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, nhu cầu tiêu thụ xe hơi tăng lên, bất chấp nền kinh tế đang nhập siêu lớn, giá trị tiền đồng giảm và lạm phát tăng cao.

Trong một nỗ lực ổn định nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam muốn kiềm chế tăng trưởng tín dụng cả năm dưới 20%, bằng cách giới hạn các khoản vay cho "khu vực phi sản xuất", đặc biệt là các thị trường bất động sản và chứng khoán. Tuy nhiên, những kiềm chế này không ảnh hưởng mấy tới thị trường xe hơi cao cấp, ông Genet nói.

"Chúng tôi đang bán các loại xe đắt tiền cho những khách hàng không thật sự quan tâm đến vấn đề tài chính", ông nói. "Đối với họ, đó là cái tiếng. Nó cũng tương tự như một kiểu đầu tư".

Anh Trần Minh Tuấn, 28 tuổi, là một ví dụ. Nhà giao dịch bất động sản trẻ tuổi này đã tới triển lãm xe hơi với ý định lên đời chiếc xe của mình lên Audi. Anh nói, "chiếc xe bạn lái thế nào sẽ thể hiện đẳng cấp và tên tuổi của bạn như thế ấy". "Tôi cho rằng, nhu cầu xe sang ở Việt Nam lúc nào cũng lớn. Mặc dù kinh tế đôi khi không được tốt, những vẫn có rất nhiều người có tiền, muốn đổi sang những chiếc xe đắt hơn".

Năm 1986, Việt Nam bắt đầu chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường. Điều này đã giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng thuộc vào hàng nhanh nhất ở châu Á. Theo ông John Hendra làm việc cho Liên hợp quốc, những năm gần đây, kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và cùng với đó là nhu cầu mua sắm hàng hiệu tăng rõ rệt ở Hà Nội và Tp.HCM.

Tuy nhiên, với phần đông người Việt Nam, xe hơi vẫn là một thứ nằm ngoài tầm tay với và cuộc triển lãm ôtô là cơ hội để những viên chức nhà nước như anh Nguyễn Tuấn Hùng, 37 tuổi, được dịp dệt mộng. "Tôi đang đi xe máy", anh nói. "Tôi không có tiền để mua xe hơi. Nhưng tôi vẫn mơ mua được một chiếc".

Tin mới

Tín chỉ carbon: Nguồn lợi tỷ USD cho VinFast trong tương lai?

Tín chỉ carbon: Nguồn lợi tỷ USD cho VinFast trong tương lai?

Tín chỉ carbon có thể là một khái niệm xa lạ và không tác động trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng chúng là tài sản rất quan trọng mà các công ty ô tô cần cân nhắc. Trên thế giới, khái niệm này đã được nhiều quốc gia áp dụng và nhiều công ty đã thu được nguồn lợi không nhỏ.
Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang gửi nhiều xe điện đến châu Âu hơn mức họ có thể bán, dẫn đến hàng nghìn chiếc trong số đó phải “tạm trú” ở các bến cảng. Tình trạng này khiến các nhà khai thác cảng không hài lòng vì tình trạng dư thừa ô tô của Trung Quốc đang cản trở các hoạt động khác của cảng. Một số người nói rằng chúng không còn là cảng nữa mà là bãi đậu xe cho xe điện Trung Quốc mới đến.