Việt Nam và Samsung hiện thực hoá mục tiêu đào tạo nhân tài ngành bán dẫn

Phương Hoa
Chương trình Phát triển nhân tài công nghệ là hoạt động hợp tác đầu tiên giữa Tổ hợp Samsung tại Việt Nam (Samsung Việt Nam) và Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) nhằm hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn đến năm 2030 của Việt Nam...
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai giảng của “Chương trình Phát triển nhân tài công nghệ - Samsung Innovation Campus (SIC) năm học 2023 – 2024”.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai giảng của “Chương trình Phát triển nhân tài công nghệ - Samsung Innovation Campus (SIC) năm học 2023 – 2024”.

Phát biểu tại Lễ khai giảng “Chương trình Phát triển nhân tài công nghệ - Samsung Innovation Campus (SIC) năm học 2023 – 2024” tổ chức bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Samsung Việt Nam tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cơ sở Hòa Lạc vào ngày 3/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Chính phủ đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn, trong đó dự kiến có khoảng 15 nghìn kỹ sư thiết kế và 35 nghìn kỹ sư cho các công đoạn còn lại của ngành công nghiệp bán dẫn.

KHAI PHÁ TỐI ĐA TIỀM NĂNG NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH BÁN DẪN 

Bên cạnh đó, để nhanh chóng nắm bắt cơ hội của làn sóng đổi mới công nghệ toàn cầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trực tiếp chỉ đạo nghiên cứu và trình ban hành hệ thống các chính sách và hình thành các mạng lưới kết nối khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo như: Trình Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào năm 2020; Đề xuất Chính phủ thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cùng với các cơ chế, chính sách đặc thù để đào tạo và phát triển; Hình thành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam với hàng nghìn chuyên gia, trí thức về khoa học công nghệ của Việt Nam trên toàn cầu; Ký kết và triển khai thỏa thuận với các Bộ các nước, các Tập đoàn, các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học uy tín trên thế giới để hợp tác trong chương trình Đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Lễ khai giảng “Chương trình Phát triển nhân tài công nghệ - Samsung Innovation Campus (SIC) năm học 2023 – 2024”.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Lễ khai giảng “Chương trình Phát triển nhân tài công nghệ - Samsung Innovation Campus (SIC) năm học 2023 – 2024”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, chương trình SIC đánh dấu bước đi quan trọng trong hợp tác giữa Samsung và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) nhằm cụ thể hoá tầm nhìn của cả hai tổ chức, đó là bồi dưỡng nhân tài công nghệ, đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và dần trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo trong khu vực và thế giới, quyết tâm thực hiện đúng định hướng Thủ tướng Chính phủ gửi gắm: “NIC phải là nơi hội tụ trí tuệ và lan tỏa lợi ích đổi mới sáng tạo Việt Nam”. 

Tương tự, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, nhấn mạnh rằng Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Gần đây, thế mạnh của Việt Nam được thể hiện rõ nét hơn trên các phương diện chính trị, nhân lực, cơ sở hạ tầng về công nghệ và thu hút được ngày càng nhiều sự chú ý trên toàn thế giới. 

Đặc biệt, tầm quan trọng của Việt Nam trong ngành công nghệ cao – ngành mà Samsung cũng đang tập trung đầu tư và phát triển, được kỳ vọng sẽ trở nên nổi bật hơn nữa. Thêm vào đó, các doanh nghiệp công nghệ cao trên toàn thế giới đang cạnh tranh tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam, do đó nhu cầu về nhân tài công nghệ cao cũng gia tăng đột biến.

Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, chia sẻ tại Lễ khai giảng.
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, chia sẻ tại Lễ khai giảng.

“Môi trường hiện nay đang mang lại những cơ hội lớn cho các bạn trẻ Việt Nam. Để các thanh niên Việt Nam có thể phát triển thành những nhân tài công nghệ, phát huy tối đa năng lực của bản thân rất cần sự hợp lực và hỗ trợ tích cực của chính phủ, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo”, ông Choi Joo Ho nhấn mạnh.

Do đó, chương trình Samsung Innovation Campus (SIC) không chỉ được cung cấp bởi Samsung cho các sinh viên ưu tú của các trường đại học danh tiếng hàng đầu mà còn được tổ chức tại Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), nơi chính phủ Việt Nam tập trung rất nhiều nguồn lực để triển khai. “Tôi tin tưởng rằng chương trình Samsung Innovation Campus chính thức được khởi động hôm nay sẽ trở thành hình mẫu tiêu biểu cho việc đào tạo thanh thiếu niên Việt Nam trở thành nhân tài công nghệ”, ông Choi Joo Ho bày tỏ.

HƯỚNG TỚI CÁC THÀNH TỰU VỀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC 

Từ năm 2008 sau khi đầu tư chính thức tại Việt Nam, Samsung đã trở thành mô hình thành công nhất của đầu tư nước ngoài, Việt Nam và Samsung đã cùng nhau viết nên lịch sử. Tuy nhiên, với sự biến đổi lớn của môi trường kinh doanh toàn cầu như sự thay đổi của môi trường đầu tư tại Việt Nam do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng và những biến đổi gây nên do đại dịch Covid, khiến cho các mô hình thành công này đang bị đe dọa. 

 “Để trang sử thành công mà Việt Nam và Samsung cùng nhau gây dựng được viết tiếp, tôi cho rằng hơn bất cứ lúc nào, chúng ta cần đồng lòng, ‘cải thiện môi trường đầu tư’, ‘tăng cường đổi mới sáng tạo’ và thực hiện ‘đào tạo nhân tài tương lai’. Và trên những chặng đường ấy, Samsung nhất định sẽ luôn đồng hành cùng Việt Nam”, ông Choi Joo Ho khẳng định.

Các đại biểu tham quan 1 lớp học của Chương trình Phát triển nhân tài công nghệ - Samsung Innovation Campus (SIC)
Các đại biểu tham quan 1 lớp học của Chương trình Phát triển nhân tài công nghệ - Samsung Innovation Campus (SIC)

Tương tự, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đề nghị Samsung và NIC tổ chức tốt và hiệu quả các khóa học và đồng thời đề nghị tăng thêm số lượng học viên và mở rộng thêm các chủ đề đào tạo, không chỉ trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data) và Internet vạn vật (Internet of Things) mà còn trong các lĩnh vực khác như bán dẫn, sản xuất thông minh, an ninh mạng…

“Tôi mong muốn Samsung cũng như các Trường đại học sẽ cùng tham gia với NIC trong phát triển nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo, đặc biệt là tham gia triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, thúc đẩy công tác đào tạo giảng viên, sinh viên và định hướng học tập, nghề nghiệp cho các em học sinh trong các lĩnh vực nghiên cứu, học tập liên quan đến ngành bán dẫn”, Thứ trưởng Nguyễn Bích Ngọc bày tỏ.

Trong chương trình Samsung Innovation Campus (SIC) 2023-2024 triển khai tại NIC Hòa Lạc năm nay, Samsung Việt Nam sẽ phối hợp cùng NIC triển khai 2 lớp đào tạo về Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI), 2 lớp đào tạo về Internet Vạn vật kết nối (Internet of Things – IoT) và 02 lớp đào tạo về Dữ liệu lớn (Big Data) dành cho khoảng 200 sinh viên đến từ một số trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học FPT. 

Bên cạnh đó, các khóa học trong Chương trình SIC được thiết kế trên nền tảng giáo dục kết hợp giữa kỹ năng công nghệ cốt lõi trong tương lai với các kỹ năng mềm và kỹ năng làm việc trong thực tiễn. Các nội dung đào tạo này được lựa chọn thông qua việc thực hiện khảo sát phân tầng theo các xu hướng phát triển trong các ngành công nghiệp ở từng khu vực khác nhau, kết hợp với nhu cầu tuyển dụng tại các công ty lớn. Cùng với các kiến thức chuyên môn, Chương trình còn cung cấp cho học viên những nội dung liên quan đến kỹ năng hướng nghiệp.

Tin mới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc đang trang bị thêm các phụ kiện công nghệ cao như một hướng đi mới cho xe của họ nhằm thu hút khách hàng. Các nhà điều hành và chuyên gia ô tô cho biết khách hàng Trung Quốc muốn ô tô của họ phải ngày càng "thông minh hơn".
Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhìn bề ngoài, thị trường Tây Âu dành cho tất cả xe sedan và SUV vào năm 2024 đã chậm lại một chút nhưng có vẻ vẫn “khỏe mạnh”. GlobalData cho biết họ dự kiến doanh số bán hàng của châu Âu sẽ tăng 4,5% trong năm nay lên 11,98 triệu chiếc, chậm hơn nhiều so với mức tăng 13,9% của năm ngoái. Nhưng ngành ô tô ở châu Âu đang rơi vào tình trạng hỗn loạn khi tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện chậm lại bất ngờ đặt ra câu hỏi về lượng vốn khổng lồ đầu tư vào phát triển chúng.
#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

Một sản phẩm vay mượn có thể dễ dàng được hoàn thiện ở phần vỏ bên ngoài, nhưng rất khó để đạt được chất lượng và sự vận hành ổn định, bền bỉ ở bên trong. Trong nhiều năm, các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã tìm cách khắc phục những sai lầm trước đó để mang đến những sản phẩm mới nhất và có giá trị nhất cho thị trường thế giới. Thế nhưng, để có thể thay đổi được những định kiến cũ và tạo niềm tin cho người tiêu dùng thì xe Trung Quốc cần thời gian để hoàn thiện về chất lượng. Đó cũng là nội dung chủ đề sẽ được chúng tôi phân tích trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay.